Trẻ béo phì do cha mẹ thích "bụ bẫm"

NGHĨA TOÀN (THỰC HIỆN),
Chia sẻ

Xung quanh thực trạng thừa cân béo phì ở trẻ em, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Trẻ béo phì do cha mẹ thích "bụ bẫm" - Ảnh 1.

PGS TS Bùi Thị Nhung.

PV: Xin bà cho biết, đâu là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em nước ta?

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới thừa cân béo phì ở trẻ là do tâm lý thích trẻ con bụ bẫm của các bậc phụ huynh. Từ đây dẫn tới việc cha mẹ đánh giá sai về hình ảnh cơ thể của trẻ.

Để dễ hình dung, chúng ta cần hiểu, nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam có những đặc điểm rất khác so với các nước trên thế giới. Nếu như ở các nước phương Tây, trẻ béo phì có nguyên nhân chính là do ăn thức ăn nhanh, thì ở nước ta, trẻ dưới 5 tuổi được gia đình quan tâm rất kỹ, các bậc phụ huynh đang cho con ăn quá nhiều. Tâm lý khác là cứ nghĩ cho trẻ ăn thoải mái, rồi mai kia đi học nó sẽ từ từ gầy đi nhưng thực tế rất nhiều trường hợp không hề gầy đi, thậm chí còn béo hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh đánh giá sai về hình ảnh cơ thể của con trẻ. Trẻ bị thừa cân thì cho rằng trẻ đang gầy, lo lắng suy dinh dưỡng. Có trường hợp trẻ đã bị béo phì thì vẫn cho là trẻ chỉ bị thừa cân.

Một nguyên nhân khác, đó là sự phối hợp chưa tốt của nhà trường và gia đình các cháu cũng như những sai lầm trong cách lựa chọn thực phẩm của ông bà, cha mẹ.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của xã hội hiện đại, thời gian trẻ vận động thể lực cũng giảm hơn so với trước. Ngày nay, trẻ không cần đi bộ hay đạp xe đến trường, cũng không cần tham gia làm việc nhà như nấu cơm, giặt quần áo bởi đã có máy rửa bát, nồi cơm điện.

Song song với đó là thời gian ngồi một chỗ tương tác với các thiết bị điện tử tăng thêm. Điều này cũng khiến số trẻ thừa cân béo phì ở nước ta tăng qua từng năm.

Béo phì sẽ gây ra những ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của trẻ, thưa bà?

- Hiện nay, một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất ở trẻ béo phì là rối loạn chuyển hóa. Trẻ gặp hội chứng chuyển hóa quá sớm rất dễ mắc các bệnh về tim mạch sớm và cao huyết áp hoặc đái tháo đường ở khi rất trẻ. Bình thường, những căn bệnh này chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên nhưng với trẻ béo phì, có thể mắc những căn bệnh này ngay ở độ tuổi thanh niên.

Mặt khác, trẻ thừa cân béo phì sẽ dễ gặp các vấn đề về xương khớp như cong cột sống, ảnh hưởng tới xương đầu gối, tổn thương khớp. Đối với bé gái, béo phì nặng có thể dẫn tới buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt…

Béo phì còn gây ra tâm lý tự ti về hình thể ở trẻ, khiến trẻ chậm chạp, việc tập trung cũng kém hơn.

Từ công tác thực tế, bà có thể cho biết những khó khăn trong việc điều trị trẻ béo phì?

- Có thể nói, điều trị béo phì ở trẻ vô cùng khó khăn, bởi lẽ, đó là cả một quá trình dài cùng với chế độ ăn uống, tập luyện rất nghiêm khắc. Yêu cầu sự phối hợp rất lớn của cha mẹ và chính trẻ. Khó khăn có thể đến ngay từ bước đầu tiên, đó là làm sao để cha mẹ nhận thức đúng về tình trạng béo phì của con mình và hiểu được đúng những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ.

Bản thân tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều trường hợp cha mẹ và con bỏ cuộc giữa chừng vì không thể đáp ứng được chế độ ăn uống, luyện tập. Để điều trị béo phì ở trẻ, cần quyết tâm và sự đồng hành rất lớn từ gia đình đến nhà trường.

Theo bà, cần làm thế nào để hạn chế thừa cân béo phì ở trẻ?

- Có thể nói, thừa cân béo phì được xem như đại dịch toàn cầu, và cuộc chiến để chống lại căn bệnh này là dài lâu và cần sự phối hợp từ rất nhiều hướng. Trong đó, cần truyền thông, giáo dục cho các bậc làm cha mẹ kiến thức về thừa cân béo phì, cách tự nhận định, đánh giá đúng cân nặng của trẻ và được tư vấn ngay khi trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa cân.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Phụ huynh cần biết chính xác trẻ đã được cung cấp bao nhiêu năng lượng trong bữa ăn tại trường, từ đó có thực đơn đáp ứng nhu cầu của trẻ trong bữa ăn ở nhà.

Theo tôi, thời gian tới cần tăng cường đầu tư cho bữa ăn học đường để đảm bảo khoa học, dinh dưỡng và lành mạnh. Ngoài ra, cần đưa giáo dục dinh dưỡng vào trường học.

Từ cấp bậc tiểu học cho tới trường đại học, cần có những bài giảng về dinh dưỡng để trẻ hiểu được đâu là thực phẩm lành mạnh, đâu là thực phẩm không lành mạnh, cách đọc nhãn mác thực phẩm cũng như lối sống, vận động an toàn, lành mạnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Chia sẻ