Nhiều trẻ mắc bệnh khi giao mùa

Phương Anh,
Chia sẻ

Thời tiết giao mùa, vi khuẩn, virus gia tăng đặc tính lây nhiễm, dẫn đến nguy cơ cao nhiều trẻ em mắc các bệnh cúm mùa, thủy đậu, sởi, tiêu chảy...

Nhiều trẻ mắc bệnh khi giao mùa - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, mỗi ngày có tới hơn 300 bệnh nhân đến khám, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các bệnh nhân lớn tuổi đến khám liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, số trẻ dưới 6 tuổi đến khám chiếm hơn 20%.Từ đấu năm đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 18 trẻ mắc cúm mùa, 13 trẻ mắc thủy đậu và 12 trẻ mắc tiêu chảy cấp, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Những ngày qua, đa số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, phế quản, viêm mũi họng. Hiện tại, Khoa Hô hấp còn gần 70 bệnh nhi điều trị. Đối với bệnh truyền nhiễm cũng xuất hiện nhiều hơn, tại Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho gần 40 trẻ, trong đó chủ yếu nhiễm cúm.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 114 trẻ mắc thủy đậu, 60 mắc tay chân miệng, sốt phát ban nghi sởi 1 ca…

Thạc sĩ Cao Xuân An, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Thời tiết giao mùa thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh gây dịch.

Điển hình là bệnh cúm, bệnh do virus gây ra và thường có 4 loại là virus cúm A, B, C và D, trong đó cúm A, cúm B thường gây bệnh cho người. Nguồn chứa virus cúm bao gồm cả người bệnh và người mang virus cúm nhưng không có triệu chứng, virus cúm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi ho và hắt hơi. Sự lây truyền qua không khí và tiếp xúc qua các vật thể trung gian hay bề mặt bị nhiễm virus cũng có thể xảy ra. Một số biến chứng nặng của nhiễm cúm có thể gặp như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), viêm màng não, viêm não… tình trạng này làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước như hen và bệnh tim mạch.

Ngoài bệnh cúm, bệnh sởi cũng có nguy cơ xuất hiện nhiều. Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Nguồn chứa tác nhân gây bệnh là người đang mắc sởi, kể cả giai đoạn sởi chưa có triệu chứng hay giai đoạn sởi đã thoái lui. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn, giọt nhỏ dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần tiêm vaccine sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi...

Cùng với các bệnh cúm, bệnh sởi, nhiều bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, tay chân miệng…; các bệnh về đường tiêu hóa, khi thời tiết chuyển mùa trẻ rất dễ nhiễm bệnh do phần lớn trẻ nhỏ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Để chủ động phòng tránh bệnh khi thời tiết chuyển mùa, các bậc phụ huynh cần chú ý thực hiện các biện pháp sau đối với trẻ, đó là: Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ theo lứa tuổi, thực phẩm được chế biến phù hợp, vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, giữ ấm cơ thể cho trẻ. Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, đặc biệt với trẻ em. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị.

Chia sẻ