Bí quyết giúp bé tăng cân không cần ép ăn
Mùa hè nóng nực dễ khiến trẻ mệt mỏi, bé sẽ lười ăn hơn và chậm tăng cân.
Tình trạng trẻ biếng ăn, chậm tăng cân luôn làm các mẹ đau đầu. Bởi cân nặng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của bé. Mẹ và người chăm sóc có thể tham khảo các cách giúp bé tăng cân và khỏe mạnh.
Dinh dưỡng hợp lý cho bé trong mùa hè
Chế độ ăn: Mùa nóng, thời tiết oi bức nên dinh dưỡng của bé cần mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí xanh... giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau. Cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan... Thức ăn của bé cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ.
Nước uống: Cho bé uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Nên cho bé uống thức uống có giá trị dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây. Ngoài ra, còn có nước giải khát như: nước lọc, trà, nước khoáng, nước suối, nước tinh khiết và nước mát được chế biến theo cách dân gian như: nước sâm, rau má...
Khi thời tiết nóng nực, bé thường nổi nhiều rôm sảy. Vì thế, cần cho bé uống thêm các loại nước mát và bổ dưỡng, bé sẽ bớt nổi mụn, nổi mẩn trên da, đồng thời cơ thể của bé sẽ tăng sức đề kháng với các bệnh lý dễ xảy ra vào mùa nắng nóng. Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến bé mắc những bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý những yếu tố về thời tiết vì thời tiết nóng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé. Bé dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết.
Thêm sữa chua vào khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ.
Bí quyết giúp bé tăng cân
Tăng cảm giác ngon miệng cho bé: Trời nóng nực, trẻ dễ mệt và cảm giác không ngon miệng dẫn đến tình trạng biếng ăn, kém hấp thụ. Nguyên do cơ thể của trẻ thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định như: kẽm, lysine, các loại vitamin nhóm B...Vì vậy, để tăng thêm cảm giác ngon miệng cho bé và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, mẹ có thể chọn những nhóm thực phẩm có chứa những chất dinh dưỡng như: Nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B (các loại đậu, thịt gà, gạo lứt, chuối,...). Nhóm thực phẩm chứa kẽm (hải sản, thịt bò, rau lá xanh đậm, các loại hạt,...). Nhóm thực phẩm giàu lysine (lòng đỏ trứng, cá, thịt, sữa tươi, các loại đậu,...)
Làm đa dạng các bữa ăn: Một trong những nguyên nhân làm bé biếng ăn, chậm tăng cân là bữa ăn đơn điệu, nghèo nàn. Việc này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng bé sẽ không còn hứng thú với những bữa ăn nữa. Do vậy, mẹ có thể đa dạng món ăn của bé bằng cách kết hợp nhiều loại thực phẩm lại với nhau. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý là trong các bữa ăn cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm cho bé là: tinh bột, chất béo, đạm và rau quả cho bé. Ngoài ra, mẹ có thể trang trí món ăn bắt mắt để thu hút sự chú ý của trẻ sẽ giúp trẻ hứng thú hơn trong bữa ăn. Mẹ cũng nên cho trẻ uống thêm các loại sữa giúp trẻ tăng cân tốt hơn và giúp bù đắp những chất dinh dưỡng còn thiếu, đặc biệt là các chất dinh dưỡng mà bữa ăn hàng ngày có thể không cung cấp đủ.
Thêm dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của bé: Nhiều bé biếng ăn nên khi nhìn những bát cháo đầy hay uống nguyên một ly nước ép to, thì tâm lý chung của các bé là không muốn ăn. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này mẹ cần coi trọng chất lượng hơn số lượng trong các bữa ăn của trẻ. Mẹ cần khéo léo thêm chất bổ để bé không có cảm giác ăn nhiều nhưng vẫn nạp vào nhiều calo và dinh dưỡng. Một số cách sau gợi ý cho mẹ:
Những món súp, cháo hay món xào, nấu của bé mẹ có thể cho thêm bơ, phomai, kem (loại dùng để nấu ăn) để món ăn có thêm độ ngậy, thơm và nhiều chất dinh dưỡng hơn. Khi nấu ăn cho bé mẹ nên cho nhiều dầu/mỡ hơn, giúp tăng cường năng lượng, giúp bé tăng cân khỏe mạnh. Những loại hạt giàu chất béo, calo và nhiều khoáng chất tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ như: đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân... Mẹ có thể xay nhỏ và rắc lên cốc sữa giúp trẻ tăng cân nhanh và thêm phần thơm, ngậy cho thức uống của trẻ. Nhưng đối với trẻ dưới 1 tuổi cần tránh thực phẩm này do có nguy cơ hóc, nghẹn hoặc dị ứng cao. Nên chia khẩu phần ăn cho trẻ thành 5-6 bữa/ngày thay vì bắt trẻ ăn quá nhiều thức ăn trong 3 bữa. Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, nên nếu tiêu thụ khối lượng lớn thức ăn một lúc sẽ quá sức đối với trẻ. Tập thói quen cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa - đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng và cần thiết để tránh tình trạng bé biếng ăn, chán ăn, dẫn đến sụt cân.
Thêm sữa chua vào khẩu phần ăn: Trong sữa chua chứa hàng nghìn vi khuẩn có lợi cho đường ruột của trẻ và kích thích trẻ tiêu hóa tốt hơn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Vì vậy, mẹ có thể thêm 1-2 muỗng sữa chua vào sinh tố hoặc nước ép trái cây của trẻ, giúp hàm lượng calo trong món ăn của trẻ được tăng lên đáng kể.