Phát hiện con mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp sau 5 lần 7 lượt bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh khác

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Dù hiếm gặp nhưng bệnh kawasaki lại là căn bệnh rất nguy hiểm nên điều quan trọng cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước khi nó ảnh hưởng đến tim.

Gần như trong mọi trường hợp trẻ bị mắc bệnh Kawasaki, việc chẩn đoán đều gặp không ít khó khăn. Các bác sĩ thường phải điều trị bệnh trong khoảng thời gian 10 ngày nhằm tránh ảnh hưởng đến các vấn đề về tim sau này.

Triệu chứng của bệnh Kawasaki không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trong một số trường hợp, không phải mọi triệu chứng đều xuất hiện như thường lệ. Bác sĩ sẽ cần tới 4/5 triệu chứng để chẩn đoán tình trạng của trẻ mắc phải Kawasaki.

Phát hiện con trai mắc bệnh Kawasaki sau 5 lần 7 lượt bác sĩ chẩn đoán các bệnh khác

Khi bé trai Owen (hiện đang sinh sống ở Ontario, Canada) bị ốm, không ai biết em thực sự bị bệnh gì. Shanna Howat, mẹ bé kể lại rằng Owen bị ốm gần 2 tuần và phải nằm viện tổng cộng 6 đêm. Trong thời gian đó, rất nhiều xét nghiệm đã được thực hiện nhưng mỗi ngày qua đi lại là một chẩn đoán khác. Dù vậy, Owen vẫn chưa hề có dấu hiệu bình phục. Quá lo lắng, Shanna đề nghị bác sĩ quan sát diễn biến bệnh của em sát sao hơn vì cho rằng tình trạng của bé đang rơi vào khẩn cấp.

Phát hiện con mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp sau 5 lần 7 lượt bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh khác - Ảnh 1.

Owen được phát hiện mắc bệnh Kawasaki khi đã ở ngày thứ 8 của bệnh.

Lúc đầu, Owen cho thấy triệu chứng tương tự bệnh viêm màng não. Sau đó, bác sĩ cho rằng, cậu bé bị nhiễm trùng tai rồi viêm họng và thậm chí bệnh viêm ruột do Enterovirus. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định thứ gì khiến cho Owen bị ốm nặng đến vậy. Shanna và ông xã Mark bắt đầu đoán hết bệnh này đến bệnh khác mỗi lần một triệu chứng mới xuất hiện. Rốt cuộc, Owen được về nhà trong 24 giờ nhưng lập tức trở lại bệnh viện khi bác sĩ phát hiện ra, cậu bé bị bệnh Kawasaki.

Vậy là Shanna và Mark không chỉ biết rằng, con trai họ mắc phải căn bệnh tự miễn gây viêm toàn cơ thể và ảnh hưởng tới cả tim, động mạch vành mà họ còn được thông báo: đã là ngày thứ 8 Owen mắc bệnh.

Cậu bé Owen đã bị tổn thương tim nghiêm trọng

Bác sĩ lập tức chỉ định phương pháp điều trị IVIG (liệu pháp kháng thể đường tĩnh mạch). Rất nhanh sau đó, Owen cho thấy dấu hiệu phục hồi. Nhưng vẫn còn đó nguy cơ tổn thương cho trái tim bé bỏng.

Thông thường, nếu liệu pháp điều trị được thực hiện trước ngày thứ 10 mắc bệnh thì sẽ không có hậu quả lâu dài nào xảy ra với tim hoặc động mạch. Thật không may, theo kết quả siêu âm tim, một trong những động mạch vành ở buồng tim trái của Owen đã bị tổn thương. Tính tới thời điểm đó thì bác sĩ không thể làm gì nhiều để giải quyết tình trạng của Owen. Và để đối phó với tổn thương này, bác sĩ chỉ định liều aspirin dùng hàng ngày cho Owen, mục đích để ngăn ngừa cục máu đông có thể dẫn tới hậu quả bệnh phình mạch.

