Tạo hình cổ trang của sao Trung: Bành Tiểu Nhiễm hơn cả xuất sắc, Dương Mịch đẹp nao lòng, phục trang của Châu Tấn kỳ công nhất
Đây là những mỹ nhân để lại dấu ấn sâu đậm khi hóa thân vào nhân vật cổ trang.
Bành Tiểu Nhiễm - Đông Cung
Màn thể hiện của Bành Tiểu Nhiễm trong Đông Cung đã giúp đưa tên tuổi cô lên một tầm cao mới, thu về một lượng fan lớn cho nhân vật công chúa Tiểu Phong trong phim. Bộ trang phục màu đỏ rực được đính kết khéo léo, kết hợp cùng khăn choàng mỏng và chuỗi hạt đeo trên đầu giúp Bành Tiểu Nhiễm trở thành bông hoa rực rỡ nhất trên sa mạc cằn cỗi. Layout makeup trong phim của mỹ nhân này cũng vô cùng xuất sắc, nó ăn nhập hoàn toàn với trang phục và tôn hết mọi đường nét trên khuôn mặt cô.
Sau khi xem xong vô số những phân cảnh "ngược tâm", khán giả không khỏi xúc động khi nhìn thấy vẻ đẹp tươi sáng, hoạt bát, ngây thơ, chưa trải sự đời của nàng công chúa Tây Lương thuở mới bắt đầu biết yêu.
Lưu Diệc Phi - Thiên Long Bát Bộ
Người ta hay nhắc đến Lưu Diệc Phi trong Thần Điêu Đại Hiệp nhưng lại quên mất một nàng Vương Ngữ Yên xinh đẹp động lòng người trong Thiên Long Bát Bộ - bộ phim gắn liền với tên tuổi của "thần tiên tỷ tỷ". Điều đáng nói là khi đóng bộ phim này, Lưu Diệc Phi mới chỉ 16 tuổi thôi.
Phục trang đơn giản, tóc cũng chỉ vấn nửa, hầu như không cài trâm, đính phụ kiện gì nhiều, trang điểm tự nhiên vậy mà cô đã đẹp nức lòng thế này. Đôi mắt ngấn lệ, gương mặt còn chưa thoát hết đường nét trẻ con nũng nịu đã giúp Lưu Diệc Phi có thêm một tạo hình cổ trang ấn tượng trong sự nghiệp của cô.
Dương Mịch - Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa/Chẩm Thượng Thư
Trong những phân cảnh cuối của Tam Sinh Tam Thế Chẩm Thượng Thư, Dương Mịch đã có một màn hội ngộ thú vị với khán giả. Cô nàng xuất hiện lộng lẫy, xinh đẹp trong hôn lễ giữa Bạch Thiển (do Dương Mịch đóng trong Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa) và Dạ Hoa. Cô diện phục trang tuyền màu trắng với phụ kiện đội đầu kỳ công, dây đính đá rũ xuống và che quanh mặt, tạo hiệu ứng lấp lánh, gợi chút e thẹn của tân nương.
Trước đó trong Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa, Dương Mịch cũng nhận được nhiều lời khen cho tạo hình nàng Bạch Thiển bá đạo, xứng đáng thần thái "bà cố nội thiên hạ" của mình. Y phục cô diện thường có chất liệu voan, xếp chồng nhiều lớp với màu sắc đa dạng từ pastel cho tới trung tính, tạo hiệu ứng "đi như bay", lả lướt bồng bềnh đúng chuẩn thần tiên.
Địch Lệ Nhiệt Ba - Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa
Trong Thập Lý Đào Hoa, Địch Lệ Nhiệt Ba chỉ là tuyến vai phụ nhưng vẫn tạo được ấn tượng nhất định. Trong vai Phượng Cửu, cháu của Bạch Thiển, cô nàng vẫn khiến fan "trụy tim" với loạt hành động dễ thương cùng ngoại hình xinh đẹp, đặc biệt là với tạo hình cô dâu trong trang phục, phụ kiện đội đầu và màu môi cùng tông đỏ đằm thắm rất diễm lệ.
Ở những phân cảnh bình thường, nàng Phượng Cửu cũng không cầu kỳ nhiều về kiểu tóc hay trang phục. Tuy nhiên so với Bạch Thiển có phần kín đáo thì trang phục của Phượng Cửu sẽ có những khoảng hở vừa phải trước ngực, thể hiện sự tươi trẻ của nhân vật.
