Tại sao phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc xin sởi?

Ngọc Ái,
Chia sẻ

Bệnh sởi ở phụ nữ mang thai ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của cả mẹ và con, thậm chí nguy hiểm tính mạng cho thai phụ. Vì vậy, không ít người thắc mắc tại sao lại không tiêm vắc xin sởi khi đang mang thai?

Mắc bệnh sởi ở phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc khiến thai nhi nhẹ cân, kém phát triển. Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não hoặc tử vong ở người mẹ.

Tiêm phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang trong thai kỳ, việc tiêm vắc xin sởi lại không được khuyến khích – thậm chí nằm trong nhóm chống chỉ định, bất kể là vắc xin sởi đơn hay vắc xin sởi kết hợp.

Tại sao không tiêm vắc xin sởi trong thai kỳ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả các loại vắc xin sởi đều là vắc xin sống giảm độc lực, tức là sử dụng virus sống đã được làm yếu để kích thích phản ứng miễn dịch. Mặc dù các loại vắc xin này đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với người bình thường, chúng lại tiềm ẩn rủi ro trong giai đoạn thai kỳ – đặc biệt trong 3 tháng đầu.

Tại sao phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc xin sởi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong thời gian mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ có sự thay đổi lớn, đồng thời thai nhi đang trong giai đoạn phát triển cực kỳ nhạy cảm. WHO và CDC đều nhấn mạnh rằng việc tiêm vắc xin sống giảm độc lực có thể, dù hiếm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc xin sởi dưới bất kỳ hình thức nào trong suốt thai kỳ.

Tiêm vắc xin sởi vào thời điểm nào tốt nhất cho thai kỳ?

Theo khuyến cáo chính thức từ CDC và WHO, NHS khuyến nghị phụ nữ nên tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai thay vì trong thai kỳ. Cụ thể là tiêm phòng sởi trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, hoặc tốt nhất là từ 1 - 3 tháng để cơ thể kịp hình thành miễn dịch, đồng thời tránh được mọi rủi ro liên quan đến vắc xin sống.

Nên tiêm vắc xin kết hợp MMR (Measles – Mumps – Rubella), tức là vắc xin phòng ba bệnh sởi – quai bị – rubella trong một mũi duy nhất. Bởi vì loại vắc xin phối hợp này giúp đồng thời phòng ngừa cùng lúc nhiều bệnh có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi so với vắc xin sởi đơn.

Người đã từng tiêm đủ 2 mũi MMR trong quá khứ không cần tiêm lại, trừ khi có chỉ định đặc biệt. Tốt nhất, nên xét nghiệm máu để kiểm tra mức kháng thể với sởi, rubella và quai bị, đặc biệt nếu không nhớ rõ đã tiêm hay từng mắc bệnh chưa. Nếu kháng thể thấp hoặc chưa có miễn dịch, bác sĩ sẽ tư vấn tiêm bổ sung.

Phụ nữ mang thai làm gì để phòng sởi ngoài tiêm vắc xin sởi?

Bởi vì không thể tiêm vắc xin sởi trong thai kỳ, nên chị em phụ nữ cần chú ý hơn trong việc phòng sởi. Nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh sởi thụ động và gián tiếp như:

- Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng sốt phát ban hoặc nghi mắc sởi.

- Tránh đến nơi đang có dịch bùng phát.

- Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đảm bảo không gian sống được thông thoáng, sạch sẽ.

- Nếu có tiếp xúc gần với ca bệnh sởi, cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng globulin miễn dịch – một dạng kháng thể hỗ trợ tạm thời.

Tại sao phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc xin sởi? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nếu lỡ tiêm vắc xin sởi do không biết mình mang thai, hãy tới gặp bác sĩ. Ngoài ra, phụ nữ chưa tiêm vắc xin sởi hoặc chưa có bằng chứng miễn dịch rõ ràng nên tiêm sớm sau khi sinh – tốt nhất trong vòng 6 tuần hậu sản, đặc biệt nếu có kế hoạch sinh thêm con. Điều này vừa giúp bảo vệ mẹ khỏi bệnh, vừa gián tiếp bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời chưa được tiêm chủng.

Nguồn và ảnh: VNVC, CDC Hoa Kỳ

Chia sẻ