Những điều bà bầu lưu ý nếu mắc sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết khi mang thai có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ bầu là ở giai đoạn nào của thai kỳ.
Suốt quãng thời gian mang thai, mẹ bầu phải luôn cẩn thận để bảo vệ mình khỏi các căn bệnh ngoài ý muốn. Một trong số những dịch bệnh đang hoành hành hiện nay khiến hội mẹ bầu lo lắng chính là sốt xuất huyết với tỉ lệ người nhiễm tương đối cao. Vậy nếu không may mắc bệnh này, mẹ bầu cần phải làm gì?
Bị sốt xuất huyết giai đoạn nào khi mang thai nguy hiểm nhất
Câu trả lời đó là ở giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trong các tuần cuối trước khi lâm bồn. Đây là thời điểm nếu mẹ mắc bệnh sẽ gây ra những biến chứng không mong muốn cho thai nhi. Khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo điều kiện cho virus tấn công. Đặc biệt là với những bệnh như sốt xuất huyết thì nhiều người có thể đối mặt với các tình huống nghiêm trọng.
Khi mẹ mắc sốt xuất huyết, virus hoàn toàn có thể lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể cần phải mổ lấy thai nếu chẳng may mắc phải sốt xuất huyết trong thai kỳ.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra, bao gồm:
- Giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa giúp bà bầu đẻ không đau trong quá trình sinh.
- Sinh non, em bé nhẹ cân: Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng.
- Sảy thai: Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
- Xuất huyết: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao; Tiền sản giật khi mang thai.
Phụ nữ mang thai có truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết cho con không
Phụ nữ mang thai nhiễm chủng virus có thể lây sốt xuất huyết sang cho con bởi vì thời gian ủ bệnh thường giao động trong khoảng 3-14 ngày. Thời gian này, virus Dengue có thể truyền từ mẹ sang con.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm sốt xuất huyết từ mẹ trong quá trình sinh hoặc bị muỗi đốt sau sinh. Đây là các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết ngoài tử cung sau sinh. Các trường hợp mang thai gần sinh bị mắc sốt xuất huyết thì cần được theo dõi đặc biệt hơn các đối tượng khác.
Nếu phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể gặp các biến chứng nặng như giảm tiểu cầu, sinh non, sảy thay, tiền sản giật... Vậy nên, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của sốt xuất huyết, bà bầu cần lập tức tới các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ về quá trình điều trị và chế độ sinh hoạt tránh bệnh trở nặng.
Mẹ bầu bị sốt xuất huyết nên ăn, uống gì để nhanh hồi phục
- Để phòng tránh tình trạng mất nước mẹ bầu nên uống oresol hoặc có thể thay thế bằng các loại nước hoa quả như nước chanh, nước cam. Ngoài ra cũng có thể bổ sung nước bằng nước lọc. Nhưng nên uống từ từ, uống nhiều lần thay vì uống cùng một lúc quá nhiều; quá nhanh dẫn đến hiện tượng đầy bụng, có cảm giác buồn nôn.
- Mẹ bầu không nên ăn các loại thức ăn cay nóng; nhiều dầu mỡ gây hiện tượng khó tiêu. Ngăn không cho người bệnh uống trà hay sử dụng các chất kích thích khác.
- Trong thời gian bà bầu bị sốt xuất huyết, nên ăn cháo, súp để dễ tiêu hóa; giảm áp lực lên đường ruột và đồng thời khắc phục cảm giác buồn nôn, chán ăn.
- Các loại rau củ, hoa quả có chứa rất nhiều chất xơ và vitamin tốt cho cơ thể của mẹ. Rau cải, súp lơ, rau mồng tơi,... là những loại rau rất tốt để giúp mẹ cải thiện sức đề kháng. Có thể chế biến các loại rau dưới nhiều hình thức như: rau xào, rau luộc,...
- Nước ép cà rốt, dưa leo, rau má vừa có tác dụng giúp mẹ giảm nhiệt, vừa cung cấp được nhiều loại vitamin cho mẹ.
- Ngoài ra, các loại hoa quả như: nho, táo, đu đủ, chuối, dâu tây,... vừa phù hợp để ép nước, vừa phù hợp để làm sinh tố cho mẹ bầu thay đổi khẩu vị.
- Việc tiêu thụ đường sẽ ảnh hưởng đến quá trình diệt khuẩn của cơ thể. Vì vậy mẹ không nên ăn các loại đồ ăn chứa nhiều đường trong thời gian bị bệnh.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần được theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên. Để ý những lúc sốt cao trên 38,5 độ cần được hạ sốt bằng thuốc theo đơn của bác sĩ; ngoài ra có thể sử dụng một số biện pháp giảm sốt như chườm ấm; nằm chỗ thoáng mát cho cơ thể dễ chịu.
Đề phòng mắc sốt xuất huyết khi mang thai
Mẹ bầu hãy dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà,...
Bên cạnh đó, hãy đậy kín lu, hồ chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày... để tránh muỗi đốt.
Khi thấy có các dấu hiệu bệnh như: Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ; Nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ); Nôn ra máu hoặc có máu trong phân; Thở nhanh, khó thở; Cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ... hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay.