Model Kid Vietnam: Tại sao trẻ em cứ phải son phấn, mặc đồ "người lớn" mới được công nhận là mẫu nhí?
Ngay từ tập đầu tiên của Model Kid Vietnam 2019 đã dấy lên tranh cãi về những gương mặt ngây thơ đầy son phấn hay cách phục sức vô cùng chững chạc của các người mẫu nhí.
Không có lịch sử hình thành lâu đời như diễn viên hay ca sĩ, người mẫu vốn là một nghề mới được hình thành nghiêm túc trên thế giới từ thế kỷ 19 và hiện đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong vài thập niên đổ lại đây. Định kiến của công chúng về nghề này thường là một công việc sở hữ sức hút vô cùng lớn đối với tất cả mọi người trong xã hội, gắn bó với môi trường xa hoa phù phiếm và tồn tại nhiều góc khuất.
Sự phát triển của nghề người mẫu còn tạo nên một dấu mốc mới: sự khai sinh của giới mẫu nhí. Đó là các cô cậu thiếu nhi mới chập chững biết đi hay dày dạn chút "kinh nghiệm" cấp tiểu học, sở hữu ngoại hình tươi sáng đầy thiện cảm và đặc biệt tự tin. Cũng như cả triệu bậc phụ huynh khắp năm châu bốn bể (mà phần nhiều là ở các nước đang phát triển), chẳng thiếu những ông bố bà mẹ Việt Nam xem nghề mẫu nhí như bước đệm đầu đời cho các "của để dành" thăng tiến xa hơn trong cuộc sống sau này. Họ không ngần ngại chi tiền tạ tiền tấn để phủ lên con em mình vẻ đẹp chững chạc đầy giả tạo, gửi những đứa trẻ đến vô số trung tâm đào tạo người mẫu đang đà mọc lên như nấm và cuối cùng là thay mặt lớp thiếu nhi ghi danh các cuộc thi nhan sắc nhí. Model Kid Vietnam chính là một ví dụ.
Với sự phát triển của làng mốt Việt, giờ đây trẻ em cũng được cánh phụ huynh dắt tay đến bon chen tại các cuộc thi như Model Kid Vietnam.
Tập 1 của chương trình Model Kid Vietnam vừa lên sóng đã dấy một làn sóng tranh cãi gay gắt. Phần nhiều ủng hộ sự ngây thơ và phong thái tự tin đáng yêu của các bé, cũng chẳng kém người cho rằng hình ảnh những cô cậu nhi đồng tô son điểm phấn, áo quần là lượt trông thật trái khoáy với lẽ thường tình. Ngay chính Thúy Hạnh - chị đại trong bộ sậu chương trình - cũng không thể chịu nổi tình trạng này.
Thúy Hạnh "tức nước vỡ bờ" khi thấy các mẫu nhí trang điểm đậm tại Model Kid Vietnam.
“Nếu các gia đình còn tiếp tục trang điểm không phù hợp cho các bé, các em sẽ bị loại ngay lập tức dù có tố chất hay không” - lời tuyên bố dõng dạc của Thúy Hạnh có thể làm vỡ tan giấc mơ của nhiều em bé, tuy nhiên trong trường hợp này lại là sự lựa chọn đúng đắn.
Á hậu Mâu Thủy cũng buộc phải “đóng vai ác” khi đề nghị phụ huynh tẩy trang cho các bé và mong muốn các bé được sống đúng tuổi.
Tiếng nói của dàn HLV Model Kid Vietnam như đã gãi đúng chỗ ngứa, chỉ điểm một thứ luật bất thành văn trong xã hội Việt Nam từ thời quá độ đến nay: tại sao trẻ nhỏ đi thi thời trang là cứ phải mắt xanh môi đỏ, phải ăn diện thật "bốc" để được tiếng là chững chạc khéo léo cho bố mẹ thơm lây?
Một vài trường hợp rất cụ thể trong tập 1 của chương trình đã phản ánh đúng điều này:
Làn sóng Hallyu không chỉ phổ biến ở giới trẻ mà còn tác động mạnh mẽ đến độ tuổi dưới 10. Cậu bé tên Đoàn Đức Tiến đã thẳng tiến đến trước các vị HLV với diện mạo dày son phấn, vẽ sao lên cả mặt và xịt keo mái tóc xanh lè. Có lẽ với các vị phụ huynh thì thế này mới "thời thượng", mới đủ ấn tượng để thi thố.