Phát hiện con mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp sau 5 lần 7 lượt bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh khác - Ảnh 2.

Khi phát hiện ra bệnh, Owen đã ở ngày thứ 8 của bệnh Kawasaki nên cậu bé còn bị tổn thương đến tim.

Shanna viết: "Căn bệnh này thật khiến người ta hoang mang. Không nhiều người biết về nó. Các bác sĩ và y tá ở Bệnh viện Guelph thừa nhận rằng, họ không hay gặp bệnh nhân bị bệnh Kawasaiki. Họ không hề quen với nó. Thật may mắn cho chúng tôi, trong lần nhập viện cấp cứu thứ hai, bác sĩ nhi đã không quá bối rối trước các triệu chứng của Owen. Ông có một linh cảm và vội gọi điện cho một chuyên gia về tim. Vị này nhanh chóng nói Owen phải bắt đầu điều trị ngay lập tức".

Triệu chứng của bệnh Kawasaki

Cha mẹ cần cẩn trọng khi trẻ sốt trên 5 ngày kèm theo 3/4 triệu chứng dưới đây:

- Sốt cao, thường kéo dài hơn 5 ngày.

- Phát ban hoặc/và da bị bong tróc, thường là vùng da giữa ngực và chân, ở bộ phận sinh dục hoặc háng và sau đó là trên ngón tay, ngón chân.

Phát hiện con mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp sau 5 lần 7 lượt bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh khác - Ảnh 3.

Owen rơi vào trường hợp mắc bệnh Kawasaki không trọn vẹn, nghĩa là: mặc dù có triệu chứng bệnh Kawasaki trong cả tuần, chúng lại đến rồi đi, trừ triệu chứng sốt.

- Sưng phù và mẩn đỏ ở bàn tay, gót chân.

- Mắt đỏ.

- Các tuyến phì đại, đặc biệt ở cổ hoặc hạch bạch huyết ở cổ.

- Họng, trong miệng và môi bị ngứa.

- Lưỡi "dâu tây" có màu đỏ sáng, sưng lên.

- Đau khớp.

- Vấn đề về dạ dày: tiêu chảy và nôn mửa.

Kinh nghiệm phát hiện con mắc bệnh Kawasaki

Shanna cảnh báo các cha mẹ nên đặc biệt thận trọng và liên tục đặt câu hỏi cho bác sĩ. Hãy hỏi họ xem đó có thể là triệu chứng bệnh Kawasaki không. Với Owen, cậu bé rơi vào trường hợp mắc bệnh Kawasaki không trọn vẹn, nghĩa là: mặc dù có triệu chứng bệnh Kawasaki trong cả tuần, chúng lại đến rồi đi, trừ triệu chứng sốt.

Cũng trong chia sẻ của mình, Shanna lưu ý rằng, trong rất nhiều trường hợp khác, trẻ có vẻ như bình phục trong khoảng 1 hay 2 giờ. Đó là khi thuốc giảm sốt có tác dụng và đứa trẻ trở nên vui vẻ, dễ chịu được một lúc. Tuy nhiên, với Owen thì cơn sốt sau đó đã quay trở lại, lần sau lại nặng hơn lần trước.

Kawasaki không phải là một căn bệnh dễ chẩn đoán. Các bác sĩ phải loại trừ rất nhiều thứ trước khi họ có thể xác nhận điều gì. Tuy nhiên, nếu cha mẹ trang bị cho mình kiến thức về triệu chứng bệnh Kawasaki có thể giúp chẩn đoán sớm, từ đó, hỗ trợ điều trị và quá trình bình phục của bé. Với cha mẹ Owen, họ sẽ phải đợi thêm 1 tháng nữa trước khi lần siêu âm tim thứ hai giúp họ biết liệu trái tim của con trai mình có ổn hơn không.

Nguồn: Parent, Instagram

Chia sẻ