Lý Thấm - Sở Kiều Truyện
Một nhân vật phụ khác cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ là Thuần Nguyên công chúa trong Sở Kiều Truyện do Lý Thấm thủ vai. Vai diễn của cô nàng bắt đầu bùng nổ khi nhân vật Yến Tuân bắt đầu tạo phản còn công chúa Thuần Nguyên khóc lóc thảm thiết cầu xin đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem.
Dù đầu bù tóc rối, lớp trang điểm lem nhem, xiêm y xộc xệnh nhưng vẻ ngoài của Thuần Nguyên vẫn không suy giảm mà còn tăng vài phần bi thương và đau lòng khôn xiết. Sau khi hắc hóa, Thuần Nguyên chọn trở lại trong sắc đỏ, thể hiện quyết tâm báo thù mãnh liệt, tạo hình của cô cũng sắc sảo và lạnh lùng hơn với đường kẻ mắt dài và đậm.
Triệu Lệ Dĩnh - Minh Lan Truyện
Ngoại hình và gương mặt nhỏ nhắn, trẻ trung của Triệu Lệ Dĩnh vừa là ưu và nhược điểm của cô, bởi nếu tạo hình không khéo thì cô hoặc sẽ trông bị gồng, "dừ" hơn tuổi hoặc không sẽ trông giống con nít. Nhưng thật may mắn khi cả hai điều đó đều không xuất hiện ở Minh Lan Truyện.
Ở những tập đầu khi Minh Lan vẫn là cô con gái nhỏ trong nhà, những bộ trang phục màu sắc tươi sáng được cô diện nhiều nhất, ngoài ra cô còn gắn thêm mái giả để "hack" tuổi hơn. Sau khi lấy chồng, Minh Lan ra dáng người phụ nữ trưởng thành, trang phục của cô cũng xuất hiện nhiều gam màu đằm thắm, kiểu dáng cầu kỳ với chất liệu gấm, lụa sang trọng. Vai diễn này có thể nói là một trong những tạo hình cổ trang đẹp nhất của Triệu Lệ Dĩnh.
Châu Tấn - Hậu Cung Như Ý Truyện
Khi mới lên sóng, Hậu Cung Như Ý Truyện bị chê bai hết lời vì trang phục già, không bắt mắt như Diên Hy Công Lược, rating của những tập đầu cũng không quá khả quan. Tuy nhiên, nhìn vào thời điểm hiện tại, bất cứ ai cũng có thể chỉ ra Hậu Cung Như Ý Truyện đã có một màn chạy đường dài quá xuất sắc, một phần cũng nhờ tạo hình nhân vật trong phim. Được biết, tổng kinh phí đầu tư cho bộ phim lên đến hơn 600 triệu NDT.
Sở dĩ trang phục của Như Ý (do Châu Tấn thủ vai) không mặc những trang phục có màu sắc màu mè là do tính cách của cô nhàn nhã, không màng tranh đấu, nên phù hợp nhất vẫn là những gam màu tím, xanh lam nhạt... Bù lại, hoa văn hay các chi tiết trên trang phục được thêu may rất tỉ mỉ, được phục dựng theo đúng như những bức tranh cũ vẽ lại. Tạo hình của Như Ý khi đăng cơ làm hoàng hậu trong bộ triều phục, chuỗi hạt triều châu màu trắng tạo cho Châu Tấn hình ảnh vô cùng quyền lực, tương xứng với khí chất của bậc mẫu nghi thiên hạ.
Không riêng gì lúc đăng cơ, phục sức ngày thường của Như Ý cũng được đầu tư hết mức có thể. Điền tử mà Như Ý hay đội (ảnh dưới bên trái) được khảm điểm thúy, mã não, phỉ thúy, thiêu lam và ngọc lam cực kỳ tinh xảo. Các bộ hộ giáp móng của Như Ý cũng là hàng thật 100% chứ không phải là sản phẩm được phục dựng lại. Điều đặc biệt nhất là khi nhìn Như Ý lúc cuối phim và Thanh Anh ở đầu phim, khán giả không khỏi bất ngờ khi thấy sự khác biệt quá rõ, gợi cảm giác bồi hồi như chính bản thân mình vừa trải qua một giấc mộng dài, đầy bi thương như Như Ý.
Bạn thích tạo hình cổ trang của mỹ nhân nào nhất?
Ảnh: Sưu tầm