Nếu cha mẹ còn giữ quan niệm sai lầm này khi tắm cho con, rất có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của bé
Trẻ sơ sinh vốn non nớt và nhạy cảm nên việc tắm cho con cũng cần chú ý thật cẩn thận để không gây hại cho bé.
Chắc hẳn các bậc cha mẹ đã từng nghe người xung quanh truyền miệng nhau, rằng tắm cho con bằng nước nóng già có thể ngăn ngừa và phòng trị cảm lạnh. Thực tế đây là một quan niệm vô cùng sai lầm. Nó sẽ gây hại cho sức khỏe của bé, đặc biệt có thể làm tổn thương đến cơ quan sinh sản của con!
Đối với các bé trai, tinh hoàn là một bộ phận rất nhạy cảm, yếu ớt và nằm bên ngoài cơ thể. Nhiệt độ nước tắm quá nóng dễ gây tổn thương tinh hoàn, mà tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng nên về lâu về dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của bé.
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng (Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) cho biết chức năng của tinh hoàn chỉ có thể hoạt động tốt khi ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn với nhiệt độ cơ thể từ 2-4 độ. Khi tắm nước nóng ở nhiệt độ cao, bộ phận sinh dục phải tiếp xúc với nhiệt độ cao, nếu tắm lâu sẽ gây tổn thương chức năng tinh hoàn rất lớn. Tăng nhiệt độ tinh hoàn sẽ làm sự sản sinh tinh trùng bị tổn thương thông qua việc làm chết các tế bào mầm (germ cell apoptosis) và làm giảm sự sản xuất lượng hormone nam – testosterone.
Khuyến cáo của các bác sĩ là không nên tắm cho trẻ ở nhiệt độ quá cao, đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước nóng quá lâu. Thói quen này lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của các bé trai.
Hơn nữa, làn da của bé rất mỏng manh nên nước tắm quá nóng còn khiến da bé bị bỏng, kích ứng, đỏ ửng và bong tróc, khô nẻ.
Vậy, cha mẹ cần lưu ý những gì khi tắm cho bé?
Nhiệt độ nước phù hợp
Nhiệt độ nước tắm là một yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bé. Trẻ càng nhỏ thì cha mẹ càng cần phải chú ý kỹ càng đến vấn đề nhiệt độ nước tắm. Tốt nhất là bạn nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước tắm của con được chính xác. Nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 37-38 độ, độ ấm ấy sẽ khiến trẻ được thư giãn và thoải mái nhất.
Mực nước vừa vặn
Cha mẹ chớ coi thường tầm quan trọng của mực nước tắm. Bởi nếu mực nước trong chậu tắm quá sâu, nếu trẻ sơ sẩy trượt ngã vào trong, nhẹ thì bị sặc nước, nặng hơn là bị ngạt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng bé. Do đó, để đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ phải duy trì một mực nước tắm trong chậu vừa vặn và không được ra ngoài rồi để con nhỏ tự chơi trong chậu tắm một mình.
Không tắm quá lâu
Nhiều đứa trẻ khi tắm rất thích mang đồ chơi vào chơi đùa với nước. Song điều đó lại có khả năng khiến trẻ bị cảm lạnh. Cơ thể trẻ còn nhỏ bé, yếu ớt, dễ bị hạ nhiệt nếu ngâm trong nước quá lâu. Cha mẹ lưu ý, thời gian tắm cho con không nên quá 15 phút.
Không đột ngột thả bé vào chậu nước tắm
Làn da của trẻ nhỏ tương đối nhạy cảm và mỏng manh, sức khỏe và tâm lý của trẻ nhỏ cũng yếu ớt. Vì thế, trong bất cứ vấn đề gì, cha mẹ cũng phải hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng và nâng niu cơ thể con. Nếu đột ngột bị thả cả cơ thể vào trong làn nước, trẻ sẽ bị giật mình, sợ hãi.
Khi tắm cho con, đầu tiên cha mẹ nên rửa mặt cho bé theo thứ tự mắt, mũi, tai, miệng, để não bộ kịp tiếp nhận và thích ứng với những thay đổi của cơ thể. Tiếp đó là gội cho bé: làm ướt tóc, xoa dầu gội đầu chuyên dụng, xoa từ trước ra sau đầu rồi rửa sạch, lau khô. Sau cùng mới tiến hành tắm bé theo thứ tự: cổ đến nách, cánh tay đến lưng, mông, chân đến bộ phận sinh dục.
Không sử dụng sữa tắm của người lớn cho bé
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng bé dùng chung sữa tắm với người lớn cũng được, đâu có ảnh hưởng gì bởi chỉ dùng bên ngoài. Tuy nhiên, làn da của bé còn rất mỏng manh, nhiều thành phần trong sữa tắm của cha mẹ không phù hợp với trẻ, làm da con bị kích ứng. Cha mẹ nên sử dụng các loại sữa tắm chuyên dụng dành cho trẻ em với thành phần lành tính, an toàn hơn.