Bác sĩ khoa Nhi cảnh báo cho trẻ F0 uống kháng sinh: "Không diệt được virut mà còn làm giảm sức đề kháng dẫn đến bệnh nặng hơn"
Việc nhiều phụ huynh tự ý cho trẻ dùng kháng sinh sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Hiện nay, vấn đề trẻ mắc Covid hiện đang được quan tâm hơn cả. Tỷ lệ các ca nhiễm ngày càng gia tăng trong khi trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Tuy nhiên một số người lớn vì sợ hãi đã tự ý dùng đơn thuốc của người lớn hoặc sử dụng kháng sinh theo lời một vài người trên mạng. Điều này là vô cùng nguy hiểm và có thể làm trẻ lâu khỏi bệnh hơn.
Về vấn đề lạm dụng kháng sinh khi trẻ mắc Covid, người lớn phải vô cùng cẩn thận. Trao đổi thêm về việc này, Pgs.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ với chúng tôi:
"Covid là một loại virut cũng giống như nhiều virut khác, kháng sinh không có tác dụng gì với virut. Khi nhiễm covid, hệ thống miễn dịch bẩm sinh của người, đặc biệt là ở trẻ em hoạt động rất mạnh ngay khi tất cả các loại virut, vi khuẩn, nấm... xâm nhập vào đường hô hấp trên như mũi họng đều được hệ miễn dịch này phản ứng tấn công lại ngay lập tức.
Nếu miễn dịch khỏe thì virut chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ một vài giờ đến một vài ngày là bị loại. Nếu dùng kháng sinh cho trẻ thì không những không diệt được virut mà còn làm giảm sức đề kháng dẫn đến khả năng loại virut ra khỏi cơ thể lâu hơn. Điều này khiến trẻ lâu khỏi bệnh, thậm chí bệnh sẽ nặng hơn", bác sĩ Dũng chia sẻ.
Như vậy, khi trẻ mắc Covid, người lớn tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh tùy tiện. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường thì nên nhanh chóng trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án tốt nhất. Ngoài ra, không nên xông cho trẻ quá bé, không nên ủ ấm quá mức khi trẻ sốt, chú ý giữ tâm trạng bình tĩnh và theo dõi con sát sao.
"Nhiều phụ huynh lo lắng nên cho trẻ uống xen kẽ hai thuốc là paracetamol và ibuprofen để hạ sốt nhanh hơn. Một số trường hợp tự ý cho uống kháng sinh do trẻ sốt quá cao. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bố mẹ chỉ nên dùng paracetamol và uống cách 4-6 giờ một lần, nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Không được uống sớm hơn 4 giờ vì trong thời gian đó thuốc vẫn còn trong máu.
Thông thường, trẻ mắc Covid-19 (chỉ sốt đơn thuần không có triệu chứng) trong ba ngày đầu thì không đáng lo ngại, sau đó sẽ giảm dần. Trẻ sốt chính là lúc cơ thể huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại virus ra khỏi cơ thể.
Trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, khi sốt cũng xử trí tương tự như trẻ không mắc Covid-19, phụ huynh không nên quá hoang mang và lo lắng. Nếu trẻ sốt chưa đến 38,5 độ C, không chán ăn, bứt rứt thì không dùng thuốc hạ sốt, bổ sung nước và dinh dưỡng.
Bù nước đầy đủ cho trẻ. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước như cam, dừa, dưa hấu... càng nhiều càng tốt. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách hai giờ trẻ đi tiểu một lần. Khi trẻ sốt, phụ huynh bỏ bớt quần áo, tã lót, đặt trẻ ở phòng thoáng khí và mát mẻ.
Cho trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Khi ra ngoài, trẻ cần được giữ ấm cổ ngực, mang tất để không bị lạnh.
Phụ huynh theo dõi trẻ nếu thấy một trong các dấu hiệu sau thì lập tức nên cho đi bệnh viện khám:
- Trẻ mệt nặng hơn;
- Trẻ bú kém hơn (chỉ bú được 1/2 lượng sữa so với ngày thường);
- Trẻ li bì hoặc hôn mê, co giật;
- Trẻ khó thở hoặc thở nhanh hơn hoặc thở khác thường hoặc thở rút lõm ở lồng ngực;
- Trẻ sốt cao trên ba ngày", bác sĩ Dũng chia sẻ thêm.