Bố mẹ ly hôn con ở với ai?

,
Chia sẻ

Mặc dù đã quyết tâm ly hôn, nhưng chị Hoa vẫn không khỏi lo lắng mỗi khi nghĩ đến con. Chuyện bố mẹ li dị, con biết bao thiệt thòi đã đành. Nhưng con biết ở với ai bây giờ?

Nhất định chia lìa con và bà nội

Vợ chồng chị Hường – anh Nam có một con gái 4 tuổi thì ra tòa ly hôn. Mặc dù gia đình anh Nam có điều kiện kinh tế khá giả, ông bà rất yêu thương cháu, nhưng chị Hường nhất định giành quyền nuôi con.

Chị biết, bà nội rất quý và yêu chiều cô cháu gái. Bà chỉ có 5 thằng con trai, lại đẻ toàn c cháu trai, nên bé My nghiễm nhiên trở thành của quý. Nhưng do những khúc mắc giữa hai mẹ con, chị làm mọi cách để có được quyền nuôi con. Chị muốn mẹ chồng mình phải đau khổ như đã từng làm chị khổ đau trong suốt những năm tháng làm dâu.

“Đằng nào chồng tôi chả lấy chồng khác, rồi đẻ con. Đẻ được con gái thì tốt. Không thì đẻ con trai,bà có thêm thằng cháu chống gậy”. Vì chị cũng có nghề nghiệp ổn định nên tòa đã ưu tiên cho chị nhận nuôi bé My.

Ly dị xong chị mới thấy một mình nuôi con cũng vất vả muôn phần. Mọi khi chị đi làm về, bà đã cho cháu ăn và tắm giặt xong. Con ốm đau, bà trông, mẹ vẫn đi làm. Đằng này, một mẹ một con ở trong nhà, chỉ lo chăm sóc cho con bữa tối, bữa sáng, dọn nhà là chị đã thấy phờ phạc.

Chị cũng không có thời gian trò chuyện, chơi với con nhiều như mọi khi. Lúc nào cũng cảm giác mệt mỏi, cáu gắt và bực mình. Con chị chỉ biết làm bạn với tivi. Ngoài giờ đi học ở lớp, ở nhà có nói gì cũng bị mẹ quát. Dần dần bé cảm thấy sợ mẹ và không thích ở nhà với mẹ. Cứ lủi thủi một mình. Nhìn bạn Tun ở nhà bên cạnh, có bố mẹ đưa đi chơi, yêu chiều, con bé càng tủi thân.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, thỉnh thoảng chị Hường lại tặc lưỡi với bạn bè: “Lúc ấy không nghĩ tới con bé. Sau này lớn lên, không ai quản lý, không biết một mình tao làm thế nào. Rồi trai gái, nghiện ngập, tao sợ lắm.”

Trái với nhà chị Hường  khi ra tòa li dị, chị  Loan nhất định nhường con cho nhà chồng. Có người ác ý, bảo rằng: “Làm thế để cho rảnh rang đi lấy chồng mới”. Chị cũng chỉ cười: “Gia đình nhà chồng tôi có điều kiện đầy đủ. Thằng bé ở đấy chắc chắn sẽ sướng hơn ở với mẹ rồi. Lại toàn người có học.  Sau này con tôi nhất định sẽ học đến nơi đến chốn”.

Không biết mình có lo được cho con không?

Sau khi ly hôn, cả bố và mẹ đều phải có trách nhiệm nuôi dạy con. Vấn đề ở đây không phải là tiền chu cấp hàng tháng, mà là sự quan tâm giáo dục con thường xuyên hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bố/mẹ nào cũng có thể một tuần đến thăm con  một lần mà đủ sức uốn nắn, dạy bảo cho con.

Khi ly hôn, việc quyết định cho con ở với ai là điều cực kỳ quan trọng. Bởi điều này có thể làm thay đổi tính cách, con người, và cuộc đời con. Các  bố mẹ hãy ngồi bàn bạc, xem xét một cách bình tĩnh sáng suốt xem con ở với ai sẽ được sung sướng, phát triển toàn diện hơn.

Không nên để cảm giác bực tức nhau làm ảnh hưởng đến quyết định này, coi việc giành quyền nuôi con như một phương tiện trả thù. Các con đã rất thiệt thòi khi cuộc sống thiếu vắng người cha đẻ/mẹ đẻ của mình. Các bé cần dược chăm sóc tốt nhất để bù đắp được phần nào thiếu hụt đó.

Không phải bố/mẹ không giành quyền nuôi con là không thương con.  Hãy tự xem xét mình có đủ điều kiện để nuôi dạy con, cho con không nhé!
 
Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