Thấy người con nổi đầy phát ban, mẹ đưa đi khám 5 lần 7 lượt mới phát hiện con mắc căn bệnh "tử thần"
Đừng bao giờ xem nhẹ những vết phát ban của con vì đó có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một căn bệnh nguy hiểm nào đó ở trẻ.
Lời cảnh báo của chị Bindy Scott (sống ở Úc) về căn bệnh Kawasaki chắc hẳn sẽ khiến nhiều cha mẹ phải thêm phần cẩn trọng trước những triệu chứng lạ mà con mình có thể gặp phải.
Câu chuyện của con trai tôi
Thứ Bảy, ngày 20 tháng 10 năm 2018. Cả nhà thức giấc và Tommy có vẻ hơi khó chịu một chút nhưng không có gì nghiêm trọng cả, bé chỉ hơi làu bàu và bám mẹ hơn chút xíu.
Con tận hưởng bữa tiệc ngày hôm đó và ở bên cô bảo mẫu, nhưng con không ăn nhiều như thường lệ. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng nguyên nhân có thể nằm ở chiếc răng hàm đang mọc của bé.
Chiều hôm đó, con bắt đầu tỏ vẻ bơ phờ, ngủ mê mệt, đến buổi tối thì thật khủng khiếp. Con tỉnh giấc, khóc thét lên rồi bị sốt 38 độ C. Sáng chủ nhật khi thức giấc, chúng tôi phát hiện bụng con bị phát ban, nó đã lan ra sau lưng Tommy trước khi chúng tôi kịp kết thúc bữa sáng và thay tã cho con.
Người của bé Tommy nổi đầy những vết phát ban
Các bác sĩ cho rằng, đó có thể là một bệnh do virus – như chân, tay, miệng chẳng hạn. Nhưng tôi không nghĩ con mắc bệnh này, dù chuyện virus thì có lẽ hợp lí bởi trẻ con vẫn thường bị như vậy.
Trước 4 giờ chiều chủ nhật, chứng phát ban ngày một nặng thêm, vậy là cả nhà chúng tôi trở lại bệnh viện. Lần này, một bác sĩ mới thông báo rằng đó chỉ là phản ứng dị ứng ngẫu nhiên, con được chỉ định dùng thuốc kháng histamin và steroid và được đi về.
Nhưng tới 9 giờ, bác sĩ gọi điện nói chúng tôi hãy trở lại bệnh viện vì cô ấy tin rằng có thể Tommy đã bị bệnh ban đỏ (sốt scarlet). Trước khi cả nhà đến nơi, Tommy lại lịm dần đi và các đốm phát ban lại xuất hiện. Hai loại thuốc mà con đã dùng chỉ che giấu tạm thời chứng phát ban mà thôi, chúng tôi được kê đơn penicillin và lại về.
Mọi chuyện dần tệ hại đi
Tôi gọi điện cho bệnh viện thì họ nói có thể đó là do sự kết hợp giữa bệnh ban đỏ, nhiệt cao và thuốc khiến con không khỏi và có nôn thêm vài lần nữa. Tới sáng thứ Ba thì con bắt đầu bị tiêu chảy, chúng tôi lại đưa con đến bệnh viện. Lần này, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu ngay lập tức và ống thông được đưa vào cơ thể con để truyền dịch.
Bác sĩ tiến hành rất nhiều xét nghiệm: chụp X-quang, cấy trùng máu. Từ những gì còn nhớ, tôi nghĩ họ đã bắt đầu sử dụng kháng sinh phổ rộng. Thế rồi bệnh viện bắt đầu sắp xếp để chuyển Tommy tới thành phố Toowoomba (Úc) bằng xe cứu thương hoặc bằng trực thăng cấp cứu. Bệnh viện đã làm mọi thứ có thể cho con trai của chúng tôi và sự chu đáo của họ thật tuyệt vời, tôi không thể đổ lỗi cho họ vì quá nhiều chẩn đoán được đưa ra.
Tommy và ống thông đầu tiên được gắn lên.
Với những gì tôi đọc được thì đây là hiện tượng rất phổ biến trong những giai đoạn đầu của bệnh Kawasaki, bởi ban đỏ và các triệu chứng liên tục thay đổi, chúng hoàn toàn có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh khác nhau. Tất cả đều phải trải qua quá trình loại trừ dần, các bác sĩ và y tá đã thực sự chăm lo cho con trai tôi và chúng tôi biết ơn họ vì điều đó.
Trước 2 giờ chiều ngày thứ Ba, chúng tôi được đưa lên xe cứu thương cùng với một y tá, tôi chưa bao giờ trải qua chuyện này trước đây. Ngồi trong xe cứu thương, tôi nắm chặt tay con.
Chúng tôi tới bệnh viện từ lúc 7 giờ tối và lập tức được đưa vào một phòng bệnh riêng. Đêm đó, Tommy lại trải qua vài xét nghiệm máu. Một ống thông khác cũng được đưa vào cơ thể con và lại tiếp tục truyền dịch, dùng kháng sinh.
