Nói với trẻ thế nào khi ly hôn?
Ly hôn đó là điều không ai muốn nhưng nếu phải làm điều đó bạn hãy để con hiểu: con vẫn luôn được cha mẹ quan tâm và yêu mến.
Ở độ tuổi đến trường, có thể trẻ cũng có bạn cha mẹ đã ly hôn và trẻ cũng quen với khái niệm cha mẹ mỗi người một nhà. Trẻ đã hiểu được ly hôn nghĩa là cuộc hôn nhân của cha mẹ chấm dứt. Theo nhà tâm lý học - Leah Klungness - đồng thời là tác giả của cuốn sách The Complete Single Mother (Tạm dịch: Người mẹ độc thân) thì điều “trẻ quan tâm nhất đó là cuộc sống của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào” sau khi điều đó xảy ra.
Trẻ sẽ lo lắng về mọi thứ có thể sẽ thay đổi như: trẻ sẽ ở đâu, đi học trường nào. Trẻ sẽ hỏi bạn rất nhiều, vì vậy bạn hãy chuẩn bị trước những câu trả lời cho trẻ. Điều quan trọng nhất là bạn hãy để trẻ hiểu rằng, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì trẻ vẫn được chăm sóc và yêu mến.
Đừng ngạc nhiên nếu trẻ có tâm trạng bất an, không bình thường, có thái độ bất hợp tác, khép mình, hay đòi hỏi sự quan tâm của bạn nhiều hơn nữa. Ngay cả một cuộc ly hôn diễn ra nhẹ nhàng nhất của cha mẹ cũng dẫn đến sự thay đổi tác động mạnh mẽ tới trẻ.
Hãy để trẻ cảm thấy yên tâm ngay cả khi cha và mẹ ly hôn |
Nhà tâm lý học Anthony Wolf đã viết trong cuốn Why Did You Have to Get a Divorce and When Can I Get a Hamster (Tạm dịch: Tại sao mẹ ly hôn và khi nào con có thể có một con Hamster?) rằng: “Vấn đề chính của ly hôn đó là sự thay đổi và mất mát trong gia đình”. Trẻ thấy sợ hãi, một số trẻ thấy rất buồn hoặc tức giận, trong khi đó một số trẻ khác sẽ né tránh bất cứ điều gì nhất là khi trẻ cảm giác đang nói đến vấn đề ly hôn.
Tuy nhiên, ở độ tuổi đến trường trẻ có sức "hồi phục" đáng ngạc nhiên và có thể thích ứng với nhanh chóng với những thay đổi đó. Bạn phải nói với trẻ như thế nào về việc ly hôn của bạn. Bạn sẽ nói trước, trong hay sau khi ly hôn? Đây sẽ là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với bạn. Điều trẻ cần nhất từ bạn ngay lúc này đó là bạn phải làm cho trẻ yên tâm và luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống.
Nói với trẻ thế nào về việc ly hôn?
Chọn thời điểm phù hợp: Nếu vợ chồng bạn đang tính tới chuyện ly thân hoặc ly hôn thì đừng nói cho trẻ biết ngay, hãy để cho tới khi bạn chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Trong khi việc ly hôn chưa rõ ràng, thì những câu nói kiểu như: “Cha mẹ đang suy nghĩ về việc ly hôn” sẽ gây ra những lo lắng không cần thiết cho trẻ.
Mẹ của một cô bé 7 tuổi đã giữ kín chuyện ly hôn với con cho tới khi chồng chuyển đến chỗ khác. “Chúng tôi đã không nói gì với con bé cho tới trước khi anh ấy chuyển đi và tôi nghĩ đó là sự lựa chọn tốt nhất. Vì con bé biết chuyện trong một thời gian rất ngắn, nên đã không phải lo lắng và suy nghĩ nhiều”.
Dù không có thời điểm nào tốt, nhưng cũng có những thời điểm tồi tệ nếu bạn lựa chọn nói cho trẻ biết về điều đó. Bạn không nên nói với trẻ khi trẻ đi học, ngay trước khi bạn đi làm, lúc trẻ chuẩn bị tới lớp học múa, chơi thể thao, hoặc ngay trước khi đi ngủ. Anthony Wolf cho biết: “Khi trẻ nghe thấy điều đó, trẻ sẽ bị bất ngờ, cảm thấy hoang mang và rất đơn độc. Vì thế trẻ rất cần có bạn khi đó”. Do đó sau khi nói với trẻ về việc này, bạn hãy ở lại cùng trẻ, ôm trẻ vào lòng, vỗ về trẻ, để trẻ yên tâm.
