Những việc có hại tới con nhưng hầu như bố mẹ nào cũng đang làm
Làm cha mẹ, ai ai cũng đều kì vọng những điều nhất định ở con, nhưng thật ra có những kì vọng lại đang làm hại con mà chúng ta nên bỏ ngay.
1. Kì vọng con luôn tốt
Nếu bạn suy nghĩ kĩ, bạn sẽ thấy rằng kì vọng con luôn "tốt" thật vô lý. Không ai có thể lúc nào cũng tốt được. Ai cũng có những ngày tồi tệ, ai cũng có những ngày họ không muốn làm những việc mà họ phải làm. Ai cũng có những ngày mà họ cáu kỉnh, cau có. Kì vọng con luôn tốt cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể dạy con và cho con hiểu chúng ta thực sự mong đợi gì ở con.
Đừng quá khắt khe với con, không ai có thể lúc nào cũng "tốt" được (Ảnh minh họa).
Vậy nên làm gì?
- Giải thích cho con cụ thể về viêc "tốt" có nghĩa là gì, ví dụ như: "Mẹ muốn con chia sẻ đồ chơi với chị con". Hoặc thay vì nói "Con đúng là một cậu bé ngoan", thì hãy nói cụ thể hơn "Cảm ơn con vì đã đọc truyện cho em trai", hay "Cảm ơn con vì đã nhường đồ chơi cho em".
- Không ai có thể lúc nào cũng tốt được nên đừng quá khắt khe với con. Hãy bỏ qua một vài điều xấu của con nếu đó là những điều không mấy quan trọng và không làm hại đến những người khác, điều đó sẽ giúp hành trình nuôi dạy con của bạn dễ thở hơn nhiều.
2. Kì vọng con cư xử trưởng thành hơn tuổi
Đứa trẻ nào cũng vậy, sớm nắng chiều mưa, lúc khóc lúc cười, vừa mới một phút trước chúng vẫn là những thiên thần đáng yêu thì giờ đã có thể khiến bố mẹ muốn phát điên. Thỉnh thoảng chúng tò mò, thỉnh thoảng lại yên lặng, thỉnh thoảng lại vô cùng nghịch ngợm,…
Nhưng hầu hết là đứa trẻ nào cũng chỉ là đang sống đúng tuổi của chúng. Trẻ cần được khám phá, thử những điều mới, làm những điều có thể là ngu ngốc nhưng thế mới là trẻ con. Hãy cứ để chúng sống thật với tuổi, đừng kì vọng chúng phải cư xử trưởng thành hơn tuổi của chúng.
Vậy nên làm gì?
- Hiểu rằng trẻ con thì vẫn chỉ là trẻ con mà thôi.
- Nếu con bạn cư xử trưởng thành hơn tuổi của con, hãy để ý đến con hơn và nhớ rằng điều đó không khiến con trở thành một người lớn, con chỉ già dặn hơn một chút mà thôi.
Trẻ con cần được sống đúng với tuổi của chúng (Ảnh minh họa).
3. Kì vọng con phải cư xử giống những đứa trẻ khác
Một số cha mẹ, dù cố ý hay vô thức, đều thường so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Dù đây là việc vô cùng bình thường, thế nhưng nếu sự so sánh đó được nói ra trước mặt con thì nó lại có thể hại con.
Nhiều bằng chứng đã cho thấy rằng với việc so sánh con với những đứa trẻ khác, chúng ta sẽ khiến con nghĩ rằng chúng không đủ giỏi, không đủ ngoan, từ đó đánh mất sự tự tin. Chúng ta bắt con phải giống những đứa trẻ khác.
Trong khi đó, nếu chúng ta so sánh kiểu con hơn những đứa trẻ khác, chúng ta dạy con rằng con phải giỏi hơn những người khác thay vì dạy con trở thành một cá nhân xuất sắc nhất sống đúng với bản thân mình. Khi bạn chấp nhận kết quả trung bình của con vì những bạn cùng lớp cũng có kết quả tương tự, bạn đã dạy con rằng không cần nỗ lực hết sức, mà chỉ cần nỗ lực trung bình để bằng với các bạn khác là được.
Vậy nên làm gì?
- Dạy con rằng bạn chỉ kì vọng con luôn nỗ lực hết sức và là bản thân con và như thế là đủ.
- Tập trung vào những ưu và khuyết điểm của con mình, chứ không phải là của những đứa trẻ khác.
- Đặt ra những mục tiêu thực tiễn.
Hãy ngừng so sánh con bạn với những đứa trẻ khác, hãy để con là chính bản thân con (Ảnh minh họa).
4. Kì vọng con phải tuân thủ theo những chuẩn mực
Bạn đã bao giờ để ý thấy rằng cách mình phản ứng với hành động của con khác nhau khi bạn ở một mình và khi có mặt những người khác chưa? Rất nhiều thói quen nuôi dạy con của bố mẹ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Có thể chúng ta không nhất thiết đồng ý với những chuẩn mực của xã hội hay những giá trị hay quy tắc truyền thống trong gia đình nhưng hầu như chúng ta đều áp đặt những chuẩn mực và quy tắc đó lên con của chúng ta.
Vậy nên làm gì?
- Hãy tin tưởng rằng bạn là một ông bố/bà mẹ tốt và sẵn sàng bảo vệ những lựa chọn của bản thân. Hãy nhớ rằng con bạn học rất nhiều điều từ việc quan sát bạn, nên nếu bạn tin tưởng vào những giá trị mà bạn dạy con mình, con cũng sẽ tin vào những giá trị đó.
- Chấp nhận rằng con bạn cũng là một cá thể có quyền riêng của bản thân.
- Nhận biết rõ những giá trị và ưu tiên trong cách nuôi dạy con của mình.
Không phải nhất thiết dạy con tuân theo những chuẩn mực hay quy tắc, hãy tự tin vào chính những giá trị mà bạn tin tưởng (Ảnh minh họa).
5. Kì vọng con sẽ khác mình
Con cái, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ, thường là những "phiên bản nâng cấp" của bố mẹ chúng. Khi con nhìn thấy bố mẹ hay tiết kiệm, khả năng cao là chúng cũng sẽ trở thành những người tiết kiệm. Khi bố mẹ có cái nhìn tiêu cực về những gì xảy ra trong cuộc sống, thì con cũng sẽ dễ trở thành những người bi quan. Khi con nghe chúng ta quát tháo vì chúng ta đang tức giận, thì con cũng học được rằng quát tháo là một cách để biểu lộ cảm xúc có thể chấp nhận được.
Vậy nên làm gì?
Đừng bảo con nên cư xử thế nào, hãy chỉ cho con qua hành động của bản thân bố mẹ.
Nguồn: Parent