Tất tần tật những điều về ăn cá khi mang thai mẹ bầu cần biết
Cơ thể của chúng ta dễ dàng hấp thu thủy ngân từ cá - và khi bạn mang thai, thủy ngân thấm qua nhau thai một cách nhanh chóng. Vì vậy mẹ bầu cần thông thái khi ăn cá trong thai kỳ.
Ăn loại cá nào, ăn bao nhiêu và có cách nào để hạn chế lượng thủy ngân trong cá là thắc mắc thường thấy của những phụ nữ mang thai.
Rất nhiều bà bầu có chung một băn khoăn với câu hỏi này. Dù hải sản không phải món ăn yêu thích nhưng cá lại là nguồn cung cấp Omega-3 hoàn hảo, đặc biệt là DHA vô cùng quan trọng trong việc phát triển não và mắt bé. Cá cũng chứa lượng chất béo bão hòa thấp nhưng lại giàu đạm, vitamin D và các nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé và một thai kì mạnh khỏe của mẹ.
Mặt khác, hẳn bạn cũng đã từng nghe nói về việc một số loại cá chứa nhiều thủy ngân. Với một hàm lượng cao, chất này có thể có hại cho phát triển não bộ và trung tâm thần kinh cảm xúc của bé.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng các phụ nữ mang thai nên ăn một số loại cá. Và bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết về việc nên ăn những loại cá nào, ăn bao nhiêu và cách hạn chế lượng thủy ngân trong cá để vẫn có được đầy đủ lượng dinh dưỡng mà bạn và em bé cần.
Cá hấp thu thủy ngân như thế nào?
Thủy ngân tồn tại khắp nơi, thậm chí trong bầu không khí chúng ta đang hít thở. Nó được dùng trong các dụng cụ đo nhiệt độ, và khi những dụng cụ này bị vỡ, lượng thủy ngân lớn có thể được giải phóng.
Khi thủy ngân hòa tan trong nước, cá sẽ hấp thu nó qua da và lượng thức ăn mà chúng ăn. Thủy ngân thấm vào từng thớ thịt của cá và dù có nấu chín thì lượng thủy ngân vẫn còn đó.
Hầu hết các loại cá và hải sản đều có chứa thủy ngân, tuy nhiên các loài cá ăn thịt lớn chứa lượng thủy ngân cao nhất bởi chúng ăn các loài cá nhỏ khác - những loài cá nhỏ này cũng đã có thủy ngân. Cá ăn thịt lớn ăn càng nhiều thì lượng thủy ngân trong nó càng lớn. Ngoài ra chúng cũng sống lâu hơn, nên lượng thủy ngân chúng hấp thu qua da cũng lớn hơn hẳn.
Điều gì sẽ xảy ra khi mẹ bầu ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao?
Cơ thể của chúng ta dễ dàng hấp thu thủy ngân từ cá - và khi bạn mang thai, thủy ngân thấm qua nhau thai một cách nhanh chóng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng thủy ngân lớn sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển não bộ và hệ thống thần kinh cảm xúc của bé ở các mức độ khác nhau. Khả năng ngôn ngữ, trí nhớ, vận động tinh đều có thể bị ảnh hưởng.
Các bà mẹ đang có thai, dự định có thai, đang cho con bú và các bé dưới 3 tuổi là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nồng độ thủy ngân nhất. Vậy bao nhiêu thủy ngân là độc hại? Các chuyên gia vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề này, tuy nhiên hầu hết đều khẳng định rằng các bà mẹ có thai và các em bé nên tránh ăn các loại cá nhiều thủy ngân.
Loại cá nào nhiều thủy ngân nhất?
Năm 2004, cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ FDA đưa ra một danh sách các loại cá mà phụ nữ mang thai và trẻ em không nên ăn do hàm lượng thủy ngân cao, gồm có: cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình. Ngoài ra có một số loại cá khác cũng có hàm lượng thủy ngân không nhỏ mà các đối tượng này nên giảm lượng ăn: cá ngừ, cá vược và cá chẽm.
Bạn nên ăn loại cá nào?
Các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp và nhiều chất béo tốt cho sự phát triển của mẹ và bé gồm có: cá cơm, cá trích, cá bống, cá hồi và cá mòi.
Ngoài ra, vào tháng 6/2014, FDA cũng khuyến cáo trẻ em và các bà mẹ có thai nên ăn 2-3 phần hải sản mỗi tuần với các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, tôm, cá tuyết và cá rô phi.
Ngoài cá ra, còn loại thực phẩm nào cung cấp Omega-3?
Nếu bạn ăn được các loại cá an toàn ở trên - sẽ rất tuyệt vời! Tuy nhiên nếu bạn đang trong thời kì ốm nghén và không thể nào ăn được cá thì một số loại thực phẩm khác có thể tạm thời thay thế, như trứng, sữa, các sản phẩm làm từ đậu nành, nước trái cây, sữa chua, bánh mì, ngũ cốc. Một số loại có thể chứa hàm lượng Omega-3 không cao lắm nhưng mỗi loại một ít cũng có thể giúp bạn cung cấp đủ dưỡng chất cho bé phát triển.
Làm cách nào để biết được hàm lượng thủy ngân trong cơ thể bạn?
Có một số xét nghiệm có thể giúp xác định được hàm lượng thủy ngân trong cơ thể bạn qua máu hoặc qua mẫu tóc, nhưng chúng không quá phổ biến. Nếu bạn băn khoăn về vấn đề này, bạn nên có sự tư vấn của bác sĩ để biết mình nên làm gì nhé!