Những kĩ năng sinh tồn đã giúp cậu bé Nhật 7 tuổi sống sót sau 6 ngày đi lạc trong rừng
Yamato Tanooka, cậu bé Nhật 7 tuổi bị mất tích gần 1 tuần trong khu rừng nơi cậu bị bố mẹ bỏ lại để phạt tội ném đá vào người khác được tìm thấy trong trạng thái an toàn và lành lặn. Điều này đã khiến tất cả mọi người theo dõi từ đầu câu chuyện thở phào và kinh ngạc.
Cậu bé Yamato Tanooka đã tồn tại và tìm được nơi trú ẩn như thế nào? Mối nguy hiểm mà những chú gấu hoang sống trong khu rừng mà cậu bé bị đi lạc có thể mang lại sẽ khủng khiếp như thế nào... là một trong rất nhiều những câu hỏi mà mọi người đặt ra.
Cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi đã mang đến một câu chuyện ly kỳ về sự sống sót của mình sau 6 ngày bị lạc trong một khu rừng có nhiều gấu hoang sinh sống.
Chỉ vài phút sau khi bị bố mẹ bỏ lại giữa đường trong một khu rừng ở Hokkaido, cậu bé 7 tuổi đã biến mất. Khi bị lạc, Yamato chỉ mặc duy nhất một chiếc quần jean và áo phông trên người trong khi nhiệt độ nơi cậu bé đi lạc vào ban đêm có thể xuống tới 7-9 độ C và đó thực sự là một mối đe dọa đối với một cậu bé 7 tuổi thân hình mảnh mai này. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm cậu bé cũng gặp phải một số cản trở nhất định do thời tiết mưa rào và đặc thù địa hình và các loài thực vật của khu vực này.
Chính vì vậy, khi cậu bé được tìm thấy sau 6 ngày đi lạc trong trạng thái tâm lý và sức khỏe khá ổn định, rất nhiều người đã tỏ ra kinh ngạc và điều gì đã giúp cậu bé tồn tại trong suốt 6 ngày đó thực sự trở thành một câu hỏi khiến bất cứ ai tò mò. Dưới đây là những bài học về kĩ năng sinh tồn đã giúp cậu bé Yamato sống sót khi bị đi lạc, đó cũng là những kỹ năng sống cơ bản mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng nên được học từ khi còn nhỏ.
1. Tìm một chỗ trú ẩn an toàn và ở nguyên vị trí chờ cứu trợ
Cậu bé Yamato cho biết đã tự tìm được khu căn cứ quân sự bỏ hoang cách vị trí em bị bố mẹ bỏ lại khoảng 5-7km. Cậu bé đã sống sót một cách khôn ngoan nhất trong trường hợp đi lạc của trẻ, đó là tìm chỗ an toàn, khô ráo và ấm áp để trú ngụ, ở yên một chỗ không di chuyển để chờ cứu trợ.
Bố mẹ hoàn toàn có thể dạy con các kĩ năng xử lý tình huống khi bị đi lạc hoặc khi xảy ra các tình huống bất ngờ mà không có bố mẹ ở bên với bốn bước: dừng lại, suy nghĩ, quan sát và lên kế hoạch. Đây là biện pháp giúp trẻ lấy lại sự bình tĩnh, tránh hoảng loạn quá mức.
- Dừng lại và ngồi xuống: Ngay khi nhận ra mình đi lạc
- Suy nghĩ: Xem chuyện gì đã xảy ra. Trẻ rất dễ bị hoảng sợ, vì thế chúng cần được thực hành trước khi gặp tình huống bất ngờ hãy đứng tại chỗ và nhớ lại sự việc đã diễn ra.
- Quan sát: Mình đang ở đâu, xung quanh đây có gì, có gì quen thuộc không? Liệu trong cặp sách có thông tin hay vật gì giúp mình không?
- Lên kế hoạch: Suy nghĩ xem mình có thể làm gì: mình có nên thổi chiếc còi trong cặp để tìm sự giúp đỡ? Địa điểm này có gần điểm hẹn giao ước? Có đồn công an nào gần đây không?... Chúng sẽ lên được ý tưởng dựa trên những gì bạn đã hướng dẫn.
2. Không sợ bóng tối
Khi được tìm thấy, trạng thái tâm lý của cậu bé Yamato khá ổn định, ngoài việc thân nhiệt bị thấp do thiếu hụt dinh dưỡng và nước uống, cậu bé không tỏ ra quá hoảng loạn hay sợ sệt dù đã trải qua 5, 6 đêm ở trong rừng. Không sợ bóng tối cũng chính là một kĩ năng sinh tồn mà trẻ cần được rèn luyện ngay từ nhỏ.
Sợ bóng tối có thể khiến trẻ căng thẳng và không biết nên làm gì. Với trẻ lớn, hãy giúp con làm quen với bóng tối bằng cách chơi một số trò chơi bên ngoài khi trời tối (chọn khu vực vẫn có đủ ánh điện để bạn và trẻ có thể tìm đường)
Với trẻ nhỏ, bạn nên chơi với con ở sân nhà khi trời tối. Đó sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời khi cả nhà cùng ngắm các vì sao và chơi trò đoán tên chòm sao. Bạn có thể thực hành trong nhà nhưng nhớ tắt điện nhé.
Đây là một cơ hội tốt để trẻ thực hành các kỹ năng cần thiết. Ví dụ: không nên mở tủ lạnh khi mất điện, cách nấu ăn ngoài trời, và bất kỳ kỹ năng gì bạn thấy hữu dụng khi mất điện.
3. Tìm kiếm nguồn nước an toàn
Trong suốt gần 1 tuần đi lạc, cậu bé Yamato không có nguồn thức ăn từ trong rừng vì thời điểm này là mùa xuân, các loại cây đều chưa ra quả, cậu bé đã tìm được một vòi nước có sẵn ở phía trước khu trại và uống nước ở đó hàng ngày.
Nước cực kỳ quan trọng nhưng cũng dễ gây nguy hiểm tính mạng nếu uống phải nước bị nhiễm độc. Vì thế, trẻ cần được học cách nhận biết đâu là nguồn nước an toàn, đâu là nguồn nước không an toàn, đó là một kỹ năng cực kỳ thiết yếu.
Khi cả nhà đi cắm trại hay dã ngoài (hay kể cả đi dạo trong sân, ngoài công viên) hãy cùng nhau thực hành cách tìm nước, đun nước, lọc nước hay cách sử dụng những đồ vật xung quanh (lá cây, vỏ cây…) để lấy nước.
4. Học cách giữ ấm cơ thể
Nhiệt độ trong khu rừng cậu bé bị lạc có thể xuống thấp tới 7 độ C vào ban đêm, và Yamoto đã rất thông minh khi chui vào nằm kẹp giữa hai chiếc đệm trong khu căn cứ quân sự để giữ ấm. Có thể thấy, cậu bé thực sự là một chàng trai bản lĩnh khi biết cách chọn những giải pháp khôn ngoan nhất để tồn tại trong thời gian chờ người đến cứu.
Việc dạy trẻ những kĩ năng cơ bản nhất để bảo vệ cơ thể như biết cách xử lý khi bị đói, bị lạnh, bị nóng quá... là vô cùng cần thiết mà bố mẹ cũng cần dạy cho con bằng cách ngay từ nhỏ để con ăn uống tự lập và học cách chăm sóc bản thân.
(Tổng hợp)