Bà mẹ hai con chia sẻ quan điểm ngược đời về Tết
Tại sao cứ gọi là ăn Tết mà không là chơi Tết? Tuy rằng chơi Tết nhiều khi không có nhàn hạ gì, nhất là với 2 đứa con nhỏ nhít.
Với hầu hết mọi người Tết luôn là dịp để “đầu tư” nhiều việc như ăn uống, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa… Vì thế không có gì lạ khi người Việt vẫn gọi dịp này là dịp để ăn Tết. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với quan điểm phổ biến này, chị Thu Hà (mẹ của hai bé Xu Sim, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) lại có cái nhìn khá “lạ” về Tết. Chị cho rằng Tết nên là dịp để chơi Tết, là cơ hội để cho các con trải nghiệm cuộc sống hay khám phá những vùng đất mới.
Chính vì quan điểm này nên mỗi dịp Tết đến, thay vì lo sắm Tết thật nhiều, ăn Tết thật to, chị thường cho các con về quê chơi Tết hay đi du lịch đâu đó. Cũng phải nói thêm rằng với 3 mẹ con chị, việc đi lại mỗi dịp Tết cũng không dễ dàng gì bởi ba mẹ con đều say xe và chặng đường từ Nam ra Bắc ăn Tết lại khá xa. Đến nay, khi Xu 9 tuổi và Sim 7 tuổi, hai chị em đã cùng mẹ đã có tới 10 chuyến ra Bắc, đó là chưa kể những chuyến lên rừng, xuống biển khám phá hang động… Chị Thu Hà cho rằng, trẻ em thời nay quần áo, ăn uống đâu có thiếu thốn gì, có chăng cái thiếu chỉ là thiếu trải nghiệm. Vậy nên, mỗi chuyến đi có “bão táp” đến mấy chị cũng sẽ thường xuyên cho các con đi, vì “tuổi thơ của con ngắn ngủi lắm!”.
Cùng theo dõi bài viết của chị Thu Hà để hiểu thêm về một quan niệm khá “ngược đời” về Tết và cách nuôi dạy con của bà mẹ hai con này.
Tại sao cứ gọi là ĂN TẾT mà không là CHƠI TẾT? Gần Tết mình vẫn hay nhận được những lời hỏi thăm: Năm nay ăn tết to không? Tại sao cứ phải là “ăn” nhỉ?
Tuy rằng chơi Tết nhiều khi không có nhàn hạ gì, nhất là với 2 đứa con nhỏ nhít. Quá mệt ấy chứ. Xu Sim thường ốm, ho, sụt ký sau ngày về, còn mẹ là tổn hại tiền và "nhan sắc", da đen cháy và mặt đầy mụn, vêu vao cả ra. ...
Mệt từ khi xếp đồ vào valy. Ví dụ đi biển, là phải có áo tắm, kiếng bơi, áo phao các loại, khăn khố nhiều thứ dùng vào nhiều thời điểm. Có áo lạnh, áo nắng, dép lê, giày, tới kem chống nắng, chống muỗi, tới ngoáy tai, rồi thuốc từ đau bụng tới nhức đầu…
Cả 3 mẹ con đều say xe nên sẽ có cả cam quýt gừng chống ói, có túi đựng ói, có khăn áo thay giữa đường cho cả mẹ lẫn con… Cả 3 mẹ con khó ngủ, còn phải mang theo vỏ gối, mền quen, rồi thuốc ngủ, Xu Sim còn mang theo cả gấu bông… Ba lô lớn, ba lô nhỏ nhưng thể nào tới khi đụng việc cũng phát hiện ra quên 1 số thứ đáng kể và thừa 1 số đáng kể các thứ khác.
Có chuyến, xe dừng thì quần áo của mẹ cứng đét vì con ói vào rồi khô lại. Có chuyến 2 đứa 2 bên, cứ quay sang đứa này đỡ, chưa kịp lau dọn đã phải quay sang đứa kia, thay khăn thay áo mấy lần.
