Thực hư việc trẻ học tiếng Anh sớm sẽ chậm nói tiếng Việt
Gần đây, dư luận xôn xao kêu gọi rằng không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh sớm khi tiếng Việt chưa thành thạo, nếu không sẽ khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ. Sự thật có đáng lo như vậy?
Những ngày qua, mạng xã hội đang chia sẻ một video phóng sự về hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Phóng sự đưa ra một số trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tuổi gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, thậm chí sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Chỉ sau 2 ngày đăng tải, phóng sự đã nhận được gần 35.000 lượt tương tác với hơn 6.000 bình luận khác nhau.
Video trên nêu được tác hại của việc lạm dụng Youtube trong dạy con, nhưng đáng tiếc, khi xem video này, rất nhiều người lớn chúng ta kêu gào: không nên cho trẻ nhỏ học tiếng Anh sớm khi tiếng Việt chưa thành thạo, nếu không sẽ khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ.
Trong khi nói, phản xạ của trẻ sẽ sử dụng từ vựng nào trẻ được tiếp xúc nhiều hơn (Ảnh minh họa).
Là người có con nhỏ, đã từng du học và làm về giáo dục nhiều năm, thú thật tôi quá buồn khi đọc những bàn luận, chia sẻ đầy sợ hãi đó của các bố mẹ. Chẳng có bố mẹ nào không lo lắng cho con, nhưng hãy lo bằng sự hiểu biết, chứ đừng lo theo phong trào. Chúng ta đừng ứng xử với chuyện học hành của con cái giống như ứng xử với câu chuyện bà lão nghèo bán chó: Hôm trước dễ dãi khóc thương, hôm sau lại hăng hái vạch chân tướng lừa đảo.
Khi cộng đồng mạng hăng hái tung hô một đứa trẻ, mới mấy tuổi mà đã giỏi cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi lại thấy rất khá bình thường. Nếu có khen thì nên khen tâm huyết, vai trò tuyệt vời của các ông bố, bà mẹ, còn thực sự với một bạn nhỏ bình thường thì những khả năng này đều không có gì cao siêu cả.
Thực tế trên thế giới ở một môi trường đa văn hóa, chuyện này chả có gì lạ. Ví dụ bạn tôi, người Việt ở Singapore, cưới chồng người Indo, và thế là con bạn đấy vừa nói được tiếng Anh, tiếng Trung (ngôn ngữ ở trường và cộng đồng) vừa nói được tiếng Việt (ngôn ngữ của mẹ) và tiếng Indo (ngôn ngữ của bố). Bọn trẻ nói những tiếng này tự nhiên như hơi thở.
Chúng ta vẫn thấy những người Việt rất giỏi, vì sống thời gian dài ở nước ngoài, vẫn thường sử dụng xen lẫn tiếng Anh trong những câu nói. Họ không hề rối loạn ngôn ngữ. Họ dùng tiếng Anh theo thói quen và sử dụng những từ tiếng Anh vì nó có thể diễn đạt ngắn gọn hơn, hoặc đầy đủ hơn khi dịch sang tiếng Việt.
Dưới đây là những nhầm tưởng cơ bản của người lớn:
Nhầm tưởng 1: Trẻ bị rối loạn khi sử dụng ngôn ngữ do trẻ sử dụng vài ngôn ngữ trong cùng một câu nói
Một số trẻ học song ngữ có xu hướng kết hợp hai loại ngôn ngữ vào một câu nói trong giao tiếp hàng ngày (ví dụ: cái áo màu red, đây là cái cup). Đấy gọi là hiện tượng "code switching". Trước đây khi nhìn vào hiện tượng này mọi người sẽ cho rằng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, rằng đấy là một biểu hiện của chậm phát triển và thậm chí có nơi còn trừng phạt trẻ để ngăn chuyện đấy xảy ra.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây được đăng trên The Pennsylvania State University lại cho rằng "code switching" là một phản ứng rất bình thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ của một trẻ học song ngữ. Thậm chí, nó phản ánh năng lực nhận thức và giao tiếp của người học và rằng não bộ của trẻ hoàn toàn phân biệt rất tốt các ngôn ngữ mà trẻ được tiếp xúc.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không phụ thuộc vào số lượng ngôn ngữ mà trẻ được tiếp xúc (Ảnh minh họa).
