Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới

Hải An,
Chia sẻ

Bạn sẽ "choáng" nếu được đến thăm ngôi trường mẫu giáo này, bởi trường học chính là một khu rừng bao la, với lớp học ở giữa những khoảng trời xanh cao thăm thẳm và “chương trình học” chính là mẹ thiên nhiên hùng vĩ bao quanh lũ trẻ.

Waldkita là một từ trong tiếng Đức dùng để chỉ những ngôi trường mẫu giáo trong rừng ở Berlin (Đức) – đây là nơi mà mọi đứa trẻ không bị ngăn cấm vui chơi với cành cây khô hay bùn đất mà chúng được khuyến khích chạy nhảy nhiều hơn, tự do khám phá và vui chơi cùng bạn bè.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 2.

Học sinh ở một trường mẫu giáo trong rừng ở Berlin, nơi các em không bị cấm đoán chơi với những cành cây hay bùn đất. Đây là ảnh chụp lại lúc đang các em chuẩn bị bữa ăn của mình giữa thiên nhiên. (Ảnh: Emma Hardy)

Một buổi sáng tinh mơ của tháng Hai, trước khi màn sương lạnh tan hết và mặt trời lên rực rỡ, 20 em nhỏ tụ tập trong một công viên yên tĩnh ở Pankow, một thành phố phía bắc của Berlin (Đức). Trong không gian ảm đạm, xám xịt ấy bừng lên những đôi má hồng hào của những đứa trẻ đang rất háo hức tham gia các trò chơi vận động theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Chúng hò hét, lăn lộn trên mặt đất lạnh cóng bên cạnh dòng xe cộ đang chạy cách đó chỉ vài mét. Bố mẹ lũ trẻ thì hầu như thư giãn và không quan tâm quá nhiều đến chúng, họ nhâm nhi những cốc cà phê được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Cúc cu cúc cu!

Khi thầy Picco Peters, một giáo viên 40 tuổi, cất lên tiếng gọi tập hợp giống như là tiếng một chú chim, lũ trẻ nhanh chóng tụ tập rồi xếp thành một vòng tròn kín. Chúng hát vang các bài hát tiếng Anh và tiếng Đức rồi kết thúc bằng một tràng hú dài như một đàn sói đích thực. Vòng tròn sau đó tách ra thành một nhóm 15 trẻ lớn hơn trong độ tuổi từ từ 3-6 tuổi bắt đầu diễu hành ngang qua một khu vườn công cộng để di chuyển tới một ngã tư đông đúc. Những trẻ nhỏ hơn sẽ ở lại trong công viên. Cô Christa Baule dẫn đường và thầy Peters đi sau cùng bao quát lũ trẻ.

Lũ trẻ tiếp tục trò chuyện cho đến khi xe buýt công cộng đến nơi. Ngay lập tức, không cần đợi một lời nhắc nhở, chúng tự giác xếp thành hàng đơn và lần lượt lên xe. Mười phút sau, xe buýt dừng lại trước lối vào một công viên rộng 84 hecta và lũ trẻ lại có cơ hội chạy khắp nơi để tự do khám phá.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 3.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 4.

Robin Hood Waldkindergarten được thành lập năm 2005, là một trong hơn 1500 Waldkitas (trường mầm non trong rừng) ở Đức, riêng ở Berlin có khoảng 20 trường như vậy. Các trường mẫu giáo này hầu hết được thành lập trong vòng 15 năm qua và thường tọa lạc tại những nơi gần các công viên thành phố, đồng thời sử dụng các kiến trúc nhà gần gũi với thiên nhiên làm nơi sinh hoạt. Một số trường như Robin Hood còn sử dụng hệ thống giao thông công cộng để di chuyển vào các khu vực tự nhiên cho các hoạt động suốt cả ngày bất chấp cả thời tiết xấu. Tại Waldkita, các đồ chơi truyền thống thường không được sử dụng, thay vào đó là các loại que gậy, cành cây khô, đá và lá cây được sử dụng một cách sáng tạo.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 5.

Một nghiên cứu tiến sỹ của nghiên cứu sinh Peter Häfner tại Đại học Heidelberg (Đức) cho thấy trẻ học ở Waldkitas có lợi thế vượt trội rõ ràng hơn so với trẻ học tại những trường mầm non truyền thống, chúng có khả năng nhận thức và thể chất tốt hơn, phát triển đều các kỹ năng xã hội và sáng tạo.

Quan điểm giáo dục của trường Robin Hood được dựa trên quan điểm của nhà báo người Mỹ Richard Louv, người đưa ra khái nhiệm về hội chứng xa rời tự nhiên trong cuốn sách xuất bản năm 2005 có tên "Last child in the Woods" (tạm dịch là "Đứa trẻ cuối cùng trong rừng"). Ngoài ra, hướng tiếp cận của trường cũng dựa trên một loạt các nghiên cứu khác hướng đến sự gần gũi với thiên nhiên trong giáo dục, đặc biệt có nguồn gốc từ khu vực Scandinavia – nơi ưu tiên các hoạt động chơi ngoài trời và học tập dựa trên trải nghiệm với môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ các trường như Robin Hood đã thực sự phát triển một hệ thống giáo dục nhất quán, chứ không chỉ dừng lại ở quan điểm giáo dục. Một ngôi trường công được đặt trong rừng – đó có lẽ là thứ đậm chất Đức nhất trong hệ thống giáo dục mầm non ở quốc gia này.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 6.

Bài học nhóm lửa được thực hiện ngay trong rừng. (Ảnh: Emma Hardy)

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 7.

