Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai

Thảo Hương - Minh Nhật,
Chia sẻ

Chuẩn bị một sức khỏe tốt trước khi mang thai sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Meta Content NỀN TẢNG HẠNH PHÚC là dự án đồng hành cùng các bậc cha mẹ Việt và toàn xã hội với mục đích tạo dựng môi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ, góp phần tạo nên một thế hệ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Một đứa trẻ nhận được đủ sự yêu thương và lớn lên trong môi trường hạnh phúc sẽ có khả năng xử lý cảm xúc, tư duy logic và đương đầu với khó khăn hơn là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm.

Với dự án này, chúng tôi mong muốn được lan tỏa thông điệp "Đứa trẻ hạnh phúc là hạt nhân của một xã hội bền vững". Đây không chỉ là nhiệm vụ trực tiếp của bố mẹ mà cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội.

Vì sao cần chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi mang thai

Mang thai là một quyết định quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc sống của người mẹ. Khi có em bé, hệ thống miễn dịch của cơ thể người mẹ sẽ hoạt động kém hơn bình thường, nguy cơ nhiễm bệnh cũng vì vậy mà tăng lên. Bởi vậy, các chị em nên xây dựng một sự khởi đầu hoàn hảo cho cả mẹ và bé ngay từ khi bạn có kế hoạch sinh con nhé!

Dưới đây là danh sách "vàng" những việc cần làm trước khi mang thai giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 1.

Đối với danh sách trên, các mẹ cần chú ý một số điều để vừa đảm bảo hiệu quả vừa mang lại niềm vui cho mình trong thời gian chuẩn bị mang thai:

1. Sàng lọc, khám tổng quát

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 2.

Đối với mẹ bầu nói riêng và các bậc bố mẹ nói chung, dị tật thai nhi luôn là nỗi ám ảnh. Tại Việt Nam, số trẻ bị dị tật bẩm sinh ước tính chiếm khoảng 2 - 3% trong tổng số em bé được sinh ra. Có nhiều nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh, bao gồm di truyền, bố mẹ làm việc trong môi trường độc hại, hay quá trình mang thai mẹ bị mắc bệnh,… Trong đó, yếu tố di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất.

Và để phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi thì các mẹ bầu nhất thiết phải áp dụng quy trình sàng lọc trước sinh. Có thể nói, quy trình này thực sự quan trọng, bởi sẽ giúp phát hiện những trường hợp thai nhi bị dị tật. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp can thiệp sớm nhất và phù hợp nhất.

2. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 3.

- Đối với người mẹ: Người mẹ cần chuẩn bị chế độ dinh dưỡng trước khi có ý định mang thai từ 3 – 6 tháng để quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi. Cụ thể, mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn không có lợi cho cơ thể như thức ăn nhiều dầu mỡ, đường, muối... Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung axit folic, sắt và canxi. Mẹ có thể bổ sung các chất dinh dưỡng này trước khi mang thai từ các loại rau lá xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau chân vịt, bông cải xanh, thịt nạc, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa.

- Đối với người bố: Bố cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm giàu axit folic, kẽm, selen, vitamin C nhằm thúc đẩy cơ quan sinh sản sản xuất nhiều tinh trùng khỏe mạnh. Ngoài ra, bố nên tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia...

3. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 4.

Để có một sức khỏe tốt trước khi mang thai, vợ chồng nên duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Hai người cũng nên chú ý đến môi trường làm việc. Nếu tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm, chất phóng xạ, hóa chất có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của mẹ, thậm chí thai nhi có thể bị dị tật, sảy thai...

Cả mẹ và bố đều nên giữ tâm lý ổn định khi muốn thụ thai. Nếu liên tục có những suy nghĩ tiêu cực, hai người nên chia sẻ cho nhau hoặc nói chuyện với bạn bè, người thân... để tìm ra giải pháp tốt nhất.

4. Chế độ vận động lành mạnh

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 5.

Mẹ sẽ dễ dàng thụ thai hơn nếu có trọng lượng cơ thể lý tưởng, được xác định bởi chỉ số BMI (là chỉ số khối cơ thể, thường được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể). Chỉ số này được tính theo công thức: BMI = W/ [(H)2]. Trong đó: BMI đơn vị thường dùng là kg/m2; W là cân nặng (kg); H là chiều cao (m). Một người có chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng 18,5 - 24,9, con số này cho thấy bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng.

Phụ nữ có chỉ số BMI cao có nhiều nguy cơ bị biến chứng trong thời kỳ mang thai hoặc chuyển dạ. Tương tự như vậy, những người có BMI thấp có thể sẽ sinh con nhẹ cân.

