Nhìn "con nhà người ta" chơi thể thao "nhoay nhoáy", hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình

Cát Tường,
Chia sẻ

Trong khi các cha mẹ Việt ráo riết cho con đi học thêm tiếng Anh, học năng khiếu hay học chữ thì trẻ em nước ngoài lại được hoàn toàn tự do vui chơi ngoài trời, được vận động, chơi thể thao... bởi với họ, giáo dục thể chất mới là môn quan trọng hàng đầu cho trẻ nhỏ.

Sinh ra được một đứa con, hẳn cha mẹ nào cũng dành rất nhiều tâm huyết để nuôi dưỡng con nên người. Thế nhưng phương pháp dạy con của các phụ huynh không phải ở nơi nào cũng giống nhau. Bởi khác hẳn với "văn hóa nhồi đủ thứ" từ ăn uống cho đến học hành bằng cách cắm đầu cắm cổ vào sách vở mỗi ngày của cha mẹ Việt, phụ huynh ở nước ngoài lại thoải mái để con trải nghiệm hơn. "Con nhà người ta" có thể được tự do vui chơi ngoài trời, vận động, giáo dục thể chất, chơi thể thao không ngừng nghỉ dựa trên sở thích, đam mê của mình.

Những vận động viên nhí siêu đẳng

Cô bé Chandler King, 10 tuổi, đến từ nước Mỹ từng khiến cả thế giới kinh ngạc với hình ảnh cơ bụng 6 múi của mình. Đó là kết quả của một quá trình tập luyện với cường độ 30 giờ mỗi tuần của cô bé từ khi khám phá ra đam mê đặc biệt của mình vào năm 3 tuổi. Chandler được nhận định là một trong những vận động viên nhí tiềm năng, sẽ trở thành một ngôi sao Olympic trong tương lai.

Chandler King, tuy mới 10 tuổi nhưng đã được thể thao thế giới chú ý và được nhận định sẽ trở thành một ngôi sao Olympic trong tương lai.

Điều đáng nói là cô bé Chandler sẽ không có ngày hôm nay, nếu như bố của cô bé – anh RJ King – không biết cách khuyến khích con phát triển sở thích, đam mê của mình từ khi còn bé xíu. "Tôi nhớ khi đó con bé khoảng 3 hay 4 tuổi và vẫn chỉ đơn thuần làm những động tác nhào lộn quanh nhà. Nhưng khi con bé lên 6 tuổi, xem xong bộ phim "Gabby Douglas Story" thì thái độ và sự tập trung vào các môn thể thao thực sự thay đổi. Câu chuyện trong đó đã truyền cảm hứng đến Chandler. Tôi nhớ con bé nói: "Đó là những gì con muốn làm, con muốn tham dự Olympics"", anh RJ từng trả lời phỏng vấn.

Nhìn con nhà người ta chơi thể thao nhoay nhoáy, hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình - Ảnh 2.

Cô bé Chandler được sống với đúng đam mê thể thao của mình.

Nhìn con nhà người ta chơi thể thao nhoay nhoáy, hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình - Ảnh 3.

Nhìn con nhà người ta chơi thể thao nhoay nhoáy, hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình - Ảnh 4.

Mới 10 tuổi, Chandler đã có cơ bụng 6 múi mà bao nhiêu người mơ ước.

Sau đấy, anh RJ King đã nuôi dưỡng đam mê của con gái bằng cách cho Chandler tham gia một phòng tập gym của địa phương – nơi các huấn luận viên nhận xét Chandler có kỹ năng phát triển hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng độ tuổi của mình. Và anh RJ đã quyết tâm chuyển cả gia đình từ Michigan đến Texas sinh sống để đảm bảo cho Chandler có điều kiện phát triển bản thân tối đa với những người thầy tốt nhất và những công cụ tốt nhất. Song song với việc tập luyện, Chandler vẫn được đảm bảo các giờ học văn hóa của mình.

Cũng giống như quan niệm của anh RJ, nhiều bố mẹ cũng không ngại trao cho con cơ hội được phát triển hết sở thích của mình. Cụ thể, có một video xuất phát từ Trung Quốc từng khiến nhiều mẹ "giật mình thon thót". Trong đó là hình ảnh những em bé khoảng độ 4 tuổi ngồi trên xe thăng bằng, đầu đội mũ bảo hiểm, chân gác lên cao và để xe chạy tự do qua những mô đất nhấp nhô, ngoằn nghèo.

Nhìn con nhà người ta chơi thể thao nhoay nhoáy, hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình - Ảnh 5.

Điều đáng lưu tâm nhất là vẻ tự tin, thích thú làm chủ cuộc chơi đầy mạo hiểm của cô, cậu bé trong clip. Và để có được những kỹ năng chơi thể thao "nhoay nhoáy" với cách lướt xe ngoạn mục, điêu luyện như vậy, chắc chắn những đứa trẻ đã được bố mẹ tạo điều kiện rất nhiều để thực hiện sở thích của mình.

Nhìn con nhà người ta chơi thể thao nhoay nhoáy, hẳn các mẹ sẽ giật mình thon thót khi nghĩ đến con nhà mình - Ảnh 6.

