Những biến chứng nguy hiểm mẹ bầu có thể gặp khi vỡ ối mà không cấp cứu kịp thời
Vỡ ối ở cuối thai kỳ là dấu hiệu sắp sinh em bé. Khi hiện tượng này xảy ra, mẹ bầu đừng chủ quan mà nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
1. Hiện tượng vỡ ối như thế nào?
Theo bác sĩ Thạc sĩ Phạm Ngọc Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), thai nhi trong bụng mẹ được bảo vệ bởi một chiếc túi có chứa đầy dịch lỏng bên trong được gọi là túi ối. Nước ối và túi ối giống như đệm lót giúp bảo vệ thai không bị chèn ép bởi những cơ quan xung quanh, giúp thai có thể xoay trở dễ dàng trong bụng mẹ. Khi màng ối bị nứt bị rách, nước ối từ trong buồng ối sẽ chảy ra ngoài qua cổ tử cung và âm đạo. Vỡ nước ối thường xảy ra khi thai đã đủ tháng, nhưng hiện tượng này đôi khi cũng có thể xảy ra sớm hơn khi thai còn non và rất non, thì đây là một dấu hiệu tiên lượng tương đối xấu nếu tuần thai còn quá nhỏ.
Khi vỡ ối, mẹ bầu sẽ thấy nước chảy ra mà không giống đi tiểu, và không có mùi khai của nước tiểu.
2. Mẹ nên làm gì khi vỡ ối?
Việc đầu tiên mẹ cần làm là hạn chế đi lại, nên nằm xuống và nhờ người thân đưa đến bệnh viện sớm nhất. Lưu ý, nếu trong những tình huống dưới đây, mẹ bầu cần nhập viện ngay lập tức:
- Nước ối có những đặc điểm bất thường như mùi hôi, tanh, có màu đen hoặc lẫn máu, có màu xanh, vàng do bị lẫn vẫn phân su của bé. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm, cần được xử trí kịp thời.
- Trường hợp vỡ nước ối ở giai đoạn thai dưới 37 tuần tuổi cần được nhập viện sớm để tránh dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, nhau bong non, sa dây rốn,... thậm chí có thể gây tử vong cho mẹ và bé.
- Ngoài ra, nếu thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng dưới đây, mẹ bầu cũng cần được nhập viện sớm:
+ Bị sốt, mệt mỏi, thường xuyên đổ mồ hôi.
+ Thai nhi ít cử động hơn.
+ Xuất hiện những cơn đau kéo dài liên tục ở vùng bụng.
Tóm lại, khi vỡ ối, trong mọi tình huống, mẹ bầu nên nhập viện càng sớm càng tốt.
3. Mẹ và bé sẽ gặp phải nguy hiểm gì nếu bị vỡ ối mà không đi ngay bệnh viện?
Thông thường khi vỡ ối thường là đủ tháng, thai đa phần là ngôi thuận thì bác sĩ thấy bà mẹ vào viện trong tình trạng là còn ối, và em bé không có nguy hiểm gì. Ngoài ra nếu không đến viện sớm để bác sĩ hỗ trợ việc sinh nở thì mẹ bầu và bé có nguy cơ nhiễm trùng.
Nhưng có những trường hợp đặc biệt khi ngôi thai bất thường như ngôi ngang, nếu mẹ bầu không biết và nằm xuống khi vỡ ối, để hạn chế nước ối ra ngoài thì có thể dẫn tới tình trạng cạn ối, kèm theo đó nếu trường hợp màng ối vỡ to nước ối ra quá nhiều có thể dẫn tới dây rốn bị chui ra ngoài. Khi đó rất nguy hiểm cho thai nếu dây rốn bị kẹt. Bên cạnh đó nếu hết ối thì đây là điều kiện gây suy thai.
Có 1 trường hợp khác mà có thể kèm theo vỡ ối đó là bệnh lý tiền sản giật. Biểu hiện đó là bụng co cứng rất đau, lúc đó dưới áp lực tử cung thì ối vỡ, thậm chí là rau bong non. Trường hợp này bà mẹ sẽ thấy nước ối ra màu hồng đỏ. Đây là 1 ca cấp cứu nguy hiểm trong sản khoa… Tuy nhiên trường hợp này thường hiếm gặp nhưng trên thực tế là có xảy ra.
Ở phần bài viết này thì bác sĩ nhắc lại đó là khi ối vỡ là nằm ngửa ra gọi trợ giúp người thân, đóng bỉm (người già) và đi thẳng tới viện.
4. Khi mẹ vỡ ối, nhưng tử cung chưa mở đủ để sinh con thì sẽ làm thế nào?
Trong trường hợp khi bà mẹ đã vào viện, các dấu hiệu của bé bình thường (không có dấu hiệu suy thai) thì bác sĩ sẽ theo dõi tiến triển của cổ tử cung. Nếu cổ tử cung tốt thì sẽ cho truyền đẻ chỉ huy để kết thúc sớm cuộc sinh nở. Trường hợp cổ tử cung mở chưa đủ điều kiện sinh nở thì bác sĩ sẽ đợi cho đến 6 tiếng tính từ lúc vỡ ối với hy vọng đó là nước ối chảy ra như thế cũng sẽ giúp cổ tử cung mở tốt hơn.
Tiếp theo bác sĩ cũng sẽ cắm truyền để đẻ chỉ huy. Ngoài ra trong trường hợp đặc biệt khác như thai to, ối cạn mà tiên lượng sinh thường rất khó khăn các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chọn phương pháp sinh mổ. Nhìn chung khi mẹ đến viện, bác sĩ sau khi thăm khám sẽ giải thích tình trạng hiện tại, hướng theo dõi và xử trí tiếp theo cho mẹ và gia đình.
5. Vỡ ối có sinh mổ được không?
Câu trả lời là sinh mổ được. Nhưng nếu vỡ ối mà cổ tử cung tốt, con cân nặng không to, âm đạo rộng rãi, thì không việc gì phải sinh mổ. Bởi vì sinh mổ có nhiều nguy cơ hơn sinh thường, sẹo cũng “ám ảnh" hơn… Trường hợp ối vỡ mà ngôi thế bất lợi, thai to, mẹ có bệnh lý nền… tóm lại là những yếu tố bất lợi cho cuộc sinh thường xuất hiện thì cũng nên cân nhắc mổ sẽ an toàn hơn cho mẹ và con.
Trong thời gian chờ đợi cho hành trình “vượt cạn”, mẹ có thể chuẩn bị một số việc như sau:
- Mẹ bầu nên ăn uống và nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt về sức khỏe.
- Có thể đi lại nhẹ nhàng để “vượt cạn” dễ dàng, thuận lợi hơn.
- Mẹ bầu cần dùng băng vệ sinh khi thấy nước ối tiếp tục rỉ ra, đồng thời thay băng vệ sinh thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ và khô thoáng.
- Để tránh gây nhiễm trùng và nguy hiểm cho bé, không nên dùng tampon và không nên quan hệ tình dục.
- Bên cạnh đó, mẹ bầu và người thân nên kiểm tra về những vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho ngày nhập viện sắp tới.