Con cái được giải thoát khi bố mẹ ly hôn
Ly hôn có thể là một cú sốc tinh thần đối với trẻ nhưng nếu cha mẹ không dứt khoát thì con cái sẽ ngày càng rơi vào bế tắc và chán nản
Việc cha mẹ thường xuyên bất hòa gay gắt gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời chúng. Có nhiều ý kiến cho rằng khi hôn nhân không thể cứu vãn, khi những người trong cuộc không còn tình cảm, trách nhiệm với đối phương thì ly hôn là giải pháp hợp lý cho cả các bậc cha mẹ và con cái họ. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận một thực tế: việc ly hôn của bố mẹ thường là cú sốc lớn với con cái, khiến số phận nhiều trẻ em bị thay đổi hoàn toàn.Vậy đâu là lối thoát cho những con người không may rơi vào hoàn cảnh đáng buồn này?
Sau lá đơn ly hôn là những số phận trẻ thơ ít sáng sủa
Có một sự thật là không một đứa trẻ nào thích bố mẹ chúng chia tay. Việc phải chứng kiến sự chia tay của bố mẹ là một nỗi đau khổ lớn của các em. Nỗi đau khổ này có khi được biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài, cũng có khi biến dạng thành sự nổi loạn, bất cần đời, hoặc những hành vi tự hủy hoại.
Những hành động đầy phẫn uất như trên thường xuất hiện ở các em 8 đến 17 tuổi, nhưng cũng có những đứa con ngay cả khi đã trưởng thành, lập gia đình vẫn chưa qua khỏi nỗi đau tinh thần mà cha mẹ họ để lại sau cuộc chia tay. Những đứa trẻ này thường không có biểu hiện gì sau biến cố ly dị của cha mẹ. Một số trường hợp tỏ ra vui vẻ, một số lặng im, không bình luận, thản nhiên coi chuyện cha mẹ chia tay là chuyện “thường ngày ở huyện”. Tất nhiên, các bậc phụ huynh luôn thấy yên tâm vì sự “chín chắn” ngạc nhiên của con. Họ không ngờ, việc gia đình tan vỡ đã gây nên vết thương lòng không gì bù đắp được trong tâm hồn chúng, theo thời gian, nó vẫn sục sôi âm ỉ, chờ những dịp bùng lên làm hại nhân cách của đứa con dưới nhiều hình thức khác.
Anh Hòa, 30 tuổi, sống ở Nam Định. Cách đây hai năm anh lập gia đình với chị Hương, cuộc sống gia đình anh chị sẽ rất hạnh phúc nếu anh Hòa không có hành động đánh đập vợ dã man sau mỗi lần uống rượu say. Trong những cơn say, anh luôn trì triết vợ là đồ bội bạc, bỏ chồng bỏ con, vô lương tâm. Mắt anh đỏ ngầu, cười hả hê thỏa mãn như vừa thực hiện được một hành vi trả thù hun đúc lâu ngày. Chị Hương vẫn cắn răng chịu đựng, âm thầm tìm cách giúp chồng thoát khỏi những cơn say, vì ngoài những lúc say rượu, anh là người sống tình cảm, chân thành với vợ. Là một bác sỹ tâm lý, chị đoán, chồng mình rất có thể đã gặp phải rắc rối tâm lý nào đó với gia đình từ khi còn bé. Do vậy, chị thường nhẹ nhàng tâm sự với anh, cố tìm ra nguyên cớ, cuối cùng, anh cũng chịu hé mở về quá khứ đáng buồn của mình, về những ám ảnh luôn đeo bám kể từ khi cha mẹ anh quyết định ly dị, mạt xát nhau không tiếc lời trước mặt anh và mọi người tại phiên tòa giải quyết vụ ly hôn của họ. Mới chỉ cách đấy vài tuần, cha mẹ anh còn đóng vai một đôi vợ chồng hạnh phúc, vậy mà khi đứng trước tòa, mẹ anh nhiếc mắng chồng không tiếc lời, còn cha anh, mặt lạnh tanh không chút cảm xúc. Sự kiện đó làm anh choáng váng, đau khổ, và bây giờ, khi có gia đình riêng, trong đầu anh luôn xuất hiện suy nghĩ: gia đình này sắp tan vỡ, vợ anh sắp bỏ rơi anh, giống như mẹ và cha đã đối xử với anh cách đấy 16 năm.
Hãy giúp con mình tránh khỏi những tổn thương không đáng có
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên ly hôn hay không nên ly hôn. Một số cho rằng cha mẹ bằng mọi giá phải duy trì cuộc hôn nhân vì trách nhiệm với con cái; số khác cho rằng đó là việc riêng của mỗi người, không ai có quyền can thiệp vào quyết định có nên tiếp tục duy trì hôn nhân hay không của một cặp vợ chồng. Theo chúng tôi, điều quan trọng không phải các đôi vợ chồng đó quyết định gì (ly hôn hoặc không ly hôn) mà quan trọng ở chỗ họ thực hiện quyết định đó như thế nào. Dù quyết định đó ra sao đi nữa thì điều rất cần thiết là họ phải biết cách chuẩn bị, giúp đỡ và bảo vệ cho con cái ít bị “chấn thương”nhất trong hoàn cảnh đáng buồn này. Dưới đây là một số lời khuyên nhỏ, mong rằng có thể chia sẻ với những cặp vợ chồng đang phải đứng trước quyết định ly hôn:
- Hãy nói chuyện với con bạn. Hãy nói cho con bạn nghe về ý nghĩa của hạnh phúc, về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, cảm nhận của bạn và chồng bạn hiện giờ ra sao.
- Hãy làm cho con bạn hiểu rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bạn và chồng vẫn rất yêu cháu, luôn có trách nhiệm trong cuộc sống của con trẻ.
- Đừng bao giờ nói chuyện trước mặt trẻ về nghĩa vụ mà chồng hoặc vợ bạn phải thực hiện nếu bạn là người nhận chăm sóc cháu.
- Hãy nói cho con bạn hiểu rằng việc bạn và chồng bạn chia tay hoàn toàn không do lỗi của chúng.
Đ.Huyền