Vì sao đứa trẻ nào cũng bện hơi mẹ, sự thật thú vị sẽ khiến các mẹ ấm lòng

H.H,
Chia sẻ

Có những em bé sơ sinh bện hơi mẹ đến mức cả đêm cứ ngọ nguậy hướng về phía mẹ khi mới vài ngày tuổi, cho dù nằm ngủ chung giường với cả bố lẫn mẹ.

Bện hơi mẹ, bám mẹ, quấn mẹ - có lẽ là những cụm từ mà các mẹ bỉm sữa được nghe nhiều nhất kể từ khi có con. Và thật ngạc nhiên là dù chỉ mới được vài ngày tuổi, nhưng em bé sơ sinh lại có thể nhận biết được mùi của mẹ. Cho dù đó là mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi phân, mùi nước tiểu trộn lẫn đầy đặc trưng thì đối với trẻ đó vẫn là mùi hương xoa dịu trẻ nhất. Đến mức, người ta còn kháo nhau rằng mẹ nên để lại một bộ đồ thường mặc cho em bé khi mẹ cần phải ra ngoài với mục đích là cho bé ngửi để bé khỏi khóc vì nhớ mẹ.

Vậy làm thế nào mà trẻ sơ sinh có thể nhận biết được mùi của mẹ và tại sao mùi hương ấy lại có thể xoa dịu được em bé?

betresosinh-2-1497425868249

Khứu giác của trẻ phát triển sớm trong thời kỳ mang thai, và mùi đầu tiên em bé tiếp xúc là mùi nước ối của mẹ (Ảnh minh họa).

Theo Jessica Madden, bác sĩ nhi khoa sơ sinh làm việc tại Bệnh viện Rainbow Babies and Children ở Cleveland, Mỹ và Tiến sĩ Rachel Levenson, nhà tâm lý học lâm sàng hoạt động ở Clarity, New York cho biết thì ra "chuyện tình" giữa em bé với mùi hương của mẹ bắt đầu từ trong bụng mẹ, Madden nói: "Khứu giác của trẻ phát triển sớm trong thời kỳ mang thai, và mùi đầu tiên em bé tiếp xúc là mùi nước ối của mẹ".

Sau khi sinh ra, em bé sử dụng tất cả các giác quan của mình để làm quen với mẹ và thế giới xung quanh, bao gồm cả khứu giác. "Trước khi chào đời, em bé đã nghe thấy giọng nói của mẹ. Nên lúc mới chào đời, lần đầu tiên nghe mẹ nói chuyện, bé sẽ nhận ra ngay đó là giọng nói của mẹ", Levenson chia sẻ. "Đến ngày thứ ba, bé có thể phân biệt mùi sữa mẹ với mùi của người khác. Trong vòng một tuần, bé sẽ nhận ra mẹ và phát triển cảm giác gắn bó với khuôn mặt của mẹ".

Ngoài ra, nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng trẻ sơ sinh "có khả năng nhận biết và thích mùi cơ thể cũng như mùi sữa mẹ chỉ trong 3 ngày đầu sau khi chào đời". Đây cũng là lý do tại sao trẻ sơ sinh quay về phía mẹ khi chúng đói, vì trẻ có thể ngửi thấy mùi hương độc đáo của mẹ và chúng biết mẹ sẽ cho mình ăn.

Mẹ là một trong những người đầu tiên ôm bé và sẽ là người chăm sóc bé nhiều nhất nên không có gì lạ khi mùi của mẹ dường như khiến bé cảm thấy an tâm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Breastfeeding Medicine cho biết mùi sữa mẹ cũng có tác dụng làm dịu những em bé sinh non. Còn các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Khoa Penn State thì tiết lộ có một vài em bé "nghiện" mùi của mẹ đến mức cả đêm cứ ngọ nguậy để tìm hơi mẹ khi được ngủ cùng giường với bố mẹ.

"Thật thú vị khi có dữ liệu thử nghiệm chứng minh rằng cơn đau của trẻ sơ sinh giảm đi khi bé được ngửi mùi của nước ối, hay áo choàng bệnh viện có mùi cơ thể hoặc sữa mẹ trong quá trình lấy mẫu máu từ gót chân", Madden chia sẻ.

ru-con-ngu-1-15317122086141830519914

Mỗi lần con khóc vì đói, mẹ lại xuất hiện để cho con ăn, mẹ an ủi bé cho đến khi con cảm thấy tốt hơn (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Levenson cũng tiết lộ thêm rằng trẻ sơ sinh không chỉ học cách nhận biết mùi hương mà còn học cả cách mẹ cho bé bú như thế nào. "Em bé sẽ nhận ra mùi hương của mẹ chỉ trong vài ngày sau khi sinh. Bé sẽ rúc vào khoảng giữa cằm và ngực của mẹ để cảm thấy gần gũi với mẹ hơn", cô nói. "Cách các bé nhận biết mùi hương của mẹ là dựa vào mùi da của mình khi mẹ ôm ấp. Vì thế, nếu bạn không cho con bú thì bạn cũng không cần phải lo lắng, bé vẫn sẽ thích mùi của bạn".

Khả năng nhận ra mẹ và mùi hương của mẹ có thể đóng một vai trò lớn trong sự phát triển xã hội của trẻ sau này. Levenson cho biết thêm: "Khi con bạn biết bạn là ai thì chúng sẽ bắt đầu nảy sinh cảm giác gắn bó. Điều này sẽ mang lại sự an toàn trong các mối quan hệ của trẻ trong suốt cuộc đời. Vì cứ mỗi lần con khóc vì đói, mẹ lại xuất hiện để cho bé ăn, mẹ an ủi bé cho đến khi bé cảm thấy tốt hơn. Cảm giác an toàn này tạo tiền đề cho sự dễ tin tưởng người khác và phát triển khả năng tự xoa dịu nội tâm của chính mình ở trẻ".

Chia sẻ