Những thói quen "yêu" của người lớn ai ngờ có thể “hại chết” trẻ
Khi chưa được tiêm vaccine và hệ miễn dịch còn non yếu thì nhiều thói quen “yêu” trẻ của người lớn như hôn môi, má cũng có thể "hại chết" trẻ.
Theo cảnh báo từ BS Đỗ Tiến Sơn, chuyên Nhi khoa (Mỹ), trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine đủ cho đến khi đủ 1 tuổi, hệ miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện do vậy dù chỉ hành động được cho là yêu trẻ như hôn má, môi trẻ của người lớn cũng có thể “hại chết” trẻ.
Hành động được cho là yêu trẻ là hôn má, môi trẻ của người lớn cũng có thể "hại chết" trẻ (ảnh minh họa).
Các hành động như mớm cơm, mút thìa, liếm bình cũng có nguy cơ tương tự. Danh sách các loại virus, vi khuẩn có thể lây qua một cái hôn, cụ thể:
- Treponema pallidum: Gây bệnh Giang mai
- Neisseria meningitidis: Gây viêm màng não
- Herpes simplex virus type 1 (HSV-1): Gây loét miệng, viêm lợi, viêm não do HSV
- Cytomegalovirus (CMV): Nhiễm mạn tính, cả đời có nguy cơ bệnh gan, não.
- Coxsackie A16: Gây bệnh tay – chân – miệng.
- Group A streptococcus: Gây các bệnh lý hô hấp.
- Virus RSV (hợp bào hô hấp): Gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh, viêm tiểu phế quản.
- Ho gà: Gây bệnh ho gà, viêm phổi do ho gà, đặc biệt nặng ở trẻ sơ sinh chưa tiêm phòng.
- Helicobacter pylori: Yếu tố gây viêm loét dạ dày.
- Gần như tất cả các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp và gây bệnh tiêu hóa
Ngoài ra, trong 1 nụ hôn, còn “khuyến mại” thêm nguy cơ dị ứng (son môi, cặn thức ăn, bụi), phơi nhiễm hóa chất (son môi, mĩ phẩm); Sâu răng (truyền Streptococcus mutans trong nước bọt) và nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch.
Cùng quan điểm này, BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho rằng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, các mẹ nên có những biện pháp từ chối khéo bằng cách đưa tay của trẻ cho mọi người hôn thay vì hôn miệng, hôn má và dặn dò người thân, bạn bè nên rửa tay sạch trước khi bế, ẵm trẻ.
Một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm gan, bệnh về hô hấp, kiết lị, bệnh lao phổi hay răng miệng cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc với trẻ sơ sinh đặc biệt là khoảng từ 1-2 tháng chào đời vì đây là khoảng thời gian cơ thể trẻ rất nhạy cảm, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh.
Trong trường hợp sau khi được người lớn hôn, trẻ có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.
Theo khuyến cáo của bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn, cha mẹ nên thẳng thắn bảo vệ con trước những cái hôn trước sinh nhật 1 tuổi; đồng thời, không hôn, thơm má trẻ nhỏ nhà khác.
Để bảo vệ trẻ, người lớn hãy tuân thủ các phương pháp vệ sinh khi thăm trẻ con, đó là: Rửa tay, tắm, đánh răng súc miệng, rửa mũi họng thường xuyên; Vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ; Luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn nhanh trước khi bế con; Tắm bé đều đặn với phương pháp phù hợp; Xếp riêng đồ vệ sinh mặt mũi miệng của con, không chung đồ người lớn.
Tuyên truyền, cảnh cáo người thân, bạn bè: Không tiếp xúc với trẻ khi đang có biểu hiện ho, hắt hơi, chảy mũi, tiêu chảy và các bệnh lý cấp tính; Không hút thuốc lá. Nếu hút thuốc, phải hút ngoài nhà, sau khi hút phải thay quần áo, tắm, xúc miệng, đánh răng rồi mới bế con. Với các cô, dì, thím: tẩy trang trước khi bế cháu.
Nếu mẹ ốm, con theo mẹ: đeo khẩu trang, rửa tay, xúc miệng, rửa mũi liên tục. Và cần tiêm chủng đầy đủ đúng lịch để xây dựng hệ miễn dịch sớm cho trẻ.