Mọi bà mẹ đều có quyền được không hoàn hảo!
Đừng làm một bà mẹ quá hoàn hảo! Đừng quá giỏi giang! Đừng quá tinh tế! Hãy để chỗ cho con lớn!
Đó là quan điểm của chị Thu Hà - bà mẹ của hai cô con gái Xu (9 tuổi) và Sim (7 tuổi) trong một bài viết mới đây đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của các bà mẹ trên mạng xã hội. Có lẽ vì tâm lý chung của các bà mẹ luôn là cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho con, cố gắng để mình thật hoàn hảo trước mắt con nên vô hình chung người phụ nữ nào khi làm mẹ cũng chịu rất nhiều áp lực. Không những thế, tiêu chuẩn hoàn hảo này còn tạo ra những áp lực cho con cái mà người mẹ thường không hay biết.
Trái ngược với tâm lý chung này, mẹ Xu Sim tự nhận mình là một bà mẹ không hoàn hảo: "Tôi chẳng bao giờ phải giấu con những tính xấu của mình. Mẹ cũng tham ăn, lười làm, ham vui, đểnh đoảng, quên trước quên sau". Và chị cũng không có suy nghĩ cố gắng hơn nữa để trở thành một người mẹ hoàn hảo. Khi làm mẹ, chị Thu Hà nhận ra rằng: "Khi tôi chùng xuống cũng là lúc con tôi lớn hẳn lên".
Làm một người mẹ không hoàn hảo, chị Thu Hà tự thấy rằng mình sẽ dễ thông cảm cho cái sai của con hơn, và từ đó con lớn lên cũng dễ bao dung, nhân từ với người khác hơn. Đó mới chính là nguyên nhân sâu xa khiến chị không cố nữa, cố mãi để mình ngày càng hoàn hảo hơn trong mắt con.
Có lẽ đọc bài viết của chị Thu Hà, các mẹ sẽ thấy nhẹ nhõm hơn với trách nhiệm và hành trình làm mẹ của mình:
Nhớ hôm 20/11 vừa qua, Xu và Sim đã đi tham quan rừng Nam Cát Tiên mà không có mẹ đi cùng. Lý do vì tôi bận quá! Nợ nần bài vở và mấy cái kế hoạch đã qua deadline mấy ngày. Thực ra tôi vẫn thu xếp được, nhưng tôi vẫn chọn trốn con ở nhà một mình, vì tôi muốn thế!
Có lần, tôi đọc được câu chuyện về một ông cụ giả vờ đau ốm, giả vờ cần giúp đỡ để giúp đỡ một cô bé vốn rất cô độc. Lớn lên cô bé đó đã viết: “Đó là một cách tuyệt vời để một cô bé non nớt và nhạy cảm như tôi thấy mình thật mạnh mẽ”.
Tôi bỗng nghĩ rằng làm mẹ cũng thế. Ở vị trí trụ cột gia đình, tôi hay cố gắng để mạnh mẽ hết sức có thể. Rồi có lần, ba ngàn tám trăm tỷ vấn đề đổ lên đầu tôi. Hôm đó, tôi đang sửa sang căn hộ mới mua được. Gọi là sửa chứ nó tương đương như xây mới. Tôi để lại có 3 bức tường của căn hộ cũ, làm lại từ bếp, nhà tắm, phòng vệ sinh, sàn, trần, tường, phân chia lại các phòng... Nhà bề bộn, thợ dốt, bố ốm, em trai đòi hỏi, khớp chân khớp tay sưng vù lên, và tiền trong túi thì hết… rồi cộng thêm một chuyện gì đó nho nhỏ nữa… Như nước tràn ly, tôi nằm khóc.
Khi tôi cho phép mình sai thì tôi cũng sẽ dễ dàng thông cảm với những cái sai của con.
