Bà mẹ vỡ òa hạnh phúc đón con đầu lòng sau 8 năm đi khắp Bắc - Nam, sang cả Nhật chữa hiếm muộn
8 năm trời đằng đẵng tìm con và chạy đôn đáo khắp nơi với các phương pháp Tây y đến Đông, Nam y để chữa hiếm muộn, cuối cùng người mẹ ấy đã được "nếm trái ngọt".
Viết đơn ly hôn, "trốn" sang Nhật xuất khẩu lao động để giải thoát cho chồng
Đi khắp các bệnh viện nổi tiếng của Việt Nam rồi sang cả Nhật Bản chữa trị vậy mà cặp vợ chồng Hải Dương đều trở về trong sự thất vọng ê chề. Nhưng điều gì chưa ổn chưa phải là cuối cùng, đầu tháng 9 mới đây thiên thần nhỏ bé của cặp đôi đã chào đời là mật ngọt cho những nỗ lực trong hành trình gần 10 năm kiên tâm chữa hiếm muộn.
Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Phạm Ngọc Huyền (33 tuổi) và anh Nguyễn Đình Trọng Thắng (quê Hải Dương). Kết hôn vào năm 2010, như bao đôi vợ chồng trẻ khác họ mong muốn được đón con yêu để có thêm hạnh phúc vẹn tròn. Thế nhưng điều không may mắn là sau hàng loạt các xét nghiệm, chị Huyền được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cong vòi trứng, co bóp cổ tử cung và nhiều vấn đề sức khỏe khác khiến khả năng thụ thai thấp (20%).
Sau 8 năm dài đằng đẵng trong hành trình "tìm" con, cặp vợ chồng Hải Dương đã có được thành quả ngọt ngào.
Kể từ khi nghe tin sét đánh ấy, anh chị đi các Bệnh viện từ Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nam học hiếm muộn (Hà Nội), Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để tiếp tục nuôi ước mơ được làm cha, làm mẹ của mình.
Thế rồi đi từng ấy nơi điều mà cặp vợ chồng trẻ nhận được chỉ là cái lắc đầu sau quá trình thăm khám cho đến việc thụ tinh nhân tạo. "Có bệnh thì vái tứ phương", nghe đâu mách đấy anh chị đến cả Bắc Giang, Thái Nguyên theo các phương pháp Đông y, Nam y mà cuối cùng vẫn thất bại.
Cũng vì gánh nặng con cái mà sau 1 năm kết hôn chị Huyền phải nghỉ việc văn phòng để giành thời gian bắt xe bus, xe khách, đi máy bay đến các thành phố tìm các bệnh viện điều trị.
Bé Nguyễn Đình Minh Khôi ra đời nặng 2,6kg bằng phương pháp sinh thường sau quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
"Vợ chồng mình từng vào Bệnh viện Từ Dũ 4 lần để làm các xét nghiệm và tiến hành phương pháp IVF nhưng 3 lần đưa phôi vào cơ thể thì cuối cùng đều bị thất bại. Khi ấy mình cũng đã đón nhận tin vui nhưng chỉ vài tháng sau lại biết con bị xương thủy tinh, dị tật thiếu 1 chân hay bị down", bà mẹ trẻ đau đớn nhớ lại.
Nghỉ việc nhiều năm và gánh nặng kinh tế với hơn 300 triệu đồng đi vay và hơn hết là nỗi dằn vặt tinh thần những lần mất con, hay nỗi buồn không làm tròn bổn phận của người vợ, người con, chị Huyền quyết định viết đơn ly dị chồng.
Bà mẹ trẻ thổn thức kể lại: "Khi đi đến quyết định này mình đã kết hôn được 4 năm, đã rơi vào tuyệt vọng vô cùng và nghĩ bản thân mãi mãi không thể có con. Mình chạy trốn chồng và bỏ trốn tất cả bằng cách làm hợp đồng và sang Nhật để lao động với hy vọng mọi chuyện dần nguôi ngoai".
Lần thứ 5 chuyển phôi và nước mắt của bố mẹ đứng đợi ở sân bay
Thế rồi, chỉ 7 tháng sau khi chị sang Nhật, anh Thắng cũng nghỉ việc và theo vợ sang đất nước xa lạ để kiếm việc. Tại đây, một lần nữa anh lại gieo cho chị hy vọng và họ đến hai bệnh viện lớn ở đất nước tiên tiến này để thăm khám. Thế nhưng kết quả mà chị nhận được cũng giống như những lần kiểm tra trước tại Việt Nam.
Bác sĩ chỉ định thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên vì vấn đề kinh tế, ngoài ra anh chị đang là lao động của công ty không thể nghỉ việc nên vợ chồng chị lại động viên nhau cố gắng làm việc để kiếm tiền và tiếp tục về nước chữa trị.
8 năm không dám ngẩng cao đầu khi ra khỏi nhà vì những lời đàm tiếu, bà mẹ trẻ đã mang thai và sinh nở mẹ tròn con vuông.
Sau 3 năm kết thúc hợp đồng, chị Huyền về Việt Nam và ngay sau đó chồng chị cũng đành phá hợp đồng để theo vợ về. Ngay sau đó, họ 1 lần nữa tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ để tiếp tục nuôi ước mơ chưa thành của mình.
"Càng hi vọng rồi càng thất vọng, lần chuyển phôi thứ 4 này mình lại thất bại ê chề. Vậy là suốt gần 8 năm rồi mình không thể tự tin ra đường bởi những câu hỏi, những nghi ngờ của mọi người. Có những lời ác ý rằng mình là đứa con gái chơi bời thời con gái để rồi giờ đây nhận trái đắng", chị Huyền nhớ lại.
Và hạnh phúc vỡ òa đến đến vô cùng bất ngờ. Trong lần thứ 5 bơm phôi anh chị đã có được thành công. Ngày về Hà Nội, bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đứng đợi ở sân bay với đôi mắt đỏ lên bởi những giọt nước mắt sung sướng.
Trong lần mang thai này, chị phải nghỉ việc hoàn toàn và 3 tháng đầu chỉ được nằm 1 chỗ, hạn chế đi lại. Cứ 2 tháng vợ chồng chị lại lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra định kỳ.
Hình ảnh kháu khỉnh của bé Khôi khi chưa đầy 10 ngày tuổi.
"Đến tuần thai thứ 35, thấy xuất hiện cơn đau bụng và rỉ ối, mình nhập viện và sau 18 tiếng đau đẻ, bé trai 2,6kg Nguyễn Đình Minh Khôi đã chào đời. Sau 8 năm, mình mới biết thế nào là thiên chức làm mẹ, thế nào là hạnh phúc vẹn toàn của một gia đình nhỏ", chị Huyền nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc đời mình.
Em bé sinh non và phải ấp lồng kính 5 ngày. Bà mẹ trẻ khoe hiện tại hai mẹ con đã xuất viện, con trộm vía ăn khỏe, ngủ tốt và ngoan.
Điều mà chị mong mỏi hơn hết lúc này là con khỏe mạnh mỗi ngày. Bà mẹ trẻ cũng tiếp tục chuẩn bị sức khỏe cho lần chuyển phôi thứ 6 để chờ đón thiên thần thứ hai vào cuối năm 2020.
Ảnh: NVCC