Nếu mẹ đang có lịch trình tập thể dục đều đặn, đó là sự hoàn hảo! Nếu chưa, thì mẹ nên bắt đầu. Mẹ có thể bắt đầu với các bài tập thể dục thường xuyên như yoga, aerobics, hoặc bơi lội… để làm tăng sự linh hoạt. Nếu mẹ không có thời gian cho bất kỳ chế độ tập nào như trên, có thể nên xem xét đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.

5. Tiêm chủng đầy đủ

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 6.

Khi đang chuẩn bị có ý định mang bầu, các mẹ nên đi tiêm ngừa những loại vắc xin sau vì an toàn cho cả mẹ và con.

- Sởi, quai bị, Rubella: Nếu mẹ mắc 1 trong 3 bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn đến thai nhi, có nguy cơ khiến thai bị dị tật, suy dinh dưỡng thai, chết lưu hoặc sinh non... Vì vậy khi có kế hoạch sinh con, các mẹ nên tiêm các mũi này 3-6 tháng trước khi mang bầu.

- Cúm: Phụ nữ mang thai nhiễm cúm nặng có thể tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và có thể có biến chứng nghiêm trọng về phổi, đặc biệt ở những phụ nữ có tiền căn hen phế quản hay tiểu đường. Phòng lây nhiễm bằng vắc xin phòng cúm có hiệu lực bảo vệ từ 70-80%. Riêng vắc xin cúm thường nên nhắc lại hằng năm, đặc biệt với những phụ nữ có tiền căn hen phế quản hay tiểu đường.

- Thủy đậu: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản vắc xin thủy đậu cho những người chưa tiêm đủ hoặc một liều nhắc lại nếu đã tiêm đủ để phòng bệnh cho những phụ nữ trước khi có thai.

- Viêm gan siêu vi B: Vắc xin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Để tránh trường hợp nhiễm bệnh, phụ nữ cần đi xét nghiệm viêm gan B và tiêm phòng đầy đủ.

- HPV: Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên xem xét đến việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Vắc xin này bao gồm 3 mũi, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai. Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp nếu muốn hoàn thành việc phòng ngừa này trước khi có bầu.

6. Bổ sung các loại vitamin

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 7.

Thời điểm lý tưởng nhất mà các chuyên gia khuyên nên bổ sung các loại vitamin là 1 tháng trước khi bạn dự định mang thai. Những tuần đầu tiên là thời điểm thực sự rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Bổ sung axit folic và các vitamin khác trước khi sinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh:

- Axit folic: Loại vitamin này làm tăng lưu thông máu và làm giảm nguy cơ thiếu máu trong thời kỳ mang thai. Quan trọng nhất nó làm giảm nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh và chậm phát triển của thai nhi. Acid folic cũng rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ và cột sống. Uống bổ sung hàng ngày với ít nhất 400 microgam axit folic hoặc nhiều hơn theo kê đơn của bác sĩ.

- Sắt: Sắt giúp cơ thể bạn tạo máu để cung cấp oxy cho thai nhi. Sắt có thể làm giảm nguy cơ thiếu máu và ngăn ngừa tình trạng sinh non, thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Bạn cần thêm 27 miligam sắt mỗi ngày trong thời kỳ mang thai để hỗ trợ tăng lượng máu của bạn và cho thai nhi đang phát triển.

- Vitamin B6: Các loại vitamin trước khi sinh thường chứa vitamin B6, có thể giúp giảm triệu chứng ốm nghén. Lượng B6 được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai - 1,9 miligam/ngày.

- Canxi: Canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ suy giảm mật độ xương của bà bầu và giúp thai nhi phát triển tốt hơn. Bổ sung canxi trước khi sinh cũng làm giảm nguy cơ tiền sản giật. Bạn cũng cần khoảng 1.000 mg canxi mỗi ngày cả trước và trong khi mang thai.

- Axit béo omega-3: Chúng là chất béo, không phải vitamin, nhưng axit béo omega-3 đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của não và mắt của bé.

- Iốt: Trong thời kỳ mang thai, iốt giúp phát triển não bộ và hệ thần kinh của em bé. Thiếu iốt cũng có liên quan đến suy giáp ở mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Theo một nghiên cứu, phụ nữ dùng vitamin bổ sung iod trước và trong khi mang thai có thể giúp em bé sinh ra có chỉ số IQ cao hơn và sức khỏe tốt hơn.

Danh sách "vàng" những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai - Ảnh 9.

 

Chia sẻ