Nghiêm khắc, con vẫn nói dối

Huỳnh Dịch,
Chia sẻ

Tuy chiều con là thế nhưng ngay từ khi bé còn nhỏ, anh chị không hề dễ dãi với con, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính trung thực. Vậy mà, cu Bi cứ thường xuyên nói dối bố mẹ.

Đau đầu vì con hay "đổ lỗi"

Vợ chồng chị Lam Anh (Ngõ Huyện, Hà Nội) nổi tiếng là một gia đình chiều con "bài bản". Người nhỏ, sức khỏe lại không được tốt lắm, mãi sau 2 năm lấy chồng, chị mới “dính bầu”. 

Cả hai đều rất thành đạt, mỗi người có một công ty riêng nên vấn đề về kinh tế không còn quá quan trọng. Điều kiện có lại rất chiều con, chẳng thứ gì cu Bi đòi mà anh chị hờ hững. Từ đồ ăn thức uống tới đồ chơi, quần áo… bất cứ thứ gì cũng phải “chuẩn”, phải hàng hiệu. 

Tuy chiều con là thế nhưng ngay từ khi bé còn nhỏ, anh chị đã không hề dễ dãi với con, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính trung thực. Vậy mà oái oăm thay, cu Bi cứ thường xuyên nói dối bố mẹ.

Năm nay cu Bi 4 tuổi, trông bé vạm vỡ, phổng phao hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Một hôm, chị tìm mãi thỏi son mà không thấy. Sang phòng khách tìm chị thấy choe choét vết son vẽ loằng ngoằng trên tường. 

Tiếc cây son đắt tiền và bức “họa phẩm” vô duyên không đúng chỗ, chị sang mắng Bi, bé khóc òa lên và đổ ngay tội cho anh Long – con trai chị gái chị. 

Nghiêm khắc, con vẫn nói dối 1
Mẹ càng nói thì con càng khóc (Ảnh minh họa)

Chị biết tỏng là Bi đang chối tội bởi đã hơn tuần nay bé Long không sang chơi. 

Rồi tối hôm đó, chị phát hiện trên giường toàn kiến là kiến, xem xét một hồi, anh chị mới biết nguyên nhân là thỏi sô cô la cắn dở bị rơi ở chăn. 

Toan mắng Bi thì bé cũng lại giở bài cũ: khóc và đổ lỗi cho anh Long. Anh chị khá lo lắng nghĩ rằng: "Yêu chiều có, nghiêm khắc có mà con còn hư thế này. Mới tí tuổi đầu đã tập tành dối trá, lớn thì thế nào đây?"

Một trường hợp khác, Mí (5 tuổi) đang rất ngoan, gọi dạ bảo vâng vậy mà dạo này bé liên tục nói dối bố mẹ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Chị Thái (Hàng Nón, Hà Nội) bực mình vô cùng và quát con rất nhiều. Nhưng càng quát thì Mí càng "lộng hành".

Giúp con nhận ra sai lầm

Ở tầm tuổi mầm non, con trẻ đã hình thành ý thức, tư duy, trách nhiệm của bản thân. Đứng trước những tình huống này cha mẹ nên xem lại bản thân mình. 

Con trẻ là một tấm gương phản chiếu tính cách, lời nói của cha mẹ trong đó. Như trường hợp chị Lam Anh chẳng hạn. Khi ngồi nói chuyện, phân tích cho con hiểu, chị mới biết mình chính là “thủ phạm” gieo vào đầu con tật nói dối. 

Có bao lần, bạn chị gọi điện đến nhà để rủ đi chị shopping, chị toàn dặn Bi là: "Nếu cô A. gọi điện, con bảo mẹ không có nhà nghe chưa?”

Có lần, bé lỡ tiết lộ thông tin mẹ có nhà, cả chiều đó, Bi bị mẹ nhiếc: “Lớn đầu mà chẳng khôn, dặn thế rồi cơ mà”. Chị Lam Anh không hề nghĩ rằng, tất cả những câu nói, mẩu chuyển của cha mẹ, Bi đều “hấp thu” một cách trọn vẹn. 

Trước hết là làm gương, thứ hai, cha mẹ nên nói chuyện, phân tích cho con hiểu về tầm quan trọng của việc nói lên sự thật. Khi nói điều gì với bé, bạn nên thành thật với con và nhấn mạnh, bạn cũng muốn con luôn thành thật với cha mẹ.

Hãy khen thưởng, ôm hôn, tặng quà khi bé trung thực. Nếu cha mẹ sử dụng hình phạt nghiêm khắc thì điều này chỉ làm tính dối trá của con tăng lên mà thôi. 

Cũng như chị Thái ở trường hợp trên, chị Liên Hà (Võ Thị Sáu, TP HCM) cho rằng: “Trước đây, cứ khi nào con nói dối, vợ chồng mình lại la rầy con, thậm chí là đánh đòn nhưng chung quy, điều đó không làm bé thôi tật xấu này. Nhưng khi mình bình thường hóa vấn đề đó và chỉ nghĩ rằng con đang giàu trí tưởng tượng, và phân tích cặn kẽ thì bé lại như hiểu được vấn đề và dần thành thật với cha mẹ hơn”. 

Nhớ lại, trước đây, con cứ gây ra “tội gì” thì y như rằng sẽ đổ lỗi cho con mèo trong nhà làm. Chị stress vô cùng, chị tìm đến chuyên gia thì họ khuyên rằng cha mẹ nên hiểu là con chỉ đang tìm cách chối tội và không muốn đương đầu với những lời quát tháo của cha mẹ mà thôi. Những lúc như thế phụ huynh nên dùng các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn về nói dối để con biết nói dối và đổ lỗi cho người khác là không tốt. 

Tóm lại, trẻ nói dối chỉ vì quá sợ. Vì vậy, bậc phụ huynh không nên khiến con sợ, nếu để con sợ quá thì sẽ luôn có tư tưởng đối phó. Làm bạn với con là một cách thức nuôi dạy con số 1 trong trường hợp này, cha mẹ nên sắm vai người bạn, người anh, người chị chia sẻ những ý nghĩ tích cực với con.

Cha mẹ phải là chỗ dựa tình thần quan trọng nhất cho con. Và điều quan trọng hơn cả là dù con có mắc lỗi thế nào, cha mẹ cũng đừng bao giờ đổ hết trách nhiệm, dồn mọi sự bực tức lên đầu con. Đó là cách tốt nhất để bé hiểu ra vấn đề và trở thành một đứa trẻ thật thà, dũng cảm, biết nhận lỗi. 



Những đứa trẻ được chiều chuộng, cung phụng quá mức thường sẽ chỉ biết đến bản thân.
Nghiêm khắc, con vẫn nói dối 2

Chia sẻ