Vì yêu con nên yêu bếp, mẹ hạnh phúc mỗi lần bé khen "cơm mẹ nấu ngon nhất"
Niềm vui khi bưng khay cơm ra, con ngồi sẵn chờ đợi rồi thốt lên "ngon quá mẹ" khiến chị Ngọc có thêm động lực vào bếp.
Con bước vào giai đoạn ăn dặm cũng là lúc mẹ lên kế hoạch về thực đơn ăn uống hàng ngày sao cho đủ chất, dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe của bé. Khi con trai Đức Nguyên được 6 tháng, chị Ngọc đã cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW nên con trộm vía ăn thô khá tốt. Khay ăn mẹ soạn ra còn ăn bao nhiêu, ăn bằng cách nào thì bé quyết định hết, mẹ chỉ là người cung cấp đồ ăn.
Mỗi bữa cơm của con, chị Ngọc cố gắng duy trì 3 món là đồ mặn, canh và tráng miệng hoa quả. Bên cạnh đó, mẹ 9x còn cân bằng cung cấp đầy đủ cho con 4 nhóm thực phẩm chính là tinh bột như gạo sẽ độn cùng đậu lăng đỏ/ lăng xanh, hạt lanh, củ dền để bổ sung thêm sắt; nhóm vitamin như rau củ trái cây; nhóm chất béo sử dụng bơ ghee, dầu mè, dầu oliu; nhóm đạm từ tôm, cua, thịt, cá, trứng, hàu...
Các món ăn khá màu sắc, đẹp mắt thu hút bé yêu.
"Bé nhà mình đa số là ăn cơm, một tuần mình sẽ đi chợ 2-3 lần và chia sẵn chuẩn bị những bữa nào sẽ nấu gì cho cả nhà, bé sẽ ăn theo thực đơn hàng ngày của ba mẹ và mình chỉ nấu cho gia vị riêng của bé nên không mất quá nhiều thời gian. Mình sống ở vùng biển, thực đơn của bé ăn dặm sẽ thiên về các loại hải sản biển nên khi nấu đã có vị hơi hơi mặn.
Bé nhà mình dưới 1,5 tuổi không sử dụng gia vị để nấu, trên 1,5 tuổi bạn ấy sẽ được làm quen dần với các loại gia vị dành cho đúng lứa tuổi và nêm nếm ít. Trong giai đoạn mới đầu ăn dặm, mình chủ yếu giới thiệu đồ ăn cho con làm quen dần và tăng thô dần. Con 10 tháng đã ăn cơm nát và thức ăn. Với các món từ xương, dai, khó nhai mình sẽ hầm mềm cho trước rồi mới chế biến món ăn sau.
Bé nhà chị Ngọc luôn ăn hết suất.
Các mẹ yên tâm là xương thịt hầm mềm sẽ không làm mất hết chất nên cứ mạnh dạn hầm mềm rồi chế biến cho con dễ ăn. Với các nhóm cá thì mình sẽ chọn loại cá to ít xương để cho bé ăn như cá thu, cá hồi,... Với các nhóm lươn, ếch thì mình đa số sẽ lọc xương rồi chế biến cho bé. Các bé dưới 1 tuổi các mẹ nên thận trọng trong việc giới thiệu đồ ăn cho con, cho con ăn 1 lượng ít và ăn ít nhất 2-3 ngày để xem con có bị dị ứng món gì không.
Ngoài ra, không sử dụng lòng trắng trứng, mật ong cho bé dưới 1 tuổi. Khi ăn các loại thức ăn giàu sắt, kẽm thì mẹ lưu ý chế biến chung với các rau củ có tính chua như dứa hoặc uống thêm ít nước cam để tăng khả năng hấp thụ sắt, kẽm", chị Ngọc chia sẻ.
Ai cũng khen thực đơn ăn dặm cho con của chị Ngọc vừa đẹp mắt, ngon mà lại đầy đủ dinh dưỡng. Các món được chế biến không quá cầu kỳ nhưng rất khéo léo.
