Phân giải công bằng giữa con mình và con riêng của chồng, tưởng nan giải nhưng thực ra cũng không khó như bạn nghĩ

Trang NF,
Chia sẻ

Trong những gia đình có con riêng, việc phân giải công bằng giữa con anh - con tôi - con chúng ta luôn là vấn đề nan giải.

Là người phụ nữ, một khi bạn đã chấp nhận tiến tới hôn nhân với người đã từng có gia đình quả thật là điều không mấy dễ dàng. Và trong trường hợp người ấy có con riêng thì bạn còn phải chịu nhiều áp lực hơn nữa. Thế nhưng đừng quá lo lắng bởi việc phân giải công bằng giữa con mình và con riêng của chồng không quá khó khăn như bạn tưởng đâu.

Con mình ở đây có thể là con riêng của bạn với chồng trước hoặc con của bạn với chồng hiện tại. Nhìn chung, đứa trẻ là do bạn dứt ruột đẻ ra. Vì vậy không quá khó hiểu khi mà nhiều người cho rằng sẽ khó mà công bằng được giữa con mình và con riêng của chồng. Tuy nhiên, một khi đã ở cùng dưới một mái nhà thì những đứa trẻ cần phải được đối xử giống nhau.

Phân giải công bằng giữa con mình và con riêng của chồng, tưởng nan giải nhưng thực ra cũng không khó như bạn nghĩ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Bỏ qua lời nói vô tâm của con trẻ

Trẻ con là sinh vật trong sáng nhất trên trái đất. Thế nhưng đôi khi sự vô tư, trong sáng ấy lại khiến cho người đóng vai "mẹ kế" đau lòng. Nếu cứ chấp nhặt những lời nói ấy, vô hình chung bạn đã tự tạo cho mình một thứ tình cảm không mấy tốt đẹp với con riêng của chồng. Và chắc chắn người ta sẽ không thể nào công bằng được khi vốn dĩ đã có cảm tình không tốt với đối phương.

Đừng nuôi con riêng của chồng chỉ vì trách nhiệm

Với một số người, việc nuôi con riêng của chồng là việc không hề mong muốn. Họ miễn cưỡng làm vì trách nhiệm nên xem đứa trẻ như một "của nợ". Chính tâm lý này càng đẩy họ xa đứa con riêng của chồng hơn. Không chỉ có thế, trách nhiệm cũng như áp lực từ việc nuôi con người khác sẽ khiến cho họ trở nên mù quáng và không còn chính xác khi giải quyết các tranh chấp giữa con mình và con người.

Đặc biệt, khi trẻ lớn lên trong một mái nhà có con riêng - con chung, trẻ sẽ rất dễ mang tâm lý mặc cảm, tự ti nếu người lớn cư xử thiếu sự tinh tế, quan tâm. Lâu dài, trẻ sẽ có tâm lý hằn học, lúc nào cũng như con nhím xù lông trong cách cư xử với mọi người.

Phân giải công bằng giữa con mình và con riêng của chồng, tưởng nan giải nhưng thực ra cũng không khó như bạn nghĩ - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thương con mình đến mấy cũng hãy giữ trong lòng

Sẽ không ai trách cứ khi bạn thương đứa con mà mình mang nặng đẻ đau hơn con riêng của chồng. Nhưng hãy giữ tình thương ấy ở trong lòng và đối xử với con riêng của chồng giống như với con mình. Đây không phải là một điều dễ dàng. Đặc biệt là với những bà mẹ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng như kinh nghiệm sống.

Với con riêng của chồng, việc không được sống trong vòng tay bố mẹ đẻ đã là một điều vô cùng đau khổ. Vì vậy nếu như ngày ngày phải chứng kiến cảnh "mẹ kế" luôn ưu tiên con đẻ trong mọi việc còn mình bị "bơ đẹp" thì lại càng khiến trẻ tủi thân. Không chỉ có vậy, việc này còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tính cách của  trẻ.

Giải quyết từ những việc nhỏ nhặt nhất

Trong bất cứ gia đình nào, sự tranh chấp giữa những đứa trẻ là không thể tránh khỏi. Đó có thể đơn giản là tranh đồ chơi, tranh chỗ ngồi hay lớn hơn là tranh giành sự chú ý và tình yêu thương của bố mẹ. Đặc biệt, với những mái nhà có con anh - con tôi - con chúng ta thì điều này lại nghiêm trọng bởi cái mác phân biệt "con của ai".

Nếu như bạn dành những ưu ái cho con mình thì chắc chắn con riêng sẽ có cảm giác không thuộc về gia đình. Còn nếu bạn bênh vực con riêng một cách rõ nét thì đứa con của bạn sẽ bị tổn thương. Vì vậy bất kể đó là chuyện gì, nhỏ nhặt như thế nào thì bạn cũng cần phải giải quyết khéo léo và công bằng. Bởi chỉ có như thế thì những chuyện lớn hơn mới được xử lý một cách toàn vẹn.

Chia sẻ