Trong khi nói, phản xạ của trẻ sẽ sử dụng từ vựng nào trẻ được tiếp xúc nhiều hơn. Chính vì vậy, trong trường hợp trẻ tiếp xúc quá nhiều tiếng Anh mà không có cơ hội thực hành và sử dụng tiếng Việt, trẻ sẽ nói tiếng Anh nhiều hơn. Hoặc nếu trẻ chỉ xem và học tiếng Anh thụ động không có sự chỉ dẫn của người lớn và những tương tác thực tế, thì trẻ cũng gặp khó khăn khi nói tiếng Anh và trộn lẫn các từ trẻ biết mà không hề hiểu nghĩa của từ.
Việc can thiệp và cố gắng xóa bỏ hiện tượng không những không giúp trẻ, trái lại còn vô tình giới hạn khả năng phát triển ngôn ngữ khiến trẻ ngại giao tiếp.
Hiện tượng "code switching" như vậy hoàn toàn không được coi là dấu hiệu bệnh lý để khẳng định trẻ bị "rối loạn ngôn ngữ" như nhầm tưởng của một số phụ huynh.
Nhầm tưởng 2: Trẻ học tiếng Anh sớm sẽ chậm nói tiếng Việt
Thứ nhất, chưa có một nghiên cứu khoa học nào nói rằng việc chuyển từ học 2 ngôn ngữ sang học 1 ngôn ngữ sẽ giảm các nguy cơ của việc chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ. Thêm nữa cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào nói rằng việc cho bé học 2 ngôn ngữ thì tăng nguy cơ của việc chậm phát triển.
Thực tế các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, ngay cả đối với các bạn nhỏ bị bệnh Down hay đang gặp rối loạn ngôn ngữ thì các bạn ấy hoàn toàn có thể học thành thạo 2 ngôn ngữ. Có thể các bạn này sẽ học chậm hơn và khó lòng đạt đến mức độ thành thạo nếu so sánh với các bạn bình thường khác nhưng không hề khác so với các bạn cũng bị bệnh và chỉ học 1 ngôn ngữ trong cùng một điều kiện.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không phụ thuộc vào số lượng ngôn ngữ mà trẻ được tiếp xúc.
Học ngôn ngữ càng sớm càng tốt
Theo Giáo sư Patricia Kuhl, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu não bộ trẻ em thuộc Đại học Washington, Mỹ cho biết, khoa học đã chứng minh não bộ của trẻ giống như một cỗ máy học tập hoàn hảo. Não bộ của trẻ giúp trẻ học ngoại ngữ tốt nhất ở thời điểm từ 0 - 3 tuổi. Có thể bạn không tin, nhưng ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có năng lực nhận biết và phân biệt âm của tất cả ngôn ngữ trên thế giới. Và năng lực này ngày một giảm dần theo thời gian.
Chính vì vậy, việc trẻ học hai hay nhiều ngôn ngữ cùng lúc ngay từ khi còn nhỏ hoàn toàn không đem lại tác động tiêu cực như nhiều phụ huynh lầm tưởng. Hấp thu và lĩnh hội nhiều ngôn ngữ cùng lúc là quá trình tuyệt diệu nhất mà bộ não con người có thể làm được, và trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi là những người làm việc này tốt nhất. Việc học ngoại ngữ nên bắt đầu cho trẻ thật sớm.
Phương pháp hiệu quả giúp trẻ học tiếng Anh từ sớm
1. Bố mẹ chứ không phải Youtube mới là người thầy tốt nhất của trẻ
Dù biết hay không biết tiếng Anh, bố mẹ mới chính là người thầy đầu tiên và tốt nhất để cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh cũng như dạy trẻ mọi kiến thức và kỹ năng khác trong cuộc sống. Bố mẹ là người chọn ra phương pháp và công cụ cho trẻ. Quan trọng hơn, sự đồng hành, kiểm soát, hỗ trợ và động viên từ cha mẹ mới đem lại hiệu quả cao nhất.
Trẻ dưới 3 tuổi gần như không thể học được ngoại ngữ chỉ bằng việc xem Youtube (Ảnh minh họa).
Theo nghiên cứu tổng hợp từ Baby Center - trang thông tin làm cha mẹ uy tín nhất thế giới, trẻ dưới 3 tuổi gần như không thể học được ngoại ngữ chỉ bằng việc xem Youtube. Thậm chí, nghiên cứu còn chỉ ra trẻ 4 tuổi càng xem ti vi hoặc Youtube nhiều, năng lực nói của trẻ càng giảm do hoạt động thụ động này cản trở thời gian và không gian cho trẻ được trò chuyện với những người xung quanh! Tuy nhiên, bài nghiên cứu cũng khẳng định, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vẫn có thể học ngoại ngữ khi xem ti vi, Youtube hoặc các chương trình giáo dục uy tín trên các thiết bị di động, nhưng phải được xem cùng bố mẹ và được bố mẹ liên tục lặp lại và củng cố ngôn ngữ trong cuộc sống thực tế.
