Sau hành trình cùng con chiến đấu lại virus RSV gây viêm phổi, mẹ Hà Nội cảnh báo các mẹ khác đừng coi thường "nụ hôn thần chết"
Hành trình 11 ngày cùng con chiến đấu trong phòng cấp cứu khiến chị Ngọc muốn cảnh báo để không bé nào mắc lại loại virus này.
"Nằm mơ cũng không ngờ con mình lại bị viêm phổi RSV. Có lẽ rất nhiều mẹ biết tới con virus RSV này vì nó luôn được chia sẻ rất nhiều trên mạng với tiêu đề rằng "không hôn trẻ con", "nụ hôn thần chết"... Mình trước đây không quan tâm gì nhiều đến những thông tin này, cứ ung dung thờ ơ cho đến ngày con mình bị. Khi ấy mới hoang mang vô cùng, lên mạng tìm thông tin, trực tiếp hỏi bác sĩ về những vấn đề liên quan. Con virus này đối với người lớn thì đơn giản chỉ hắt hơi, sổ mũi, ho nhẹ thôi nhưng đối với các bé đặc biệt bé dưới 6 tháng thì rất nguy hiểm", là lời chị Phạm Như Ngọc (hiện đang sống tại Hà Nội khi bắt đầu kể về hành trình cùng con chống lại virus RSV.
Loại virus này đã khiến bé nhà chị bị viêm phổi, phải nằm viện 11 ngày, nặng đến mức phải nằm trong phòng cấp cứu. Đó là điều mà trước đây chị chưa bao giờ ngờ phải, để đến khi con bị bệnh rồi mới trách mình quá chủ quan. Chị muốn chia sẻ để các bố mẹ khác có thể bảo vệ con tốt hơn và khi con bị nhiễm virus, hãy đưa con đi bệnh viện sớm nhất có thể để bệnh nhẹ, diễn biến ít hơn.
Bé Min mới 1 tháng 20 ngày tuổi đã phải chịu đau đớn khi nhập viện vì viêm phổi.
Chị Ngọc theo tìm hiểu thì được biết, không tự nhiên mà bé bị virus RSV tấn công. Nó đến từ những nụ hôn ngọt ngào, cử chỉ gần gũi từ những người thân người quen có con virus RSV, hoặc đơn giản bé đến môi trường mà trong môi trường đó có người có virus này. Dù cho không hôn hay thơm nhưng người có virus khi hắt hơi thì con virus cũng bay ra không khí. Nếu người đó lấy tay che miệng và sau đó không rửa tay chạm vào tay bé, bé lại gặm mút tay của mình thì vẫn có nguy cơ nhiễm. Vậy nên ngoài việc không hôn bé thì việc vệ sinh tay trước khi bế bé là rất cần thiết.
Trở lại câu chuyện của bé Mint (hiện hơn 3 tháng tuổi), chị Ngọc cho biết: "Nói thật thì giờ mình vẫn không hiểu tại sao con lại bị RSV nữa. Nhưng lỡ bị rồi chả trách ai, mình chỉ trách bản thân đã chủ quan không có biện pháp bảo vệ con và không cho vào viện sớm hơn từ những ngày ho đầu tiên để con được bớt đi những ngày nằm viện, những mũi tiêm".
Bé Mint sinh ra trộm vía rất ngoan, ăn no ngủ kỹ không mấy khi quấy khóc, không ốm sốt. Trước khi đi viện 2 ngày, con hơi khò khè, chỉ húng hắng ho nên mẹ bé nghĩ đơn giản là nước mũi chảy xuống làm con ho. Chị quan sát thấy miệng con nổi nhiều bọt bong bóng sền sệt, dễ trớ hơn bình thường. Chị tính theo dõi con vài hôm mới cho đi khám.
Bé Min khi mới sinh là một em bé trộm vía rất ngoan, ăn ngủ tốt.
