Những lo lắng thái quá của chị em lần đầu mang bầu
Cấm vận chồng từ A đến Z hoặc lo sợ mình không làm người mẹ gương mẫu... là một trong những lo lắng của người mẹ khi mang bầu.
"Cấm vận" chồng từ a đến z vì sợ ảnh hưởng tới con
Không ít chị em bầu bì có suy nghĩ rằng sẽ không tốt cho sức khỏe của bé nếu thực hành "chuyện ấy" trong thời gian mang thai.
Đó là chuyện của gia đình chị Nhi (Lâm Đồng). Bình thường chị là người rất yêu chiều chồng nhưng sau khi biết mình có thai, lại nghe bạn bè rỉ rả thế là mọi hành động liên quan đến “yêu” của anh đều bị chị gắn biển cấm.
Dù anh có dỗ ngon ngọt rồi tìm hiểu thông tin đem cho vợ xem, Nhi vẫn lắc đầu vì “không biết đâu mà lần, thân ai người nấy lo”.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng nếu bà bầu đang có một thai kỳ khỏe mạnh, cả mẹ và bé phát triển tốt thì không có lý do gì chị em lại lo lắng thái quá như vậy, chị em nên tận hưởng đời sống tình dục ngọt ngào với chồng bởi trong thời điểm này, hai vợ chồng sẽ không gặp phải khách không mời là những kỳ kinh nguyệt và cơn đau bụng hàng tháng.
Tuy nhiên, sẽ không là lo lắng thái quá nếu bà bầu mắc phải những trường hợp sau: có tiền sử sảy thai, có vấn đề ở cổ tử cung, có dấu hiệu sinh non, chảy máu bất thường, rò nước ối… thì chuyện lo lắng và han chế tình dục là điều bình thường.
Tóm lại, chị em nên thả lỏng cơ thể và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của mình.
Có nhiều chuyện cười chảy nước mắt khi chị em bước chân vào ngưỡng cửa bầu bì (Ảnh minh họa)
Quá khó để làm người mẹ gương mẫu
Chị Hân tự nhận mình là người ham chơi, kể cả sau khi đã lấy chồng. Chị luôn duy trì cho mình một thời khóa biểu đi chơi, tụ tập, cà phê, mua sắm với bạn bè.
Với công việc, bạn bè chị luôn hết mình, duy chỉ có gia đình là chị còn thờ ơ. Điều này không chỉ chị mà anh Lực chồng chị cũng khá ái ngại.
Chị không lo lắng về tài chính gia đình nhưng riêng nghĩ đến việc suốt ngày phải ôm con, hát ru cho con, rồi đi chợ nấu cơm, giặt tã quét nhà khiến chị nổi da gà và đầy lo lắng.
Có một giai đoạn chị bị stress vô cùng khi cố gắng ăn những món ăn mình không thích nhưng tốt cho con. Chỉ nghĩ đến việc sau khi sinh con xong phải ăn mỗi ngày 3 bát cháo móng giò béo ngậy mà chị không chịu nổi.
Chia sẻ về điều này, chị Thanh Hoa (Hàn Thuyên, Hà Nội) tâm sự rằng, chẳng có bà mẹ nào là hoàn hảo, thêm vào đó, cờ đến tay ai người đó phất. Có thể bây giờ bà bầu chưa cảm thấy gì nhưng khi thiên thần nhí chào đời, bản năng làm mẹ sẽ bộc phát.
Đối với mỗi người phụ nữ, việc được trở thành ngươi mẹ là điều vô cùng hạnh phúc. Đứng trước vai trò mới, chắc chắn nhiều chị em không khỏi lo lắng cho cuộc sống, tương lai của em bé về sau... Tuy nhiên, những lo lắng thái quá đó thực sự không tốt cho sức khỏe của chính bản thân mẹ và em bé. Vì tế, để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh được một em bé khỏe mạnh về sau thì chị em hãy thư giãn, thoải mái để chuẩn bị đón chờ thành viên mới chào đời.
Tự ti về bản thân
Trước đây, chị Ngọc (Quận 7, TP HCM) tự tin bao nhiêu thì sau khi có bầu bé Tũn, chị tự ti bấy nhiêu.
