Trẻ bị "nhốt" trong phòng kín cả ngày còn nguy hiểm hơn bị ướt mưa
Chơi đùa với thiên nhiên giúp trẻ phát triển thể chất, khả năng sáng tạo, cảm xúc, nhận thức và cả hệ miễn dịch.
Thông thường, trẻ ít được bố mẹ cho phép chạy nhảy, nô đùa trong các khu vườn để được hòa mình vào thiên nhiên, cỏ cây hoa lá vì sợ con sẽ dính bẩn. Thế nhưng, có một sự thật ít ai ngờ đó là chơi đùa trong các khu vườn sẽ là một hoạt động giúp con phát triển các giác quan rất tốt. Trải nghiệm này sẽ giúp con phát triển thể chất, khả năng sáng tạo, cảm xúc, nhận thức và cải thiện hệ miễn dịch.
Thực tế việc chơi đùa, khám phá là điều vô cùng cần thiết cho việc học tập và phát triển của trẻ, hoạt động vui chơi cùng con không chỉ giúp làm cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên bền chặt hơn.
Dưới đây là lí do tại sao cha mẹ nên chơi với con và cho con được nghịch "bẩn" trong khu vườn nhà:
Chạm tới từng giác quan
Trải nghiệm cảm giác thực với tự nhiên sẽ có tác dụng hơn nhiều so với việc để con xem gián tiếp qua tivi hay điện thoại. Tiến sĩ Kimberley O'Brien, nhà tâm lý học trẻ em tại Quirky Kid Clinic (Mỹ) khuyến khích: "Khi trẻ được dùng chân để giẫm lên, hoặc dùng tay để bóp vụn những chiếc lá khô, chúng sẽ hiểu được thêm về nguyên nhân và kết quả, tức là khi lá khô bị giẫm sẽ nát ra, sẽ được cảm nhận về kết cấu và sự khác biệt giữa lá xanh và lá vàng, nghe thấy âm thanh giòn tan của chiếc lá bị vỡ vụn, ngửi thấy mùi của lá…. Tất cả những trải nghiệm của giác quan này đều rất có lợi cho trẻ nhỏ. Tiếp xúc với những hoạt động kích thích giác quan này khuyến khích trẻ em sau này sẽ cởi mở hơn khi khám phá những điều mới và tránh cảm giác nhút nhát, sợ sệt."
Tạo "hàng rào" bảo vệ chống lại vi khuẩn
Tiến sĩ Ginni Mansberg, một chuyên gia y tế thường trú giải thích rằng ngày nay một số bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch yếu kém như hen suyễn đang gia tăng. Chính vì thế các bậc cha mẹ có tâm lý sợ con nghịch bẩn và nhiễm bệnh. Đặc biệt với hoạt động vui chơi trong vườn, tiếp xúc cây cỏ, lá khô vốn đã đầy vi khuẩn, khi rụng xuống sẽ càng bẩn hơn, thì các ông bố bà mẹ sẽ lo lắng và không muốn con nghịch bẩn. Nhưng khoa học lại cho rằng những thứ bẩn như thế lại có thể là một tiền đề tốt giúp xây dựng khả năng miễn dịch của con trẻ nói riêng và tất cả chúng ta nói chung chứ không hẳn như nhiêu người vẫn nghĩ. Vì vậy cha mẹ hãy cho con cơ hội được nghịch bẩn, đó là tiền đề giúp cơ thể con tạo lập "hàng rào" bảo vệ chống lại vi khuẩn, hoặc nếu có cũng sẽ hồi phục nhanh hơn.
Hít thở không khí trong lành
Bầu không khí trong lành giúp tiếp thêm sinh lực cho cả tinh thần và thể chất, làm sạch phổi, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào, cung cấp năng lượng, giải phóng độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, việc để trẻ vui chơi trong các khu vườn, chơi với cỏ cây hoa lá là một điều không thể tuyệt vời hơn.
Tiến sĩ Mansberg cho biết thêm: "Các nghiên cứu cho thấy rằng vui chơi ngoài trời dường như có lợi cho khả năng tập trung, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Thực tế việc mưa hay gió lạnh không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ốm, cảm cúm mà cảm cúm lây từ người này sang người khác qua không khí bằng cách ho hoặc hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với vi rút qua bề mặt đồ vật hoặc tay chạm tay. Trẻ bị "nhốt" trong phòng thông gió kém cả ngày, hoặc bị đưa đến lớp cùng 20 đứa trẻ khác còn nguy hiểm hơn là bị ướt trong mưa".
Được vận động thoải mái
Tiến sĩ O'Brien giải thích việc vận động rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ mới biết đi, biết chạy hoặc giữ thăng bằng. Nghiên cứu cho thấy trẻ em từ 12-24 tháng tuổi cần tối thiểu ba giờ chơi tự do, không gò bó, ép buộc mỗi ngày (tốt nhất là ở ngoài trời) để phát triển kỹ năng vận động thô. Và chắc chắn rằng, những tiếng tí tách của lá khô dưới chân, những sự khác biệt lí thú giữa lá xanh và lá vàng sẽ là những kích thích đáng kể để trẻ chơi, tham gia các hoạt động vận động ngoài trời.
Khơi gợi sự sáng tạo
Trẻ hoàn toàn có thể sáng tạo ra rất nhiều trò chơi với những chiếc lá. Chẳng hạn, đối với trẻ mới biết đi, cha mẹ vun một đống lá lại cho bé giẫm lên để phát triển kĩ năng giữ thăng bằng. Kỹ năng vận động tinh và độ khéo léo của tay có thể được cải thiện khi trẻ nghiền nát lá trong tay.
Cha mẹ còn có thể dẫn dắt một số trò chơi tưởng tượng để giúp trẻ nhỏ học cách kể chuyện, ví dụ cha mẹ có thể dựng người tuyết bằng lá và giả vờ lạnh, hoặc đào một cái lỗ lớn rồi lấp lá vào, giả vờ là một con gấu thoát khỏi giấc ngủ đông để bé có thể tự tưởng tượng và kể ra câu chuyện của mình.
Thắt chặt mối quan hệ cha mẹ và con cái
Dành thời gian và không gian cho con để chạy, nhảy, chơi… cũng là một cách kết nối mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái phát triển tốt đẹp hơn khi người lớn cùng tham gia và hào hứng với sở thích của trẻ, cùng dành thời gian cho nhau ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tiến sĩ O'Brien cho hay "Chơi đùa là một cơ hội tuyệt vời để hiểu trẻ, tương tác với trẻ, thúc đẩy mối quan hệ cha mẹ và con cái ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, nếu các bậc cha mẹ cần thay đổi quan niệm và thấy được tầm quan trọng của việc chơi cùng con và để con được khám phá."
Tham gia chơi cùng con sẽ làm tăng sự tin tưởng, tình cảm và giúp con có thái độ cởi mở hơn khi chia sẻ cảm xúc, tâm trạng với bố mẹ sau này. Sự kết nối chặt chẽ hình thành từ thời thơ ấu sẽ mở ra cánh cửa cho sự tin tưởng bền vững ở tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.
Nguồn: Baby