Bà bầu mắc sốt xuất huyết nguy hiểm ra sao?
25% bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai là phụ nữ mang thai. Nhiều bà bầu lo lắng về sự ảnh hưởng của bệnh với thai nhi.
Sản phụ Hải Loan (25 tuổi, quê Nam Định) mang thai ở tuần thứ 22. Đây là lần mang thai đầu tiên của chị.
Đêm 6/9, thấy có biểu hiện sốt, mệt mỏi, vì lo lắng nên chị Loan vào viện trong đêm. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chị Loan được các bác sĩ cho bù đủ nước, điện giải, theo dõi sát chỉ số trong máu và tình trạng thai. Những xét nghiệm sau đó cho thấy chị Loan bị sốt xuất huyết. Điều chị Loan lo nhất là mắc bệnh khi mang thai sẽ ảnh hưởng đến con.
Một thai phụ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai
Nằm phòng kế bên, chị Bích Hạnh (23 tuổi, Gia Lai) cũng nơm nớp lo sợ vì mắc sốt xuất huyết khi mang thai. Bà bầu mang thai 13 tuần này cũng biểu hiện ban đầu bằng triệu chứng sốt, nhức mỏi cơ thể. Hai vợ chồng chị Hạnh thuê trọ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Biết là "điểm nóng" sốt xuất huyết nên sốt hai ngày, chị vào viện kiểm tra luôn.
"Hai hôm nhập viện đến nay tôi đã hạ sốt, chỉ mong không ảnh hưởng đến con trong bụng vì đang mang thai những tháng đầu. Ra viện, có lẽ gia đình phải tính chuyện thuê trọ nơi khác", chị Hạnh chia sẻ.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, từ đầu năm đến nay, số ca phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2018. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm, chỉ riêng tháng 8, số lượng bệnh nhân vào viện điều trị nội trú là 66 trường hợp. Mỗi ngày có hàng chục người đến khám và nhiều trường hợp điều trị ngoại trú. Trong số các bệnh nhân nhập viện, 25% số mắc sốt xuất huyết là phụ nữ mang thai.
Bà bầu bị sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Chia sẻ về sự nguy hiểm khi bà mẹ mang thai mắc sốt xuất huyết, BS Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho hay, sốt xuất huyết những ngày đầu rất cao, mệt mỏi, mất nước, mất điện giải sẽ ảnh hưởng đến thai. Sốt cao làm tăng nhịp tim của mẹ dẫn tới tăng nhịp tim của con, sẽ có nguy cơ suy thai.
Các bác sĩ lưu ý, khi có bầu, sức đề kháng của chị em giảm xuống nên dễ mắc bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Đặc biệt, diễn biến bệnh sốt xuất huyết trên thai phụ rất khó lường. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm vì thế nếu nghi ngờ mắc bệnh thai phụ sẽ được nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, tình trạng của thai nhi hàng ngày. Qua đó, bác sĩ đánh giá xem người bệnh có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh,…) vì những ảnh hưởng của nó đối với thai. Một số thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, bệnh sốt xuất huyết dễ khiến bệnh nhân chảy máu, cộng với việc chảy máu trong lúc sinh nở sẽ có thể dẫn đến bệnh nhân bị rối loạn đông máu dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Có nên bỏ thai khi mẹ mắc sốt xuất huyết?
Thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. Trên thực tế, các em bé sinh ra từ bà mẹ bị sốt xuất huyết không bị ảnh hưởng gì. Do đó, khi mắc bệnh, chị em cần bình tĩnh, không nên quá thấp thỏm lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến em bé.
Điều quan trọng nhất là mẹ và thai nhi được theo dõi chặt chẽ, bản thân mẹ không được dùng bất kỳ thuốc gì khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Chuyên gia cũng cho biết thêm đối với bà bầu mắc sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, bù nước đường uống, tăng cường nước ép trái cây. Nếu chưa sốt quá 38 độ C, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.