Sốt xuất huyết tại Hà Nội sắp vào đỉnh dịch: Cha mẹ nên ghi nhớ những biểu hiện cảnh báo ở trẻ
Việc phát hiện, điều trị và chăm sóc kịp thời khi trẻ bị sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Thời tiết giao mùa cũng là lúc xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ em như sốt phát ban, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Sốt xuất huyết (hay sốt Dengue) là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Cha mẹ cần biết một số biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em để kịp thời phát hiện, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng khoa Nhi Hồng Ngọc cho biết: "Nếu trẻ mắc sốt xuất huyết, biểu hiện ban đầu sẽ là trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ C, trong 2 - 7 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt. Khi hạ sốt, sẽ xuất hiện các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc, như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói. Để biết con có phải đang mắc sốt xuất huyết hay không, mẹ kiểm tra bằng cách lấy tay căng ra mà chấm đỏ li ti không lặn đi, vẫn còn nguyên, thì có thể đó là phát ban do sốt xuất huyết".
3 giai đoạn sốt xuất huyết trẻ thường trải qua
1. Giai đoạn sốt cao
Giai đoạn đầu khởi phát bệnh sốt xuất huyết, trẻ bỗng dưng sốt cao đột ngột và liên tục. Tình trạng này kéo dài khiến con bứt rứt, quấy khóc và mệt mỏi. Những em bé lớn hơn có thể kêu đau nhức khắp người, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có những chấm xuất huyết dưới da, đau cơ khớp, thậm chí là chảy máu chân răng, chảy máu cam.
2. Giai đoạn nguy hiểm nhất
Từ ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh, trẻ sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm. Tốt nhất, khi nghi ngờ con có biểu hiện của sốt xuất huyết, cha mẹ nên cho bé đi khám và nghe theo chỉ định của bác sĩ. Lúc này, cơn sốt đã thuyên giảm nhưng rất dễ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).
Lúc này, khi đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng chính là con mình không hề có biểu hiện của sốt xuất huyết, chỉ đơn thuần sốt mệt mà thôi. Tuy nhiên, có những trẻ dù không biểu hiện ra ngoài nhưng bệnh đã tới giai đoạn nguy hiểm. Chính vì vậy, khi thấy có dấu hiệu lạ, sốt, mệt mỏi kéo dài, tốt nhất hãy đưa con tới cơ sở y tế để chẩn đoán, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh dịch.
Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.
3. Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ hết sốt, tình trạng cũng được cải thiện. Con có thể đi tiểu nhiều hơn, huyết áp trở về ổn định. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Chăm sóc con bị sốt xuất huyết như thế nào?
- Khi trẻ sốt từ 38,5 đến 39 độ C, con cần được uống thuốc hạ sốt với liều lượng tùy theo cân nặng. Trẻ uống cách từ 4-6 tiếng.
- Không sử dụng aspirin hay ibuprofen vì rất nguy hiểm khi con bị sốt xuất huyết.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, uống nhiều nước sôi để nguội, nước điện giải oresol bù nước, nước trái cây, đồ ăn lỏng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều đồ bổ, nên chia nhỏ các bữa trong ngày.
- Hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi, thư giãn nhẹ nhàng.
Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút Dengue không triệu chứng, sau đó lại đốt người khỏe mạnh thì sẽ truyền virus cho người lành qua vết đốt. Do đó, sốt xuất huyết có thể lây lan sang người khác qua muỗi đốt và phát triển thành dịch. Trong ổ dịch sốt xuất huyết cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang virus tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.
Khi vào mùa dịch, bạn khó có thể chắc chắn mình không nằm trong ổ dịch hoặc người xung quanh không mang virus tiềm ẩn. Do đó, bạn luôn cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thường xuyên lau dọn, đặc biệt là những vị trí như nước trong lọ hoa, chum, vại...
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay, đặc biệt khi ra ngoài vào buổi tối nên xịt tinh dầu đuổi muỗi, thuốc phòng muỗi đốt.
- Hạn chế cho con chơi ở bụi rậm, chỗ quá nhiều cây cỏ.
- Khi ngủ nên mắc màn, kéo rèm, thường xuyên dùng bình xịt muỗi...
Nguồn: Tổng hợp