Câu chuyện bỏ con ở một khu rừng đầy gấu để trừng phạt và mảng tối trong việc nuôi dạy con của cha mẹ Nhật
Cậu chuyện cậu bé Nhật Bản Yamato Tanooka, 7 tuổi được tìm thấy an toàn sau 6 ngày đi lạc trong một khu rừng đầy gấu vì bị bố mẹ bỏ lại để trừng phạt đã gây ra nhiều tranh luận và hé lộ những mảng tối trong việc làm cha mẹ ở Nhật Bản.
Có rất nhiều tranh luận đã dấy lên sau khi câu chuyện của cậu bé Yamato Tanooka xuất hiện trên báo chí. Theo đó, cậu bé 7 tuổi này vì tội ném đá vào ô tô đã bị bố mẹ bỏ lại giữa khu rừng ở Hokkaido nơi cả gia đình đi hái rau dại.
Bố mẹ cậu bé sau khi đi được khoảng 500m và quay lại thì đã không tìm được con nữa. Họ thừa nhận rằng cố tình để Tanooka ở một mình giữa đường rừng, định 5 phút sau sẽ quay lại gặp con. Điều quan trọng là khu vực cậu bé bị bố mẹ bỏ lại được cho là có rất nhiều gấu hoang hung dữ.
Sau khi huy động hơn 180 cảnh sát và nhân viên cứu hộ lùng sục tìm kiếm mà vẫn không tìm thấy cậu bé, cộng đồng mạng ở Nhật Bản đã dấy lên nhiều tranh luận về câu chuyện này cũng như việc thế nào là làm cha mẹ tốt . Họ cũng cùng nhau cầu nguyện cậu bé sẽ được tìm thấy lành lặn và không gặp chuyện gì bất trắc khi lang thang một mình trong một khu rừng với biết bao nguy hiểm.
Một chiều tranh luận cho rằng, hành động của bố mẹ Yamato Tanooka là “tàn nhẫn”, “thiếu lý trí” và “không thể chấp nhận được”; thậm chí họ còn dùng những từ ngữ rất nặng nề như "cha mẹ quái vật", "bạo hành con"...; những người bình tĩnh hơn thì cho rằng, họ là một cặp cha mẹ tồi và việc làm đó là vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ 7 tuổi. Nhiều phụ huynh tham gia tranh luận còn đặt giả thuyết Yamato mất tích không dấu vết thì câu chuyện sẽ tiếp diễn như thế nào và nếu như đây không phải là nước Nhật thì rất có thể bố mẹ Yamato sẽ bị tước quyền nuôi con.
Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng, đó là kiểu trừng phạt thường thấy ở cha mẹ Nhật, kiểu trừng phạt hà khắc mà cha mẹ phương Tây hay cha mẹ Mỹ vẫn thường chỉ trích cha mẹ Nhật. Chỉ là với câu chuyện này, họ không ngờ được rằng, cậu con trai của mình lại liều lĩnh đến vậy và sai lầm khi đã không giữ con trong tầm mắt của mình, và việc phạt con bằng cách này không cũng có thể coi là bình thường. Ví dụ như chia sẻ trên Twitter của nhà phê bình văn học nổi tiếng Nhật Bản Yumi Toyozaki, ông nói: "Tôi từng là một đứa trẻ hay gắt gỏng, nổi giận và không lúc nào ngồi yên, nên tôi thực sự rất cảm thông với hành động của ông bố đã để lại con trai trong rừng một lát để phạt con. Tôi mong mọi người hãy dừng việc lên án anh ta".
Câu chuyện này cũng khiến nhiều người chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu của mình khi bị bố mẹ dọa hoặc để lại một mình ở đâu đó khi họ không nghe lời.
Cha mẹ Nhật nổi tiếng khắp thế giới với tinh thần nuôi dạy con có nhiều điểm ưu việt, họ “buông” con từ rất sớm để rèn con tự lập, bài học quan trọng nhất mà mọi đứa trẻ Nhật Bản được học từ tuổi mầm non là các bài học sinh tồn để đối phó với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như động đất, sóng thần… Hình ảnh những đứa trẻ Nhật Bản có thể tự đi học một mình một quãng đường dài bằng các phương tiện giao thông công cộng khác nhau cũng khiến cha mẹ khắp thế giới thán phục.
Tuy nhiên, trên thực tế dù hình ảnh thường thấy là các bà mẹ Nhật cực kỳ kiên nhẫn với con, thậm chí ở Nhật, trẻ ngủ chung với bố mẹ từ khi sinh ra cho đến khi chúng đi học, có khi kéo dài tới lúc 14,15 tuổi hay những ông bố Nhật dù bận rộn tối tăm mặt mũi thì cuối tuần vẫn dắt con đi chơi công viên thì đằng sau nó vẫn có những ngách tối mà cha mẹ Nhật vẫn bị chỉ trích, đó là cách mà họ phạt con khi con mắc lỗi.
Vậy cha mẹ Nhật thường trừng phạt con như thế nào?
Cha mẹ Nhật, đặc biệt là người mẹ dành rất nhiều thời gian để gắn bó và xây dựng tình cảm thân thiết giữa cha mẹ và con. Người mẹ có một sứ mệnh tối quan trọng là tạo ra mối gắn kết mẹ-con như một và giữ gìn sợi dây gắn bố đó suốt thời thơ ấu của trẻ. Sự gắn bó gần gũi này còn được chú trọng hơn cả việc làm gương, thương lượng và kỉ luật trẻ trong quá trình giúp chúng hòa nhập với những giá trị về đạp đức và xã hội Nhật. Theo truyền thống, người mẹ sẽ dựa vào sự gắn kết tối cao đó để dạy con cư xử phải phép hơn là các phương pháp trừng phạt hay ép buộc. Tuy nhiên, cha mẹ Nhật cũng là những người rất coi trọng "sĩ diện" của bản thân, họ thường cảm thấy không thoải mái khi các con mắc lỗi ở chỗ đông người và làm "mất mặt" mình, khi đó họ thường dùng những lời lẽ rất nghiêm khắc để dạy bảo con.
Ngoài ra, một cách trừng phạt hà khắc khác mà cha mẹ Nhật hay dùng, đó là: sự tẩy chay, hoặc "cách ly", "cô lập" đứa trẻ ra khỏi tập thể, nhóm đông mà nó đang tham gia. Cha mẹ Nhật coi cách trừng phạt này thực sự là hiệu quả bởi đối với bất cứ người Nhật nào, từ một đứa trẻ thì tinh thần tập thể, sự gắn bó và hòa nhập của một cá nhân trong tập thể là một điều cực kì có ý nghĩa và quan trọng.
Trở lại câu chuyện về sự trở về ly kỳ của cậu bé Tanooka, nhiều người nói vui rằng, từ mục đích bạn đầu chỉ định phạt con một mình giữa rừng 5 phút cho nó “nhớ đời” mà chính bố mẹ cậu bé đã nhận được một bài học nhớ đời. Điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng, làm cha mẹ thực sự là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và một công việc vô vàn khó khăn, ngay cả khi bạn là một phụ huynh ở đất nước được cho là có phong cách làm cha mẹ ấn tượng vào hàng bậc nhất thế giới.