Một loại gỗ xốp được lũ trẻ sưu tập để nhóm lửa. (Ảnh: Emma Hardy)

Thực tế cho thấy nước Đức có tỉ lệ vùng tự nhiên được bảo tồn cao gấp ba lần nước Mỹ, cho thấy quan điểm của người Đức về tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khỏe cộng đồng. Thầy Peters chia sẻ: "Thật kinh khủng khi thấy lũ trẻ ngày nay giỏi công nghệ nhưng lại không biết gì về con chim nhỏ bên ngoài cửa sổ. Trong cuộc sống, điều tồi tệ luôn xảy ra, bạn có thể mất việc làm, mất người yêu, mọi người ghét bạn, nhưng sẽ luôn có thiên nhiên bên bạn."

Tại Robin Hood, lũ trẻ được tự do khám phá các hiện tượng thiên nhiên, cùng nhau suy luận những điều xảy đến với một con chim bị chết trên mặt đất… Lũ trẻ được phép chạy ra khỏi tầm mắt của giáo viên nhưng vẫn phải đảm bảo nghe thấy tiếng gọi của nhau. "Tìm được những góc riêng bí mật là rất có lợi cho sự phát triển của trẻ", Peters nói. Mỗi khi tiếng cúc cu vang lên, lũ trẻ ngay lập tức tụ tập tại điểm tập kết, cho dù chúng đang làm gì đi nữa.

"Ban đầu chúng tôi mang những thứ rất đơn giản theo làm đồ chơi, nhưng rồi chúng tôi nhận thấy điều đó là không cần thiết vì việc không có đồ chơi sẽ khiến lũ trẻ ít tranh giành nhau hơn và tham gia vào các hoạt động tốt hơn. Lũ trẻ nhận ra rằng chúng cần có bạn bè nếu chúng đang chuẩn bị chơi trò gì đó", Peters nói. Rồi anh nhặt một chiếc lá lên và nói tiếp "đây là một loại lá có khả năng kháng khuẩn tốt. Chúng tôi dùng nó thay cho băng sơ cứu các vết xước."

Khi chuẩn bị ăn sáng, bàn tay lũ trẻ đã dính đầy bùn đất trong cái lạnh thấu xương, nhưng không hề có một tiếng kêu ca nào. Lũ trẻ nhanh chóng xếp ba lô thành vòng tròn và cởi áo chống tuyết mà không cần sự giúp đỡ. Từng đứa trẻ lấy đồ ăn đã được chuẩn bị bày một cách gọn gàng lên đĩa gỗ. Lũ trẻ được khuyến khích xếp đồ ăn thật hấp dẫn theo cách riêng của mình, và kết quả cuối cùng bao giờ cũng rất ấn tượng.

Lũ trẻ thường ăn sáng một cách yên lặng. Chúng lần lượt tặng nhau một miếng hoa quả của mình cũng trong yên lặng. Trong vòng nhiều tháng, lũ trẻ được dạy cách yên lặng khi ăn, để sao cho có thể cảm nhận được tiếng bước chân của một con nai hay tiếng chim hót. Và kết quả mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhất từ điều này, chính là khi những đứa trẻ lớn lên, trở thành những người lớn lịch thiệp và tinh tế khi dùng bữa trong những nhà hàng.

45 phút trôi qua, bữa sáng kết thúc và bất chợt những tiếng cười đùa vang lên khi lũ trẻ chạy tản ra vào trong rừng.

Trường mẫu giáo của những đứa trẻ tự do, sáng tạo và hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh 8.

Trên thế giới hiện nay, mô hình "trường học trong rừng" đang ngày càng phổ biến ở Anh, Mỹ và ngay cả ở những quốc gia có nền giáo dục hà khắc như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng ở Đức, mô hình này được bình dân hóa, nghĩa là không chỉ người giàu mới có khả năng cho con theo học. Ví dụ, học phí ở Robin Hood và tất cả các trường mầm non ở Berlin được nhà nước chi trả cho trẻ từ 2-6 tuổi, nếu là trường tư sẽ mất phí 100 Euro (khoảng 2,5 triệu đồng) mỗi tháng. Trong khi đó ở New York mỗi năm học phí có thể lên tới 40 nghìn USD (khoảng 900 triệu đồng).

Sau khoảng 5 tiếng rưỡi vui chơi ngoài trời giá lạnh – không một ai ngoài tôi (tác giả bài viết) muốn quay trở lại các phòng học ấm áp. Chúng tôi đi bộ trở lại bến xe buýt và cùng trở về 3 phòng học khiêm tốn của trường Robin Hood – nơi đầy ắp những chậu cây được trồng trong nhà và những pháo đài được xây từ cành cây khô mà lũ trẻ mang về từ trong rừng. Lũ trẻ tháo tung những đôi ủng và áo chống tuyết của mình và tôi chợt thấy chúng thật là bé nhỏ - đúng như là chúng. Âm lượng tiếng hò hét của lũ trẻ ít nhất phải lớn hơn tới 60%. Chúng chạy tới khu vực chơi chính – nơi một chiếc bàn gỗ lớn đã được sắp xếp cho bữa trưa của chúng. Trong những chiếc đĩa sứ đầy ắp salad và bánh ngũ cốc. Một điều thú vị là món tráng miệng bữa trưa của bọn trẻ là một loại sinh tố được làm từ chính các loại hoa quả mà lũ trẻ đã thu lượm được.

Sau bữa trưa, cô Baule cho tôi xem một cuốn album ảnh, chủ yếu là những tấm ảnh được chụp từ một vài năm trước, khi mà những đứa trẻ ở trường vẫn còn là những em bé còn bé bỏng. Cô Baule chỉ và kể cho tôi nghe từng câu chuyện về học sinh của mình trong những bức ảnh với vẻ xúc động khó tả.

Nguồn: New York Times

Chia sẻ