Vì làm việc trong ngành quảng cáo nên hình thức được chị rất để ý tới. Chị rất xinh, tuy không cao nhưng trước đây nhờ “thần dược” là giày cao gót nên hình dáng của chị được cải thiện rõ rệt. Thế nhưng khi có bầu, ngoài việc nói không với giày cao gót, da dẻ của chị trở nên xám xịt, cổ, tay đều đen đi trông thấy, bắp chân nở to ra… khiến chị buồn vô hạn.
Chị chỉ ước mình nhanh nhanh chóng chóng qua thời điểm bầu bì này để còn đi cải thiện vóc dáng. Vậy là để giữ eo thon, chị tìm tới những thực đơn ăn nghèo nàn, ăn uống không điều độ, có lần đang đi đường chị bị ngất, may có người giúp đỡ nên chị và bé mới được an toàn.
Chị Ngọc không phải là trường hợp duy nhất hốt hoảng vì tình trạng tăng cân vùn vụt, sạm da, xuống sắc trong thai kỳ.
Tuy nhiên, có rất nhiều chị em lại quan niệm khác. Chị Kim Liên chia sẻ trên diễn đàn về mẹ và bé cho biết: “Đúng là mình xấu đi thật nhưng so với niềm vui có con, được làm mẹ thì rắc rối kia có đáng kể gì đâu. Việc vóc dáng bị thay đổi, bạn có thể chờ tới khi sinh con xong và ‘khổ luyện’ bằng một khóa tập thể dục để giữ dáng, cho con bú cũng là cách giảm cân, làm đẹp. Hoặc có thể bạn tìm thực đơn ăn uống vận động hợp lý dành cho bà bầu”.
Nghĩ tới đẻ đã sợ chết khiếp
Vừa mang bầu được hơn 2 tháng, bụng còn chưa rõ nhưng chị Thúy (Hà Nội) đã lo ngay ngáy, đứng ngồi không yên mỗi khi nghĩ đến đẻ.
Chị tâm sự: “Mình làm công việc văn phòng nên thực sự có rất nhiều thời gian để tìm hiểu lê la khắp các diễn đàn về sinh nở, chăm con”.
Vì đọc nhiều tâm sự, chia sẻ của nhiều chị em mà chị Thúy lo ngay ngáy, lúc nào chị cũng lẩm bẩm: “Làm sao đây, đẻ thường đau mà đẻ mổ cũng đau”.
Chị tìm hiểu nhiều nguồn thông tin để những mong mình sẽ nhanh chóng có được lời khuyên để tâm lý của mình được thoải mái không lo lắng khi chuyển dạ nhưng càng tìm hiểu, chị càng lo thêm.
Những câu: "Không có gì đau đớn hơn đau đẻ", "Khi đẻ, bác sĩ sẽ lấy dao rạch chỗ ấy tầm chục phân để em bé có thể chui ra được"... như thế này lúc nào cũng ám ảnh chị.
Người chưa sinh nở bao giờ luôn mang tâm lý sợ đau đớn khi chuyển dạ. Các chuyên gia gợi ý rằng, bà bầu cần bình tĩnh và nên coi chuyện vượt cạn là một thử thách hạnh phúc, thiêng liêng mà mình sắp được trải nghiệm.
Bạn nên nghĩ rằng bà, mẹ rồi chị gái mình đều thành công mĩ mãn trong hành trình đó thì cớ sao mình lại không? Nếu bạn thuộc nhóm những bà mẹ sinh thường, bạn có thể đăng ký cho mình một lớp học tiền sản. Tại đó các chuyên gia y tế sẽ giúp bạn hiểu và tập những động tác thở, thể dục nhẹ nhàng chuẩn bị hành trình vượt cạn dễ dàng.
Còn nếu bạn nằm trong những chị em sinh mổ thì bạn cũng nên thư giãn, thả lỏng vì với những thiết bị y tế hiện đại cộng với sự nhiệt tình, chu đáo của bác sĩ, chắc chắn bạn sẽ được mẹ tròn, con vuông.
Ngoài những thay đổi về thể chất, nhiều chị em còn trở thành những bà bầu khó tính khi mang thai.