Trẻ bị khủng hoảng khi cha mẹ ly hôn
Theo thống kê về trẻ em có cha mẹ ly hôn thì có tới 79,55% trong số đó không có cuộc sống đầy đủ về vật chất và bị tổn thương về tinh thần
Vợ chồng ly hôn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do ngoại tình, kinh tế gia đình khó khăn, do bất đồng quan điểm, lối sống hoặc không hoà hợp về tình dục,….
Điều tồi tệ là trước khi ly hôn, cha mẹ thường gây gổ cãi nhau - thậm chí còn chửi bới thậm tệ hoặc đập phá trước mặt con cái. Sai lầm lớn nhất của họ là đã vô tình biến tổ ấm trở thành “địa ngục” làm đau lòng con trẻ.
Ở những gia đình đã ly hôn, trẻ thường cảm thấy chán nản cuộc sống gia đình. Thiếu đi người bố hay vắng đi người mẹ, trẻ đều không được giáo dục một cách chu đáo khiến chúng chán nản, suy sụp tinh thần, đua đòi, bỏ học, nhiều trường hợp phạm tội ở tuổi vị thành niên…
Theo thống kê có tới 44,9% trẻ luôn cảm thấy buồn chán về gia đình; 15,25% cảm nhận gia đình luôn là sự nặng nề; 19,4% cảm thấy trống trải, cô đơn. Như vậy, có tới 79,55% trong số những trẻ có gia đình không hoàn thiện đã không có được cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn thì cũng chấm dứt luôn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với con cái, không tới thăm và cấp dưỡng nuôi con. Con cái là tài sản chung vô giá của bố mẹ nhưng người nuôi con thì luôn gây khó khăn, ngăn cấm người kia tới thăm con mình. Nhiều khi họ lại kể xấu bố (mẹ) trước mặt con cái, tạo cho chúng những ấn tượng và suy nghĩ không tốt về người đã sinh ra mình. Vô tình họ đã biến con như “vật sở hữu riêng” khiến cho tình cảm bố mẹ - con cái ngày một sứt mẻ.
Trước sức ép lớn như vậy, con cái bị ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý và sự phát triển về thể chất, trí tuệ. Trẻ trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc với xã hội – đôi khi chúng trở nên phá phách hơn.
Một số biện pháp giúp con trẻ vượt qua khủng hoảng khi cha mẹ ly hôn:
Các chuyên gia cho rằng: Một khi cuộc hôn nhân đã đến hồi khó cứu vãn, các bậc cha mẹ hãy khoan nghĩ đến mình mà hãy nghĩ đến những đứa trẻ- người chịu thiệt thòi nhất.
Để giúp con trẻ tổn thương ít nhất, cả bố và mẹ đều phải bắt tay cộng tác trong vấn đề này. Nếu chỉ một người cố gắng giúp con an tâm thì tỷ lệ thành công là rất nhỏ. Cả hai bố mẹ cần đảm bảo chắc chắn rằng, cả hai:
- Vẫn là bố mẹ của con, duy trì tình yêu thương và là chỗ dựa vững chắc cho con
- Bố mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc các con đến khi trưởng thành
- Bảo vệ con khỏi những cám dỗ và cạm bẫy ngoài xã hội
- Đặt ra những quy tắc chuẩn mực sống cho con nếu bố mẹ thấy cần thiết
- Đặc biệt không nên đặt điều nói xấu, chửi bới, mắng nhiếc đối phương trước mặt con cái