Tự thú xúc động của người mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con đầu lòng
Có phải mẹ đã buộc con làm như vậy? Liệu mẹ đã đặt lên vai con những kỳ vọng quá lớn này, với vai trò là đứa con đầu lòng?
Mẹ đã nghĩ rất nhiều về cách con nói lời xin lỗi nhanh tới vậy khi con vô tình làm đổ hộp ngũ cốc sáng nay. Và tâm can mẹ như giằng xé. Mẹ đã nói với con rằng không sao đâu, chỉ là vô ý thôi mà. Mẹ đã lau dọn chỗ ngũ cốc đổ rất nhanh. Nhưng việc đó không làm thay đổi thực tế là con đã phải vội vàng nói lời xin lỗi. Có phải mẹ đã buộc con làm như vậy? Liệu mẹ đã đặt lên vai con những kỳ vọng quá lớn này, với vai trò là đứa con đầu lòng?
Mẹ ngồi đây và nghĩ về việc sẽ ôm con một cái thật chặt vào sáng mai lúc con tỉnh dậy. Mẹ cố gắng để tốt hơn. Để ngừng kỳ vọng quá nhiều, để ghi nhớ rằng con mới chỉ là một cô bé 7 tuổi. Nhưng mẹ cũng lại biết rằng, lần đầu tiên khi có gì đó làm mẹ xao nhãng, mẹ sẽ lại quên những lời tự nhủ này.
Nếu con lề mề trong việc sửa soạn tới trường vào buổi sáng, mẹ biết mẹ sẽ lại giục giã con.
Nếu đuôi tóc con quệt vào đĩa ăn sáng, mẹ sẽ thở dài và nhắc con buộc gọn tóc lên.
Nếu con mới ăn được nửa bữa sáng đã chạy tót đi để đọc cuốn sách con thích, mẹ có thể sẽ nhìn con khó chịu.
Nếu em trai bé bỏng của con làm điều tương tự? Sẽ không có ánh mắt giận dữ nào – có thể vẫn có cơn giận, nhưng em con mới chỉ 3 tuổi thôi. Và điều đó không công bằng. Nếu so sánh thì 7 với 3 đâu có khác biệt gì nhiều. Nhưng con là chị cả và là người được kỳ vọng nhiều hơn.
Như vậy thật không công bằng. Mẹ muốn thay đổi và mẹ sẽ cố để thay đổi. Nhưng mẹ biết đây sẽ là một hành trình dài, dài suốt cả thời thơ ấu của con hoặc thậm chí cả đời người.
Khi con 3 tuổi, như em trai con bây giờ, mẹ đã kỳ vọng quá nhiều. Con là chị cả, không còn là một em bé nữa. Điều này thật kỳ cục làm sao nhưng đúng là mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng lên con. Em con cũng thường bỏ dở bữa ăn, thường khăng khăng tự mặc quần áo bất kể lâu la thế nào và luôn muốn có đồ chơi. Mẹ thì cứ nghĩ, em con còn nhỏ, hãy để em làm điều mình thích. Nhưng ở tuổi lên 3, con đâu có được sự cho phép đó. Mẹ đã kỳ vọng con trưởng thành hơn, làm những gì con được bảo và tuân thủ quy tắc đề ra trong nhà. Mẹ đã kỳ vọng quá nhiều.
Khi con lên 6, bằng tuổi với em gái con bây giờ, con là chị cả - ở trường, đã biết cách ăn nói lưu loát, có khả năng hiểu mọi lời chỉ dẫn. Khi con không như thế, mẹ trở nên cáu bẳn. Khi con cảm thấy khó khăn để thích nghi với thay đổi, mẹ lại không hiểu con. Với em gái con, mẹ chăm sóc tới tận chân răng. Mẹ dự đoán những thay đổi, mẹ chuẩn bị tâm lý cho em gái con, mẹ khen ngợi em mỗi khi em vượt qua được một giai đoạn thử thách. Vậy tại sao mẹ lại không biết làm như thế với con? Đúng là mẹ đã kỳ vọng quá đáng rồi.
Và mẹ cũng biết rất rõ rằng, khi em gái con 7 tuổi, khi em trai con 7 tuổi, mẹ cũng sẽ hạ thấp những kỳ vọng của mình. Mẹ sẽ không nhìn hai em như những đứa trẻ trưởng thành. Mẹ vẫn sẽ xem các con như trẻ con – như bây giờ, vẫn cần học hỏi, vẫn cần được mẹ cho phép làm điều mà hai em thích. Mẹ cần nhận ra điều đó ngay từ giờ, chứ không phải 2 hay 5 năm nữa.
Con mới 7 tuổi và là chị cả trong nhà không có nghĩa là con buộc phải lớn hơn so với tuổi. Con có thể trưởng thành hơn: bằng cách trông em, giúp mẹ rửa bát, tự chọn quần áo. Và con vẫn có thể là trẻ con: bằng cách đuổi bắt em con vòng quanh bàn vào bữa sáng, luôn không để ý tới giờ đi học mà cứ đủng đỉnh như không và để tóc rớt cả vào thức ăn. Tất nhiên, con có thể như vậy. Con là một cô bé và mẹ cần ghi nhớ điều đó. Mẹ không cần hạ thấp những kỳ vọng của mình. Con hoàn hảo, hoàn hảo vì là chính con. Mẹ cần nâng cao những kỳ vọng vào bản thân mẹ và nhớ rằng vào buổi sáng, hãy ôm con thật chặt hai lần rồi nhẹ nhàng cột tóc lên cao cho con.
Vài nét về tác giả: Andrea Mara có ba con nhỏ, một người chồng cao lớn và một công việc văn phòng. Cô cộng tác với nhiều trang web các bài viết về chủ đề về làm cha mẹ, thử thách làm một bà mẹ ngoài giờ làm và làm một phụ nữ nơi công sở. Cô luôn cố gắng để tạo sự cân bằng giữa công việc và gia đình. |
(Nguồn: Scarymommy)