"Nấu món ăn cho con mình vẫn cho đầy đủ hành, tỏi, rau thơm như món của người lớn nên em bé nhà mình không từ chối các món ăn có hành, tỏi. Mỗi bữa ăn cố gắng đa dạng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Niềm vui khi bưng dĩa cơm ra, con ngồi sẵn chờ đợi rồi thốt lên "wow, ngon mẹ hè, cơm của mẹ là ngon nhất" cứ lâng lâng khó tả. Vì yêu con nên yêu bếp", chị Ngọc trải lòng.
Hướng dẫn mẹ chọn phương pháp ăn dặm ''chân ái'' cho con
Phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
Mỗi phương pháp nêu trên sẽ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều chung mục tiêu là giúp bé có những bữa ăn vui vẻ và ngon miệng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thời gian chế biến hay quan niệm của các thế hệ trong gia đình để lựa chọn.
Phù hợp với từng bé
Với đa số các bé, bắt đầu từ 5 - 6 tháng tuổi là giai đoạn thích hợp để bắt đầu ăn dặm. Mẹ nên lựa chọn phương pháp ăn dặm dựa trên thể trạng và cá tính của bé.
Đồng thời, nếu bé yêu đang trong tình trạng thiếu chất, suy dinh dưỡng thì phương pháp truyền thống hay kiểu Nhật chính là ''vị cứu tinh'' của mẹ, giúp mẹ kiểm soát chất dinh dưỡng vào cơ thể con và có những điều chỉnh thực phẩm trong món ăn hợp lý. Ngược lại, những bé hiếu động, thích khám phá xung quanh đặc biệt là đồ ăn thì mẹ có thể cân nhắc để lựa chọn phương pháp bé tự chỉ huy (BLW)... Như vậy, mới đảm bảo được cơ thể con phát triển khỏe mạnh vì chỉ có ba mẹ mới là người hiểu con nhất.
Bên cạnh đó, mẹ cần hiểu rõ tính cách và quan sát kĩ càng về độ hợp tác của bé: bé hiếu động, nô đùa sẽ khó có thể ấn định 1 phương pháp riêng biệt, mẹ nên quan sát từng thời điểm trong ngày và biểu hiện của con để chế biến thực đơn theo phương pháp phù hợp nhất.
Bác sĩ Nhi hướng dẫn lên thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Theo bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng Khoa Nhi BVĐK Hồng Ngọc, dù là lựa chọn phương pháp nào, cũng luôn cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng ''đúng và đủ'' như sau:
Bé ăn dặm đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu
Bột đường (có trong gạo, ngô, khoai…), chất đạm (từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,…), chất béo (dầu olive hoặc dầu mè), vitamin và khoáng chất (trong các loại rau, củ, quả).
Ăn dặm đúng nguyên tắc từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều và từ ''ngọt đến mặn''
Từ loãng đến đặc: 5-6 tháng tuổi là lúc bé chưa mọc răng hoặc mọc rất ít, mẹ nên cho bé tập ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và đi từ lỏng đến đặc dần.
Từ ít lên nhiều: tập cho bé ăn từng chút một và dần tăng lượng thức ăn để dạ dày bé thích nghi tốt. Ví dụ như trong những lần tập ăn dặm đầu tiên, bé có thể làm quen với khoảng 30 – 60ml thức ăn lỏng rồi thay đổi khẩu phần ăn phù hợp.
Ăn từ ''ngọt đến mặn'': vì trước đó bé đã quen với vị ngọt thanh nhẹ nhàng từ sữa mẹ nên mẹ cho bé ăn dặm từ vị ngọt sẽ giúp con dễ dàng tiếp nhận hơn. Sau khoảng 2 – 4 tuần, bé có thể ăn được bột mặn. Mẹ lưu ý không nêm gia vị vào đồ ăn dặm vì sẽ gây quá tải cho thận.