Nhiều bố mẹ Việt khi chứng kiến màn chạy xe này đã không khỏi để lại bình luận trái chiều: "Muốn rớt tim quá!", "Hơi mạo hiểm đấy!", "Đùa với tử thần có ngày "mài răng"!", "Nguy hiểm quá!"... Những ý kiến này chắc chắn cũng thể hiện phần nào suy nghĩ của phần lớn bố mẹ Việt khi không muốn trao cho con cơ hội được chơi những trò mạo hiểm hay chệch khỏi con đường định hướng của bố mẹ.

Bởi thực tế, có không ít đứa trẻ suốt ngày phải cắm đầu cắm cổ vào sách vở để học kiến thức văn hóa từ khi còn rất nhỏ, lao theo thành tích và những đam mê khám phá, trải nghiệm cũng bị dập tắt. Nhiều đứa trẻ này cũng bị đè nặng bởi quan niệm nuôi con béo khỏe, cao lớn bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt, luôn phải ăn uống trong trạng thái căng thẳng, ép buộc bằng mọi cách để nạp vào lượng chất cần thiết. Mà bố mẹ đã quên mất việc giáo dục thể chất, nuôi dưỡng phần cảm xúc hay tinh thần cho trẻ.

Bởi điều trẻ thực sự cần là việc được thấu hiểu nhu cầu thực sự của bản thân, những giờ vận động vui chơi ngoài trời, tích cực chơi thể thao, tập luyện thể dục, giáo dục thể chất để có một nền tảng khỏe mạnh, tự tin ứng phó với mọi vấn đề trong cuộc sống.

Trao cho con quyền được vận động, sống hạnh phúc

Nếu một đứa trẻ liên tục bị đóng khung trong những "chiếc hộp bê tông" từ nhà đến trường, không được vui chơi, chạy nhảy hay tiếp xúc với cuộc sống muôn màu bên ngoài, đến một ngày, những đam mê, sở thích của trẻ sẽ tắt hẳn. Trẻ sẽ chẳng biết hạnh phúc thật sự là điều gì nữa. Trẻ sẽ luôn phải núp bóng dưới sự bảo vệ, canh chừng thái quá, nhồi nhét đủ thứ của bố mẹ giống như một con robot được lập trình sẵn.

Không phải ngẫu nhiên ở Nhật giáo dục thể chất luôn được coi trọng hàng đầu, thay vì môn toán hay ngoại ngữ. Tại các trường học của Nhật Bản, điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy đó là các câu lạc bộ, các hoạt động thể dục thể thao xuất hiện khắp nơi, từ mẫu giáo cho đến tiểu học và các cấp học lớn hơn. Theo quan niệm của người Nhật, một sức khỏe tốt sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển tất cả những phương diện khác của trẻ, đồng thời rèn luyện tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sức chịu đựng, sự kiên trì, lòng tự tin và quan trọng là có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt.

Và hãy nhìn cách người Nhật giáo dục trẻ nhỏ trong video dưới đây, không đao to búa lớn nhưng khi được bố mẹ trao cho trẻ quyền được tự do vận động, chơi đùa, sau những cú ngã, sau những thất bại lùi bước là những chàng trai, cô gái tự lập, kiên cường, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Ấy cũng là những bài học cần thiết để trẻ lớn lên.

Trẻ em ở Okinawa - Nhật Bản ngay từ nhỏ đã được giáo dục thể chất, chinh phục cả ngọn đồi cao.

Vai trò của bố mẹ trong cuộc đời con hãy nên là người bạn đường bên cạnh, đưa ra những chỉ dẫn khi cần thiết chứ không phải là áp đặt, phê phán hay chỉ trích. Hãy giúp con tìm ra những điều con quan tâm, sở thích riêng của mình bằng cách tạo điều kiện cho con được trải nghiệm nhiều lĩnh vực đa dạng như thể thao, âm nhạc, bảo tàng, du lịch, trò chơi... Đó là cách bố mẹ giúp con tự định hướng được lựa chọn trong tương lai và sau đó nên kỳ công nuôi dưỡng giấc mơ riêng của con. Thay vì nhồi nhét con theo những kỳ vọng của bố mẹ, hãy trao cho con cơ hội được sống hạnh phúc thực sự.

Giống như có một phụ huynh tên Kim Yến từng chia sẻ rằng: "Chưa chắc con mình hay đánh trống là nghĩ rằng nó đam mê đánh trống cả đời. Hôm nay con mê xếp Lego nhưng có thể sau này nó trở thành thợ máy. Theo tôi, con mình làm nghề gì không quan trọng. Điều quan trọng là con mình thấy hạnh phúc vì điều con muốn làm, thế là được rồi".

Hay như anh RJ – bố của cô bé Chandler – đã từng trả lời trước câu hỏi liệu có sợ nếu như một ngày nào đó Chandler đánh mất đam mê, hứng thú với bộ môn Gym hay không, rằng: "Tôi không hề sợ tương lai ấy, bởi ít nhất hiện tại, Chandler đã tìm được điều con bé thực sự yêu thích và sống tận cùng với đam mê của mình. Trên hành trình này, con bé đã học được thái độ lao động nghiêm túc, trách nhiệm, cách suy nghĩ đúng đắn rồi, nên dù sau này có chọn lựa hướng đi nào nữa, tôi cũng tin sẽ chẳng có vấn đề gì cả".

Hẳn nhiên, hạnh phúc, sự say mê hứng thú của con mới là điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần nuôi dưỡng trên hành trình cùng con trưởng thành.

Chia sẻ