Trẻ nhỏ học tiếng Việt, tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào đều cần học thông qua sự tương tác với những người xung quanh, được nghe âm thanh, ngữ điệu tương tác và thực hành liên tục. Việc cho trẻ xem Youtube quá nhiều không những không khiến trẻ phát triển ngôn ngữ, mà ngược lại cách học thụ động này tước đi cơ hội trẻ thể hiện, thực hành để làm chủ ngôn ngữ đó.
2. Đọc sách
Bố mẹ có thể đọc sách tiếng Anh hoặc cho trẻ nghe truyện tiếng Anh ngay khi trẻ mới ra đời. Sách luôn là công cụ hiệu quả nhất để trẻ phát triển vốn từ vựng, thẩm âm cũng như hấp thụ mọi ngôn ngữ một cách đầy tự nhiên và sinh động.
3. Âm nhạc
Nghe nhạc và hát là phương thức tuyệt vời để giới thiệu và củng cố tiếng Anh cho trẻ. Gần như không có đứa trẻ nào từ chối âm nhạc. Âm nhạc sẽ giúp trẻ cảm thụ âm thanh tốt nhất, ghi nhớ từ vựng dễ dàng nhất.
4. Các chương trình giáo dục uy tín
Trẻ dưới 3 tuổi hoàn toàn có thể học tiếng Anh bằng cách sử dụng các chương trình giáo dục trên các ứng dụng di động. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chương trình uy tín cho trẻ dưới 3 tuổi để bố mẹ lựa chọn và yên tâm về chất lượng như Monkey Junior, Monkey Stories, Razkid, Reading Eggs… Việc học của trẻ phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ chặt chẽ của bố mẹ và cần kết hợp với việc thực hành tương tác trong cuộc sống hàng ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Trẻ nhỏ có thể học tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhưng bố mẹ chính là người thầy đầu tiên và cũng là người duy nhất có thể giúp trẻ được tiếp cận và học tiếng Anh đúng phương pháp. Mọi công cụ, nếu lạm dụng, không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ra tác hại không mong muốn. "Cửa sổ cơ hội" để trẻ học ngoại ngữ chỉ đến một lần duy nhất trong cuộc đời mỗi người. Bố mẹ hãy là những người tỉnh táo nhất để giúp trẻ tận dụng cơ hội này và chiếm lĩnh tiếng Anh cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào khác.
Vì thế, các bố mẹ hãy làm bạn với con nhiều hơn YouTube, nhưng đừng chặn mất con đường tiến vào thế giới rộng lớn này bằng ngoại ngữ của con mình. Chỉ có tiếp xúc với ngoại ngữ sớm, thì tiếng Anh mới trở thành ngôn ngữ thứ 2 - một thứ ngôn ngữ tự nhiên như hơi thở, như tiếng mẹ đẻ.
Trẻ con Việt Nam đã quá khổ vì bị thí nghiệm bởi rất nhiều chương trình chậm tiến của người lớn. Đừng làm con em mình phải khổ thêm nữa! Hãy yêu con và lo cho con, không chỉ bằng trái tim mà còn bằng cái đầu tỉnh táo của mình.
Vài nét về tác giả
Gần 3 năm trước, kênh YouTube truyền tải rộng rãi những clip về một ông bố dạy con gái 3 tuổi nói tiếng Anh lưu loát. Cách dạy của ông bố đó rất đơn giản nhưng lại tỉ mẩn khi anh tự vẽ, viết, giải nghĩa các từ ngữ tiếng Anh trên máy tính bảng để con gái đọc. Đó chính là anh Đào Xuân Hoàng (sinh năm 1982). Từ câu chuyện dạy tiếng Anh cho con, anh Đào Xuân Hoàng ấp ủ giấc mơ sáng tạo một phần mềm ứng dụng thông minh để dạy ngoại ngữ cho trẻ em mọi lúc, mọi nơi với chi phí thấp. Và anh chính là "cha đẻ" của Monkey Junior - một chương trình học tiếng Anh trên ứng dụng App Store và Google Play.