“Chiều quá là hỏng con!”

Như Ý,
Chia sẻ

Những đứa trẻ được chiều chuộng, cung phụng quá mức thường sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên.

Con ích kỷ: Lỗi lớn là của người lớn

“Của Tít, đưa ngay đây”… Nghe tiếng thằng cu Tít đang gào lên giằng đồ chơi với đứa con của bạn thân mình ngoài phòng khách, chị Hoài Thu (Lĩnh Nam, Hà Nội) đang pha trà trong bếp lật đật chạy ra. 

Đây không phải lần đầu Tít tỏ rõ “lãnh thổ” của mình như thế này, Tít đã 6 tuổi và đã đi học mẫu giáo nhưng dường như cu cậu vẫn chưa biết cách chia sẻ đồ chơi với mọi người.  

Nhưng chị biết “lỗi lớn” vẫn thuộc về bà nội. Chả là, bà có tính tiết kiệm, bố mẹ hay ông bà có mua cho Tít đồ gì thể nào bà cũng dặn dò kỹ lưỡng phải giữ gìn và nhất là: “Món đồ này đắt lắm đấy, cháu đừng cho bạn bè hay ai sờ vào, hỏng thì phí, hiểu chưa?”

Thế nên, càng lớn bé càng ky, lúc nào cũng bo bo đồ chơi của mình là của riêng và chỉ mình mới được đụng vào. Bát chè cái kẹo đã là của Tít thì sẽ là của Tít, em ruột cũng không được sờ vào. Rồi những đứa trẻ cùng khu “tẩy chay” Tít chỉ vì ky bo quá thì chị mới đâm hoảng. 

Nhà chị Liễn (Đường Thành, Hà Nội) cũng vậy, ai cũng khen chị đẻ khéo bởi bé Na (5 tuổi) rất xinh xắn, cao ráo. Chị có 3 đứa con, sinh hai bé đầu đều là trai, vợ chồng chị hàng ngày mong sao sinh được cô công chúa nhỏ, may mắn lần sinh hạ thứ 3 được Na – xinh xắn, đáng yêu vô cùng. 

“Chiều quá là hỏng con!” 1
Dù đúng hay sai nhưng nếu bé mách anh trêu thế nào bố cũng chạy ra bênh chằm chặp (Ảnh minh họa)

Có lẽ vì điều này mà Na được cả nhà yêu chiều cưng nựng hết mực. Nhất là bố, có đồ gì hay, đi công tác nước ngoài bố đều mua cho con gái rượu, hai cu anh chưa chắc đã có. 

Nhà có miếng ngon gì cũng phần cho bé. Bé suốt ngày được mọi người vỗ về, ôm bế,… Dù đúng hay sai nhưng nếu bé mách anh trêu thế nào bố cũng chạy ra bênh chằm chặp

Na rất hay mè nheo, đòi hỏi và ít khi để ý đến người khác, thích gì là đòi nằng nặc. Một lần anh đang viết bài, Na chạy ra giật lấy sách, thấy anh đòi lại không được bé càng được thể thích thú, cười trêu. Anh trai ra mách thì bố nói nhẹ nhàng: “Na trả sách anh”, thấy bố không hưởng ứng mình, bé quay ra xé sách rồi hậm hực trở về phòng. 

Rồi nếu bố có khen anh trai ngoan thì Na lập tức khóc toáng lên và bảo “con ngoan sao bố không khen?” 

Anh chị ngán ngẩm: "Đúng là chiều quá là hỏng con!".

Qua nhiều hành động, anh chị biết tính ích kỷ đang lớn dần trong con. Chiều chuộng sai cách đôi khi chính bố mẹ đã vô tình biến con thành người sống ích kỷ, vô tâm mà không biết. 

Những đứa trẻ được chiều chuộng, cung phụng quá mức thường sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên.

Dạy con đúng cách

Chị Trà Mi (Quận 1, TP HCM) khẳng định rằng “chiều chuộng quá sẽ khiến con ngày càng hư”. Bé Bờm nhà chị năm nay được 5 tuổi, Bờm đã biết chăm em, chơi đồ chơi với em. Đương nhiên được ngày hôm nay không phải là "tự nhiên sinh ra là thế". Trước Bờm là con 1, được cưng chiều nhưng khi chuẩn bị có em bé, chị Mi đã nghiên cứu nhiều cách để giúp con chan hòa, biết chia sẻ hơn.

Chị luôn dạy con một số nguyên tắc cơ bản là: “Chờ tới lượt, chia sẻ đồ chơi, thức ăn với bạn khác”

Và khi bé thứ 2 ra đời, chị áp dụng biện pháp “đặt chuông”, cứ 15 phút chơi món này, Bờm sẽ chủ động ra chuyển cho em chơi, Bờm chơi cái khác. Cứ thế càng ngày bé càng biết yêu em và nhận ra rằng “chơi theo nhóm vui vẻ như thế nào”. 

Hơn thế, vợ chồng chị đề ra nguyên tắc “phải làm gương thì bọn trẻ mới nghe lời”. Ví dụ, anh chị hay kể cho bé nghe rằng hôm nay ở cơ quan, bố mẹ đã đóng góp ủng hộ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn này, rồi khi trên tivi phát động phong trào ủng hộ quyên góp gì thì anh chị sẽ bảo con cùng nhắn tin ủng hộ và gom đồ chơi cũ tặng lại các bạn nhỏ. 

Anh Thái Toàn (Nam Thành Công, Hà Nội) thường xuyên cho con đi ra công viên, khu công cộng chơi. Anh bảo: “Đây chính là cách rèn luyện con tính chia sẻ, không ích kỷ tốt nhất. Tại đây, nếu con chỉ bo bo đồ chơi của mình, đứng im lặng thì chẳng ai chơi cùng con. Con phải chia sẻ, phải hòa đồng thì bạn bè mới mến mới yêu”. 

Anh nhấn mạnh rằng, vui chơi cùng bạn bè thường xuyên giúp bé xây dựng lòng tin giữa những người bạn và một khi đã tin, bé sẽ không ngại chia sẻ.



Tối qua con trai bỗng bảo: “Mẹ ơi, con không yêu ông bà ngoại đâu, chỉ yêu ông bà nội thôi”.
“Chiều quá là hỏng con!” 2
Chia sẻ