Tới lúc này, chúng tôi lo rằng con bị nhiễm trùng máu và có thể là viêm màng não. Tất cả các khả năng đó đều rất đáng sợ, chúng tôi cảm thấy kiệt sức. Quả là một ngày dài khủng khiếp.
Những ngày tiếp theo ngập tràn nước mắt
Thứ Tư là một ngày khó khăn với nhiều xét nghiệm hơn và cũng từ hôm đấy, người con bắt đầu phù nề. Cơ thể nhỏ bé của con sưng phồng, bàn tay, bàn chân cứ như những quả bóng bay nhỏ và mi mắt con cũng vậy. Bình thường, con là một em bé nhỏ nhắn, dễ thương vậy mà trong viện, con tăng 1kg - hậu quả của tình trạng phù nề. Mắt con đỏ và nổi vằn tia máu trông vô cùng đau đớn.
Đến thứ Năm tôi nhớ con đã ngồi dậy và rốt cuộc đã ăn được một chút. Đó là khoảnh khắc đáng quý vô cùng bởi con đã không ăn gì trong gần như cả tuần qua, ngoại trừ một chút sữa chua. Ống thông thứ ba tiếp tục được đưa vào người con vào hôm đó.
Suốt những ngày này, chúng tôi luôn trong tâm trạng thấp thỏm chờ kết quả xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, phải theo dõi tình trạng của con thật chặt, rồi đo trọng lượng bỉm… Phát ban vẫn tiếp tục lan ra khắp tay và chân con, tình trạng phù nề của Tommy vẫn chưa thuyên giảm.
Tommy ngủ hầu hết trong các chuyến đi nhập viện
Tối thứ Năm, bác sĩ hỏi tôi đã bao giờ nghe nói tới bệnh Kawasaki chưa. Tôi trả lời chưa, cô ấy và các bác sĩ tin rằng, đó là căn bệnh mà Tommy của chúng tôi đang mắc phải. Thật không may, không có xét nghiệm để xác nhận bệnh này - chỉ là loại trừ những khả năng khác và thứ còn lại là bệnh Kawasaki.
Chúng tôi tiếp tục chờ đợi những kết quả xét nghiệm khác trước khi bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị bệnh Kawasaki. Triệu chứng duy nhất không khớp đúng với mô tả về căn bệnh này là Tommy không sốt cao hơn 39 độ C mà chỉ tầm 38 độ C. Tuy nhiên, bác sĩ tin rằng, thuốc steroid mà con dùng vào tối Chủ nhật đã ảnh hưởng tới cơn sốt của con.
Kết quả xét nghiệm vẫn chưa có cho tới chiều thứ Sáu vậy nên chúng tôi thống nhất rằng, tốt nhất vẫn là bắt đầu điều trị cho Tommy dù thế nào đi nữa. Con được tiêm tĩnh mạch kháng thể và biện pháp này không gây nguy hiểm gì cho con, chúng tôi ngồi bên con và cùng cầu nguyện rất nhiều để cách này hiệu quả.
Bé Tommy đã phải dành phần lớn thời gian trong viện bởi căn bệnh Kawasaki
Chủ nhật, ngày 28 tháng 10 con được cân và đã trở về gần với cân nặng bình hường, chúng tôi đang đón chàng trai nhỏ bé của chúng tôi trở lại và sau một số xét nghiệm máu nữa, chúng tôi được phép xuất viện. Thật tuyệt vời khi lại được về ngôi nhà màu xanh rộng lớn và chiếc giường quen thuộc của mình.
Chúng tôi gặp bác sĩ nhi vào thứ Năm tuần sau đó. Cô ấy nói, một xét nghiệm máu của con còn cho thấy khả năng con bị cả bệnh sốt tuyến (viêm tuyến bạch cầu). Bé con tội nghiệp của chúng tôi hết bệnh Kawasaki, còn cả mọc răng hàm, rồi có thể là sốt tuyến nữa. Chưa kể, bác sĩ tin rằng, con có thể cũng đã bị viêm màng não do virus thể nhẹ.
Mỗi ngày qua đi một tốt hơn nhưng chúng tôi vẫn còn 6-8 tuần nữa phải vượt qua cho tới khi chúng tôi biết rằng con hoàn toàn bình phục. Trong khoảng thời gian này, con sẽ được ghi điện tim ở Brisbane (Úc) – nó sẽ giúp xác nhận trái tim con có thực sự ổn không. Từ giờ tới xét nghiệm ấy, con phải dùng aspirin hàng ngày. Tôi cảm thấy may mắn khi bệnh của con vẫn có thể điều trị được và con đã đáp ứng tốt. Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho con khỏe mạnh hoàn toàn và chúng tôi có niềm tin vào điều đó, nhất là khi con được điều trị kịp thời trước khi bước sang ngày thứ 10 của bệnh.
Hiện nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định, nó có thể là bất cứ thứ gì, nhưng khả năng cao là một vi trùng cơ bản nào đó. Và rồi cơ thể bé nhỏ của con đã kích hoạt hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh khiến toàn bộ mạch máu khắp cơ thể bị viêm. Nhưng chúng tôi tin rằng, mọi chuyện xấu đang qua đi và kết quả điện tim đồ của con sẽ ổn thỏa.
Nguồn: Kidspot