Nhưng tới hôm thứ 3 khi con bị ho nặng tiếng nhiều, ngủ li bì, thở hõm lồng ngực, đếm tận 70 nhịp tim/phút, chị mới cho con vào viện. Lúc này khi khám, đã nghe phổi thấy lộp bộp có nhiều ran ẩm, phim Xquang trắng gần hết 1 bên phổi, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi cho nhập viện ngay. "Chuyển biến đối với các bé sơ sinh là nhanh vô cùng, bác sĩ nói có bé sáng chỉ 1 tiếng ho nhẹ chiều bố mẹ đưa đi khám đã vào phổi rồi. Thế nên bố mẹ chú ý đừng chủ quan nếu con dưới 6 tháng", chị Ngọc tâm sự.
Trong suốt những ngày sau đó, chị Ngọc phải cố gắng cùng con chiến đấu lại căn bệnh: "Con bị nặng nên từ ngày vào cho đến ngày ra là 11 ngày, con phải nằm trong phòng cấp cứu. Con nhỏ nhất phòng cấp cứu, lúc đó con được 1 tháng 20 ngày. Mỗi lần con bị lấy ven, thương vô cùng nhưng vẫn phải bình tĩnh giữ tay con chặt không để con cựa quậy con sẽ bị đau nhiều hơn. Có lúc lấy 1 lần được ngay nhưng có những lần chọc lên xuống lấy mấy chỗ cả tay cả chân mới lấy được ven, con khóc lặng cả người. Mỗi lần lấy máu, mỗi lần tiêm đau, mỗi lần hút đờm, vỗ rung... là mỗi lần tim mình thắt lại vì thương con. 2 bàn tay 2 bàn chân con kín những nốt tiêm, có lần chẳng còn ven nào ở tay chân, con bị lấy máu trên đầu, nhìn con mình nghĩ thật sự "đau tinh thần như này còn đau hơn cả đau đẻ", chị Ngọc kể lại.
Diễn biến bệnh khó lường, ngày nào chị Ngọc cũng nhìn con nhọc nhằn đi qua. Nhất là khi càng nằm viện càng thấy con bị nặng, khó thở hơn, bỏ ti bình, bỏ ti mẹ và phải đút thìa. "Có 1 hôm cả sáng và trưa con mới ăn được 20ml, đến chiều y tá vừa tiêm thì con khóc lớn, ven của con bị chệch phải lấy lại ven mới, con khóc dữ dội, tiêm xong con khóc nhỏ dần và tím tái người, chân tay lạnh ngắt... Mình nhìn con cuống cuồng không nghĩ được gì, y tá cấp cứu hút đờm ngay lập tức cho con. Sau đó con được khí dung thì môi con mới hồng lên một chút, độ bão hoà oxi rất thấp, con khó thở, nhịp tim gần 200/phút. Và hôm đó cũng là hôm con mình phải thở oxi do độ bão hoà oxi của con thấp quá".
Những ngày con bị bệnh vẫn mãi ám ảnh chị Ngọc.
"Con phải thở oxi liên tục 5 hôm. Sau đó, mình được hướng dẫn cho con thở ngắt quãng để con quen tập tự thở mà không cần hỗ trợ. Bác sĩ giải thích rằng loại virus RSV này cơ chế tác động sẽ như thế, phải nặng dần lên thì mới khỏi được, mới ngày thứ 3 thôi, đến ngày thứ 5 thứ 6 sẽ nặng hơn nữa nên mẹ phải bình tĩnh". Cuối cùng thật may là như lời bác sĩ nói, mọi sóng gió cũng qua.
Bé Mint dần hồi phục trở lại, bé đã có thể tự thở được và cai thở oxy sau khoảng hơn 9 ngày: "Đến ngày thứ 11 nằm viện, bác sĩ cho con ra viện, bác nói những bạn bị RSV rồi khi con virus đã được tiêu diệt nên ra viện về nhà chứ ở trong viện rất dễ nhiễm khuẩn lây chéo sang các bệnh khác. Mình nằm trong viện chứng kiến rất nhiều bé ra viện được vài hôm lại vào, rất đắn đo nhưng vẫn quyết định ra viện vì cũng thấy nhiều bé trong quá trình nằm viện mắc thêm những bệnh khác do lây chéo. Và khi sức đề kháng của con đang kém mà nhiễm sang các bệnh khác thì rất nguy hiểm. Mình hỏi bác sĩ con đã khỏi hẳn chưa thì bác trả lời "phổi con đã bị tổn thương rồi thì phải chờ thời gian mới lành lại được"".
