Trẻ em chưa được khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19, bác sĩ bệnh viện Nhi đồng nhắc bố mẹ cần nhớ kĩ nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho con
Trong khi Việt Nam đang đối mặt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 thì trẻ em lại chưa được khuyến cáo tiêm vắc xin. Đây là một vấn đề khiến rất nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
Vài ngày trở lại đây, Việt Nam lại bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 với những diễn biến mới. Điều này một lần nữa dấy lên mối lo ngại về việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhằm phòng ngừa dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh chưa có vắc-xin cho trẻ.
Theo đó, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) nhấn mạnh: "Vi rút biến chủng lần này lây nhanh, nhưng biến chủng là điều tất yếu. Càng mới với con người lại càng biến chủng nhiều. Song, dù là biến chủng nào thì cũng nhất định phải nhớ và thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y Tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế)."
Trong giai đoạn chưa có vắc-xin cho trẻ, BS. Trương Hữu Khanh cho biết, không nên quá hoảng loạn và lo lắng. Thay vào đó cần chấp hành đúng các biện pháp cách ly như mang khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay và giãn cách xã hội; đồng thời nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người.
Dưới đây là hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho trẻ nhỏ của CDC Việt Nam mà Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý bố mẹ cần nhớ kỹ để giúp trẻ thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh:
Rửa tay
- Thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng trong ít nhất 20 giây.
Nếu không có sẵn nước và xà phòng, cần cho trẻ sử dụng dung dịch sát trùng tay có tối thiểu 60% cồn. Dùng dung dịch này xoa sát trùng khắp bàn tay rồi chà hai bàn tay với nhau cho đến khi khô. Với những trẻ dưới 6 tuổi, hãy giám sát khi trẻ sử dụng dung dịch sát trùng tay.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang
- Với những trẻ từ 2 tuổi trở lên cần đeo khẩu trang đúng cách khi ở nơi công cộng và khi ở gần những người mà các bé không sống cùng.
- Đồng thời, theo hướng dẫn của BS. Trương Hữu Khanh, với những trẻ dưới 2 tuổi hoặc những trẻ không chịu đeo khẩu trang có thể thay thế bằng cách cho trẻ đội mũ chống giọt bắn. Ngoài ra tuyệt đối không được dùng các loại khăn voan, vải màn để thay thế vì những loại này không đủ tác dụng phòng ngừa dịch bệnh.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên, bố mẹ nên cho trẻ tập đeo khẩu trang đúng cách. Trong một số trường hợp nhỏ tuổi hơn hoặc không hợp tác trong vấn đề này, các bố mẹ có 2 lựa chọn như sau:
- Một là, nếu trẻ không đeo khẩu trang thì tất cả những người lớn có tiếp xúc gần với trẻ phải đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay thường xuyên. Đồng thời cần hạn chế cho trẻ ra ngoài, nếu ra ngoài cần sử dụng các phương tiện di chuyển riêng, không tới nơi đông người…
- Hai là, các bố mẹ có thể thay thế bằng cách cho trẻ đội mũ chống giọt bắn. Đây là một lựa chọn phù hợp với trẻ vì đáp ứng đủ các tiêu chí như không gây khó chịu cho trẻ lại vẫn đảm bảo được sự an toàn cần thiết cho trẻ trong việc phòng ngừa sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Lưu ý rằng việc đeo khẩu trang không thay thế cho các hoạt động phòng ngừa khác hàng ngày như rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với người khác... Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thực hiện song song tất cả các biện pháp cùng một lúc.
Tránh tiếp xúc gần
- Bảo đảm trẻ cách người khác chừng 2 mét đối với những người không sống cùng trẻ và những người bị bệnh (ví dụ như ho và hắt hơi).
- Luyện tập cho trẻ cách ho và hắt hơi đúng cách bằng cách che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, vứt khăn giấy vào thùng rác gần nhất, và rửa tay sau khi vứt.
Hạn chế thời gian chơi với trẻ khác và khuyến khích kết nối với trẻ khác qua mạng xã hội
Giao tiếp cũng như tương tác với bạn bè có thể là một biện pháp lành mạnh giúp trẻ em ứng phó với căng thẳng và kết nối với người khác. Thế nhưng, điều quan trọng giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 lại chính là hạn chế tiếp xúc gần, càng nhiều càng tốt. Vì vậy các bậc phụ huynh nên hạn chế tương tác của trẻ với những trẻ em và người lớn khác bên ngoài để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Vệ sinh và khử trùng
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường xuyên chạm vào hàng ngày.
- Làm sạch các bề mặt thường chạm vào hàng ngày như bàn, ghế, tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, tay cầm, bàn làm việc, toilet và bồn rửa.
- Vệ sinh bằng chất tẩy rửa hoặc xà phòng và nước. Sau đó khử trùng bằng dung dịch khử trùng gia dụng đã đăng ký với EPAexternal icon.
Cân nhắc thay đổi các kế hoạch đi lại
Việc đi lại càng nhiều có thể càng làm tăng các nguy cơ trẻ tiếp xúc với người có thể mắc COVID-19 và lây lan vi-rút gây bệnh COVID-19 cho người khác nếu trẻ đang nhiễm bệnh, do đó ở nhà là biện pháp tốt nhất để bảo vệ con và người khác khỏi bị bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải cân nhắc để thay đổi các kế hoạch đi lại của mình, giảm xuống ở mức tối đa.