Trẻ bị bỏng nặng chỉ vì 1 sơ suất rất nhỏ nhưng nhiều cha mẹ mắc phải khi chuẩn bị nước tắm cho con

MT,
Chia sẻ

Cha mẹ rất nên cẩn trọng khi chuẩn bị nước tắm cho con, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến trẻ bị bỏng nặng toàn thân.

Bất cẩn khi chuẩn bị nước tắm cho con

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận bệnh nhi được chẩn đoán bỏng độ II ở các vị trí: Lưng, cánh cẳng tay hai bên, đùi hai bên, hai bên mông và vùng sinh dục... Diện tích bỏng khoảng 12% cơ thể.

Gia đình bệnh nhân nhi cho biết, do sự bất cẩn của người lớn khi lấy nước tắm cho trẻ đã đổ nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh, trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.

Trẻ bị bỏng độ 2 nhiều chỗ trên cơ thể bởi một sơ suất nhiều cha mẹ có thể mắc phải khi chuẩn bị tắm cho con - Ảnh 1.

Em bé này bị bỏng cấp độ 2 do không may ngã vào chậu nước sôi bố mẹ rót ra để chuẩn bị tắm.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh - Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, có nhiều tác nhân gây bỏng cho trẻ nhỏ, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi. Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cẳng cánh tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhi... để lại những di chứng nặng nề.

Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Các ca bỏng nặng thường phải điều trị lâu dài và tốn rất nhiều chi phí.

Bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh cũng chia sẻ rằng trẻ nhỏ vốn hiếu động, do đó cha mẹ phải luôn chú ý giám sát trẻ, lưu ý để những đồ nguy hiểm như phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

Khi trẻ bị bỏng nước sôi việc đầu tiên các gia đình cần làm là phải nhanh chóng để lộ vị trí bị bỏng. Đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Cần làm gì trước tiên khi trẻ bị bỏng?

Hầu hết những ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, địa điểm xảy ra thường là ở nhà, trong bếp, vào buổi sáng hoặc chập choạng tối do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất, pô xe... trong tầm với của trẻ.

Trẻ bị bỏng độ 2 nhiều chỗ trên cơ thể bởi một sơ suất nhiều cha mẹ có thể mắc phải khi chuẩn bị tắm cho con - Ảnh 2.

Theo Bác sĩ Hoàng Văn Quỳnh, cha mẹ nên để ý tới con nhỏ và để trẻ tránh xa những chỗ như nhà bếp và các vật dụng như bàn là nóng, bật lửa...

Nguyên nhân hàng đầu gây bỏng ở trẻ nhỏ là nước nóng. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bỏng thấp nhưng những di chứng như sẹo, giảm chức năng vận động, chấn động tâm lý… do bỏng gây ra cho trẻ và gia đình không phải là nhỏ. Hơn nữa, gánh nặng về tài chính cho việc chữa chạy chấn thương do bỏng cũng khá lớn.

Theo các chuyên gia, nếu trẻ nhỏ bị bỏng, đầu tiên là hãy tách trẻ khỏi thứ gây ra bỏng càng sớm càng tốt. Sau đó nhanh chóng làm nguội vết bỏng bằng cách ngâm chỗ bị bỏng với nước lạnh. Thậm chí ngâm cả người vào chậu nước từ 15 đến 25 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau. Việc rửa nước lạnh có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn. Lưu ý, ngâm nước lạnh trước, cởi quần áo sau, trường hợp quần áo bị dính chặt vào vết thương, đừng tự cố gỡ mà phải nhờ đến bác sĩ.

Một số người thường cho rằng những chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm... có thể làm dịu vết bỏng nhưng điều đó không đúng bởi nó dễ làm vết bỏng nhiễm trùng. Vì vậy, khi trẻ bị bỏng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trẻ bị bỏng nặng chỉ vì 1 sơ suất rất nhỏ nhưng nhiều cha mẹ mắc phải khi chuẩn bị nước tắm cho con - Ảnh 3.

Chia sẻ