Cha mẹ cùng nói với con: Dù bạn bất đồng với chồng, vợ về bất cứ chuyện gì, nhưng trong chuyện này hãy cố gắng vì trẻ, mà đồng ý về những gì sẽ nói cho trẻ biết. Điều tốt nhất là cha mẹ hợp tác, cùng nhau nói với trẻ. Cha mẹ cùng nói sẽ tránh cho trẻ sự lúng túng – cảm giác khi trẻ chỉ nghe thấy câu chuyện từ một phía – và hãy nói với trẻ rằng, đó là quyết định của cả cha và mẹ.
Theo Paul Coleman – nhà tâm lý học, đồng thời là tác giả cuốn How to Say It to Your Kids (Tạm dịch: Nói với trẻ như thế nào về chuyện đó), thì lý do quan trọng hơn cả là khi cha mẹ cùng nói với trẻ, điều đó đã giúp trẻ có được sự tin tưởng từ cha và mẹ.
Một nguời mẹ đã kể lại cách làm của mình : “Tôi đã giải thích - Con biết đấy, gần đây cha mẹ đã tranh luận nhiều và chúng ta dường như luôn rơi vào tâm trạng bực bội với nhau. Cha quyết định cần có thời gian để suy nghĩ và cha sẽ chuyển khỏi nhà của chúng ta, cha tới ở cùng với bác của con. Những khi không phải làm việc cha sẽ tới thăm con, hoặc cuối tuần con sẽ dành thời gian tới thăm cha và bác - điều đó sẽ tốt phải không con?” Sau khi bạn nói hãy chuẩn bị trả lời rất nhiều câu hỏi của trẻ.
Nói cho trẻ biết, đó không phải là lỗi của trẻ: Dù không nói ra, nhưng trẻ có thể tự buộc tội bản thân mình đối với sự tan vỡ của cha mẹ. Trẻ có thể nghĩ mọi việc đang diễn ra là do mình đã làm bẩn phòng hoặc không học tốt ở trường.
Trẻ cũng có thể mình phải có trách nhiệm để sữa chữa những lỗi sai này. Hãy nói cho trẻ hiểu rằng, ly dị là quyết định của người lớn và việc đó không liên quan gì tới việc làm của trẻ.
Isolina Ricci - một chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý - đã viết cuốn Mom's House, Dad's House for Kids (Tạm dịch: Nhà của mẹ, nhà của cha dành cho con), đưa ra ví dụ về cách nói với trẻ: “Có một số chuyện thường xảy ra với các ông bố, bà mẹ. Cha mẹ thực sự buồn về điều đó và đó không phải là những điều con gây nên”.
Tránh buộc tội chồng, vợ: Dù bạn rất tức giận, nhưng đừng buộc tội chồng, vợ vì sự đổ vỡ này và tránh tranh cãi trước mặt trẻ. Bạn hãy giữ kín mọi chi tiết về những vấn đề như ngoại tình hay tài chính đối với trẻ.
“Bạn có thể cảm thấy bị đảo lộn và bạn muốn nói cho con bạn về mọi thái độ quá đáng của bố, mẹ nó.” (Theo ý của Klungness). Nhưng với trẻ, đó như là một sự phản bội - hoặc tồi tệ hơn là thái độ chỉ trích bản thân của trẻ.
Nếu cha gọi mẹ là “kẻ nói dối” hoặc “kẻ lừa đảo”, thì trẻ sẽ bắt đầu nhìn lại chính mình, mình là một nửa sản phẩm của mẹ, vậy cũng giống như một nửa của kẻ nói dối, hay một nửa của kẻ lừa đảo.
Một bà mẹ tâm sự: “Tôi luôn luôn nhớ rằng dù có bất cứ chuyện gì thì con gái tôi rất gần gũi với cha nó. Bất kỳ điều gì tôi nói về anh ấy, cũng ảnh hưởng tới con bé”.