Thế là Sim thì lấy khăn giấy cho mẹ, lấy khăn ướt đắp lên trán mẹ. Xu thì massage cho mẹ. Rồi hai đứa dịu dàng bảo mẹ đi ngủ đi. Tụi nó kê gối, đắp chăn cho tôi, còn tụi nó thì nháy nhau dọn dẹp nhà, lau sàn, lau bàn sạch bóng; rồi ngồi học ngoan ngoãn, thỉnh thoảng lại chạy vào sờ trán mẹ, ôm mẹ… Lúc đó, tôi bỗng thấy hai nhóc con nhà tôi như bật lớn lên ấy.
Bỗng nghĩ rằng, đừng làm một bà mẹ quá hoàn hảo! Đừng quá giỏi giang! Đừng quá tinh tế! Hãy để chỗ cho con lớn! Hãy giữ lấy quyền được yếu đuối! Khi tôi chùng xuống cũng là lúc con tôi lớn hẳn lên.
Nhớ lại những bà mẹ vĩ đại trong “Cuốn theo chiều gió” và “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, những bà mẹ mạnh mẽ như nữ cường nhân, nhẫn nại tuyệt diệu, chưa từng rời bộ đồ khâu trong tay, chưa từng to tiếng với người làm, chưa từng ngồi dựa lưng vào thành ghế, chưa từng đi ngủ trước, chưa từng thức dậy sau… Ôi, ôi, tôi chỉ ngưỡng mộ thôi, chưa từng thử học tập đâu!
Ở bên cạnh một người quá hoàn hảo, bên cạnh một siêu nhân, mệt lắm, áp lực lắm! Mình làm gì thấy cũng sai sai sao đó, mình cố gắng chừng nào cũng chưa thấy đủ. Nước trong quá thì không có cá! Thỉnh thoảng tôi cũng từng đặt câu hỏi: "Có nên cố thêm một chút nữa không?". Thôi, không nên cố. Cố quá thành quá cố. Kệ nó!
Tôi chẳng bao giờ phải giấu con những tính xấu của mình. Mẹ cũng tham ăn, lười làm, ham vui, đểnh đoảng, quên trước quên sau. Sáng nay, ba mẹ con ngồi ăn sáng cũng thế, miếng ngon tôi không dành cả cho con đâu, cũng vẫn ăn tranh con đấy! Con cần biết rằng mẹ cũng có nhu cầu ăn ngon chứ! Con phải quen việc chia miếng ngon cho người khác!
Khi tôi cho phép mình sai thì tôi cũng sẽ dễ dàng thông cảm với những cái sai của con. Ví dụ như hôm nọ Sim đi học về mà quên cặp sách ở đâu không nhớ. Tôi chỉ thấy mắc cười, chở con qua trường hỏi bạn bè, hỏi chú bảo vệ mà không thấy, lại chở con qua sân thể dục, hỏi mấy người mới tìm ra. Sim ôm cặp mừng húm: “Cảm ơn mẹ vì mẹ không la con! Nếu mẹ là mẹ của bạn abc thì con bị uýnh rồi đó!”. Khi mình chấp nhận sai lầm và yếu đuối là giúp mình bao dung hơn với những sai lầm và yếu đuối của con!
Mới đọc ở đâu một câu đại ý rằng: "Khi bạn đã tự công nhận những lỗi sai của mình thì người ta không thể nào làm bạn tổn thương được nữa!". Tôi cũng mong con gái mình sau này nhân từ hơn với chính nó. Đôi khi bệnh tật không làm mình chết, lỗi sai không làm mình hỏng, mà mình gục ngã vì cứ tự kết tội mình.
Bạn có đồng ý với những quan điểm trên của chị Thu Hà? Mọi tranh luận, góp ý, hay mong muốn nói lên quan điểm nuôi dạy con của bản thân có thể gửi về địa chỉ email: mevabe@afamily.vn. Sẽ có nhuận bút xứng đáng cho những bài viết hay được chọn đăng tải. |