Những phiền toái khi cho con bú mẹ nào cũng phải đối mặt
Với các mẹ đang nuôi con nhỏ, việc cho con bú sữa mẹ không phải lúc nào cũng thú vị và vui vẻ.
1. Mất thời gian đầu để bé làm quen với vú mẹ
Điều này đúng cho cả mẹ và bé. Trong một số trường hợp, bé không tìm ra cách để có thể ti mẹ mặc dù điều này vốn là bản năng tự nhiên ngay khi chào đời của bé. Và trong những trường hợp khác, một số mẹ không thể cho bé bú bởi vì không thể giữ chúng vào đúng vị trí hoặc chưa biết cách ngồi/nằm để miệng bé có thể gắn vào vú mẹ và tu ti.
2. Sữa chảy ướt áo
Khi bé có thể bú mẹ, mẹ và mọi người trong nhà thở phào nhẹ nhõm. Mẹ luôn mong mình có nhiều sữa để bé được bú thoải mái. Nhưng nỗi lo tiếp theo lại đến khi sữa về nhiều, đầu ti rỉ sữa làm mẹ ướt áo. Mẹ buộc phải sử dụng và mang theo miếng thấm sữa bên mình. Nhiều khi bé đang ngủ và không bú ngay trong khi sữa mẹ nhiều, căng tức và rỉ ra ngoài làm mẹ rất khó chịu; nhất là lúc mẹ đang ở nơi làm việc hoặc nơi công cộng.
Nhiều mẹ vì thiếu kinh nghiệm cho con bú và chăm sóc bầu sữa dẫn tới hiện tượng mẹ bị tắc tia sữa. Tình trạng tắc sữa khiến mẹ đau nhức. Sữa không tiết ra hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Bé không thể bú và mẹ còn có thể bị sốt, đau tức tăng lên nếu sữa bị ứ đọng nhiều ở bên trong. Việc khai thông sớm ống dẫn sữa sẽ làm giảm tình trạng bệnh và hạn chế hậu quả do tắc sữa kéo dài.
4. Cho bé bú ở chỗ đông người
Bình thường, khi ở trong phòng riêng của mình mẹ có thể cho bé tu ti thoải mái mà không phải lo lắng hay ngượng ngùng, xấu hổ bởi người lạ. Nhưng không phải lúc nào cũng được riêng tư như vậy. Có lúc cả gia đình cùng ra ngoài có việc và giữa chốn đông người, bé đòi ti làm mẹ bối rối. Chẳng hạn như lúc đang ở trạm xe buýt, trên xe buýt, xe khách hay trên tàu, trong nhà hàng... Và mẹ lo lắng không biết bao giờ mới có thể cho bé ti. Nhất là khi cơn đói của bé đang đến, bé khóc thét và giận dữ khi chưa được ti mẹ. Lúc này, mẹ khó có thể có được lựa chọn khác và buộc phải đáp ứng nhu cầu của bé… Cái nhìn của những người xung quanh làm mẹ xấu hổ.
5. Cảm thấy mình giống một con bò sữa
Rất nhiều mẹ sẽ có cảm giác này. Nhiều bé muốn bú mẹ ngay cả khi không đói. Bầu sữa mẹ trở thành một món đồ chơi cho bé. Có những khi bé khóc, mẹ chỉ cần cho bé ngậm ti mình là bé hết hờn và khi ngủ, bé cũng phải ti mẹ thì mới chịu ngủ. Đôi khi, mẹ cảm thấy mệt mỏi vì những điều đó.
6. Bé cắn vú mẹ
Khi bé bắt đầu mọc răng và nếu mẹ vẫn cho con bú, bé có thể cắn vú mẹ làm mẹ đau đớn. Nhiều mẹ đã phát khóc khi bị bé làm như vậy. Và nếu bé ngủ thiếp đi trong khi giữ ti mẹ ở giữa hai hàm của mình, mẹ sẽ cảm thấy mình như đang bị kìm kẹp bởi một con cá mập.
7. Ngực chảy xệ
Khi mẹ có bầu rồi sinh bé, cho bé bú sữa mẹ, chắc chắn ngực của mẹ sẽ nở nang và lớn hơn trước rất nhiều. Những chiếc áo ngực xinh xinh ngày trước sẽ không thể mặc được nữa. Mẹ nhận ra sự thực đáng buồn rằng ngực mình bắt đầu chảy xệ, xấu xí, không còn căng tròn như trước. Điều này khiến mẹ tự ti vào cơ thể mình.
Việc cai sữa cho bé là điều không hề đơn giản.
8. Đau núm vú
Một trong những khó khăn mẹ thường gặp phải khi lần đầu cho con bú là hiện tượng đau nhức đầu ti. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng đau núm vú là do vị trí nằm không đúng của bé trong lúc ti mẹ. Do đó nếu mẹ vẫn bị đau kéo dài trong hơn một phút khi cho bé ti, hãy thử kiểm tra tư thế của cả hai mẹ con. Nếu vị trí bú của bé đã chuẩn mà mẹ vẫn thấy đau núm vú thì rất có thể núm vú của mẹ bị khô và mẹ nên mặc quần áo rộng. Trong trường hợp mẹ bị đau rát núm vú nghiêm trọng, mẹ hãy đến gặp bác sỹ sản phụ khoa nhờ tư vấn.
9. Chọn quần áo là cả vấn đề
Khi sinh xong, da bụng của mẹ trở nên nhão nhoét, bụng mẹ bị sổ ra, ngực căng sữa… vóc dáng chưa hồi phục như lúc chưa mang bầu và sinh con. Mẹ khó có thể mặc áo bó sát bởi bộ ngực căng sữa của mình. Hơn nữa, trang phục đó cũng không làm mẹ thoải mái, gây bất tiện khi cần phải cho bé bú. Nhiều mẹ đã rất tủi thân khi sinh bé được nửa năm nhưng tình cờ gặp người quen, họ vẫn hỏi mẹ có bầu mấy tháng, bao giờ sinh bé…
10. Khó khăn khi cai sữa cho bé
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, mẹ nên cho bé bú đến khi bé được 2 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến mẹ phải ngừng cho bé bú khi bé được 1 tuổi hay 1 tuổi rưỡi… Và việc cai sữa mẹ cho bé lúc này là điều không hề đơn giản. Nhiều mẹ đã áp dụng rất nhiều biện pháp – cả truyền thống và hiện đại mà không sao cai sữa hoàn toàn được cho bé. Có mẹ đã cai sữa cho bé được 3 – 4 ngày nhưng rồi thấy bé gầy hẳn đi, quấy khóc, không chịu ăn làm mẹ xót xa - mẹ lại cho bé ti nên không thể cai sữa mẹ dứt điểm.
(Nguồn: Momj)