Tính đến hiện tại, bé Mint đã ra viện được hơn 1 tháng và chị có cho con đi tái khám, trộm vía phổi của bé đã ổn. Mỗi lần nhớ lại hành trình đi viện, chị Ngọc vẫn rơm rớm nước mắt vì thương con. Chị muốn chia sẻ để mong không có em bé nào rơi vào hoàn cảnh như Mint nữa.
Bé Mint đã vượt qua cửa ải khó khăn nhất để được về nhà làm bé cưng của bố mẹ.
Mỗi khi nhớ lại hành trình gian khổ vừa qua, chị Ngọc vẫn rơi nước mắt vì thương con.
"Bởi loại virus này rất nguy hiểm vì nó gây ra bệnh hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,..) của trẻ. Tuy nhiên trẻ vẫn có thể mắc các bệnh về hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,...) mà không phải do con virus này. Vì vậy, bố mẹ vẫn tuyệt đối cần chú ý giữ gìn cho con vì con còn nhỏ nên chuyển biến rất nhanh, nếu không kịp thời cấp cứu, con có thể bị suy hô hấp, thời gian điều trị có thể dài hơn nhiều và con sẽ phải chịu nhiều mũi kim đau đớn. Có bé nằm cùng phòng cấp cứu hôm đầu với con mình đã mất vì chuyển biến nặng quá. Bé đó hơn 3 tháng bị viêm phổi thông thường, không phải viêm phổi RSV nên dù bị viêm hô hấp do virus hay không thì cũng đều có khả năng nguy hiểm cả", chị chia sẻ.
Bé Mint hiện tại đã trộm vía ăn ngủ rất ngoan.
Cách phòng tránh và chăm sóc con khỏi virus RSV
Những ngày được bác sĩ dặn dò trực tiếp đã giúp chị Ngọc có thêm được nhiều kiến thức đối với việc phòng tránh và chăm sóc con khi bị nhiễm virus RSV. Các bé đã bị bệnh liên quan tới đường hô hấp rất dễ bị tái đi tái lại, chính vì thế mẹ nên lưu ý một chút để giảm thiểu tối đa sự tái của bệnh. Tốt nhất kể cả bé không bị bệnh các mẹ cũng chú ý áp dụng cho con đặc biệt là các bé mới sinh, các bé dưới 6 tháng tuổi vì lúc này sức đề kháng con còn yếu, hệ miễn dịch của con đang hoàn thiện.
⁃ Cho con uống sữa mẹ hoàn toàn nếu có thể (trong viện chị Ngọc để ý bạn nào ăn sữa mẹ hoặc ăn song song thì nhanh khỏi hơn so với những bạn ăn sữa công thức).
⁃ Dùng dung dịch Nacl (nước muối sinh lý) để nhỏ mắt, nhỏ mũi, rơ lưỡi cho con ngày 1-2 lần.
- Nếu con khò khè nhiều và có gỉ, hãy rửa hút mũi cho con, nhớ để nghiêng đầu sang 1 bên.
⁃ Thường xuyên kiểm tra lưng áo con khi con ngủ xem có bị mồ hôi không thì lau cho con.
⁃ Nhà cửa thoáng mát sạch sẽ, duy trì độ ẩm phòng 50-60%.
⁃ Hạn chế hôn hít vào mặt con, người lạ tuyệt đối là không.
⁃ Nên rửa tay sạch sẽ trước khi bế bé, dùng nước rửa tay diệt khuẩn càng tốt. Để ở cửa phòng 1 lọ nước rửa tay khô diệt khuẩn để bất cứ ai trước khi vào phòng đều phải rửa tay sạch sẽ. Hãy nhớ bệnh tật đến từ đôi bàn tay bẩn.
⁃ Người hút thuốc trước khi bế bé hãy xúc miệng nước muối.
⁃ Người bị bệnh cúm, ho sổ mũi,... không tiếp xúc với bé. Nếu phải tiếp xúc hãy đeo khẩu trang.
⁃ Thỉnh thoảng vệ sinh xông nhà bằng bồ kết để diệt khuẩn.