Giờ thì "lành nghề" rồi. Say hoài chán say rồi! Năm nay lên xe cả 2 đứa cứ cười tươi hơn hớn. Về quê, gặp nhiều nhà, vì con say xe mà không dám cho con đi chơi xa. Tiếc lắm, tôi cứ giục, kệ, say kệ say, đi hoài rồi cũng hết à. "Đi cả ngày chỉ để nhìn mấy con cá. Đi cả ngày chỉ để nhìn mấy cái cây. Không chán à?". Không! Chán làm sao được. Đi đâu phải chỉ để coi, đi để chơi nữa mà. Tuổi thơ của con ngắn ngủi lắm. Không tranh thủ làm thân với nó đi, rồi tới hồi nó lớn, nó chả kể chuyện học hành, làm ăn, yêu đương, vấp ngã... của nó cho mình nghe nữa thì sao?
Quần áo, ăn uống giờ tụi nhóc đâu có thiếu. Có chăng tụi nó chỉ thiếu trải nghiệm và thiếu… mẹ. Những chuyến đi như thế này, những giờ phút bên nhau là hoàn toàn, là 100%. Mẹ không mắt trước mắt sau lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, check mail, lướt net... như ở nhà. Xu, Sim, 9 tuổi và 7 tuổi nhưng về quê ngoài Bắc tới 10 lần, đi biển, đi leo núi, đi rừng, khám phá hang động... đi suốt. Ba mẹ con ở một căn hộ nhỏ, chạy một cái xe máy xoàng, nhưng tôi luôn tự phong rằng mình đủ giàu có, cả về thời gian và tiền bạc, để cho con những chuyến đi! Bỏ lỡ ối dự án, tiền đi chắc cũng mua được ôtô đấy, nhưng kệ, Xu Sim cần đi chơi với mẹ hơn cần ôtô!
Về quê luôn luôn tuyệt vời, và đi du lịch tới một nơi mới cũng rất hay.
Những lần tới thăm những bản làng nghèo khổ, lạc hậu khủng khiếp trên vùng núi cao, tôi cứ nghĩ phải chăng do họ ít đi quá? Nếu giúp đỡ họ, nên chăng mình thay cho tiền thay cho gạo bằng cách tổ chức những chuyến đi? Biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống?
Tóm lại, mọi chuyến đi đều đáng giá. Với Xu Sim, đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông... rung động trước một cánh đồng xanh mướt... hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ... Đi để con biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông… đi để con biết kết nối với quê hương, kết nối với người lạ, thử những món chưa từng ăn. Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương... Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.
Tại sao người ta phải bỏ cả đống tiền, khổ sở đày ải để leo lên đỉnh Everest? Tại sao người ta phải luyện tập thể lực cả tháng trời rồi đáp máy bay tới Việt Nam, mò mẫm trèo đèo lội suối để tới hang Sơn Đoòng? Cảnh đẹp chỉ là một phần. Quan trọng là cái thú vị của quá trình chinh phục và khám phá. Sống là phải được nếm trải cảm giác sung sướng không thể diễn tả của khoảng khắc "A ha, ta đã làm được!". Nó đã lắm. Không ngôn từ nào tả được!
Mấy mùa Tết gần đây nhà mình sắm Tết chỉ khoảng vài trăm ngàn. Dọn tủ lạnh và thùng rác thật sạch để có thể đi 10 ngày về không bị bốc mùi. Lên đường!
Những chuyến đi, luôn luôn tốt hơn! Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn. Dù với ngàn năm văn hóa lúa nước, ông bà mình khá là lười dịch chuyển thì cũng phải công nhận “đi một ngày đàng học một sàng khôn” cơ mà!
Bạn có đồng ý với những quan điểm trên của chị Thu Hà? Mọi tranh luận, góp ý, hay mong muốn nói lên quan điểm nuôi dạy con của bản thân có thể gửi về địa chỉ email: mevabe@afamily.vn. Sẽ có nhuận bút xứng đáng cho những bài viết hay được chọn đăng tải. |