Sau khi tẩy hết lớp màu vẽ giả tạo đó, cậu bé trở lại với mái tóc đen và nụ cười ngây thơ đúng lứa tuổi khiến các giám khảo rất hài lòng.
Mặc váy phi bóng ngắn cũn rồi còn đi sandal chiến binh - bé Ngọc Ánh tưởng như phiên bản nhi đồng của một quý nương trưởng thành sành sỏi vậy.
Trường hợp này cho thấy nỗ lực "chín ép" áp đặt lên các bé bị đẩy đi quá xa. Các HLV sẵn sàng ngồi chờ để phụ huynh thay đồ, tẩy trang cho con em của họ.
Và đây mới là hình ảnh cô bé Ngọc Ánh mà mọi người phải trầm trồ. Đó là lẽ tự nhiên.
Không ít các cô cậu thiếu nhi khác gặp phải rắc rối với son phấn, thứ mà ngay cả một người phụ nữ trưởng thành đôi khi cũng chưa hiểu rõ và sử dụng thành thục.
Ắt hẳn các em không thể tự quyết định xem mình sẽ sử dụng màu son gì, phối đồ ra sao... há chăng đây là một cuộc chơi búp bê mà người chơi chính là cánh phụ huynh?
Tình thương khi bị biến thành son phấn, thành đôi giày cao gót hay cái đầm xuyên thấu thì quả là khó cảm.
Bé Trần Anh Minh Trí còn bị "nhồi" thêm một cặp kính để trông người lớn và "Hàn xẻng" hơn. Thực tình thì đây là một điển hình cho nỗ lực "lão hóa" ngoại hình trẻ thơ vốn tồn tại dai dẳng trong tư duy người Việt.
Bên cạnh các bé được phụ huynh “người lớn hóa” về ngoại hình, còn xuất hiện tình trạng các bé trình diễn già dặn do được đào tạo từ các “lò” mẫu nhí. Các trung tâm huấn luyện mẫu nhí này rập khuôn các bé với những động tác đánh hông, lắc tay mà không hề quan tâm nó có thật sự phù hợp với độ tuổi của các bé hay không, chính điều này đã biến các bé trở thành những “quả non bị ép chín”, mất đi sự hồn nhiên vốn có của lứa tuổi.
Đơn cử là trường hợp của cô bé Trần Việt Song Thư. Bé từng học catwalk và được đào tạo phong cách biểu diễn như người lớn, nên không còn thể hiện được sự hồn nhiên đúng lứa tuổi. Mặc dù cô bé đã được thêm một cơ hội để trình diễn lại, nhưng sự hướng dẫn của ban giám khảo dường như không có tác dụng vì những bài học catwalk trước đó đã biến cô bé thành một “chiếc máy”.
Định nghĩa về cái đẹp trở nên méo mó khác lạ. Cứ phải son phấn ăn diện mới là đẹp? Tự nhiên thuần chất và ngây ngô mộc mạc thì là không đẹp?
Không chỉ hiểu sai về cái đẹp, rõ ràng nhiều người lớn đang rập khuôn hàng loạt hình mẫu vào con em mình. Họ nhầm rằng thế mới là thời trang, trong khi áo quần vốn chỉ là ngôn ngữ để bộc bạch cái tôi của người mặc. Các em nào đã cần phải hở eo hở vai, váy ngắn cũn cỡn làm chi.
Tạm kết
Giới phụ huynh thường gọi con em mình là "thiên thần nhỏ", nhưng lại vô tình sử dụng thời trang như một con dao tàn nhẫn cắt đi đôi cánh của những thiên thần.
Họ bọc lên những đứa trẻ một cái mã sáng loáng tựa như lớp vécni trên mặt gỗ, bất kể chất gỗ tốt xấu ra sao. Chính cái sự son phấn phục sức quá đà ấy dễ khiến người ta phải tự hỏi: có chăng họ không thỏa mãn với cái nét bẩm sinh của con mình nên mới tô thứ này đắp thứ kia cho "bằng chúng bạn". Kết cục thành ra một tổ hợp những chú búp bê như đúc cùng một khuôn, xinh đều đặn và... chỉ có thế.
Họ cũng quên mất rằng nếu bé con có sáng danh với nghề mẫu nhí, thì đối tượng chăm chú theo dõi nhất cũng chính là các cô cậu bé khác chứ nào phải cánh người lớn?
Vậy thì những mong họ - những người lớn - đừng nhân danh thời trang để xóa mờ đi cái ngây thơ của thiếu nhi. Bởi không phải giải thưởng này đồ hiệu kia, chính điều đó mới là thứ quý giá nhất!