Tiền lì xì của bé

Theo TGPN,
Chia sẻ

Phong tục lì xì đã có từ lâu, những phong bao đỏ thắm là món quà, là lộc đầu xuân mà mọi người dành cho con trẻ, với mong muốn bé học giỏi, ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Song, để trẻ hiểu được điều này thì người lớn cần dạy cho trẻ biết ý nghĩa của chiếc bao lì xì.

Hãy dạy trẻ biết trân trọng phong bao lì xì như là một món quà ý nghĩa, một niềm vui bất tận, một sự may mắn mà người khác mang đến cho mình, chứ không đơn thuần là số tiền mà trẻ nhận được trong phong bao đó.

Tùy theo độ tuổi mà trẻ có thái độ khác nhau khi nhận lì xì. Với trẻ dưới 5 tuổi, chúng chưa nhận thức được về giá trị của đồng tiền, thế nên, khi được người lớn lì xì, trẻ chỉ biết nhận, cảm ơn. Có nhiều trẻ rất ngây ngô, ngơ ngác khi cầm chiếc bao lì xì trong tay. Bé Lan 3 tuổi (Q.3, TPHCM) được ông nội lì xì bé nói lời cảm ơn rồi lấy ra nghịch, một lúc sau đã thấy bao lì xì một nơi, tiền một nẻo. Hỏi thì bé đáp: “Cái này chẳng chơi được, con không thích”.

Khi trẻ đã lớn hơn, cha mẹ hãy dạy con biết ý nghĩa của việc lì xì. Hãy nói với trẻ rằng, lì xì là truyền thống, phong tục đẹp, thể hiện sự yêu mến, quý trọng của mọi người dành cho nhau. Lì xì không quá nặng về giá trị vật chất mà chứa đựng giá trị tinh thần với những lời chúc tốt đẹp, những mong muốn mà người lớn gửi gắm tới trẻ. Do vậy, trẻ cần trân trọng khi nhận lì xì từ người khác.
 

Cha mẹ cũng cần hướng cho trẻ cách giữ gìn, sử dụng tiền lì xì sao cho đúng, có ý nghĩa thiết thực. Cũng đừng lấy quyền làm cha mẹ mà ép trẻ phải đưa hết tiền lì xì cho mình giữ. Người lớn nghĩ rằng trẻ không thể quản lý được tiền lì xì, thế nên một số cha mẹ sau Tết đã “tịch thu” hết tiền lì xì của con. Như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy buồn và có cảm giác bị người lớn coi thường. Đó như một “tài sản” riêng của trẻ nhưng trẻ lại không có quyền trong việc giữ gìn và sử dụng chúng, vì thế trẻ rất ấm ức. Cách tốt nhất là hãy mua cho trẻ 1 con heo đất xinh xắn, khuyên trẻ cho tiền lì xì vào đó, tích góp lại, mai này sử dụng và những việc có ý nghĩa. Được nhìn ngắm con heo đất với cái bụng đầy ắp tiền lì xì, trẻ sẽ rất vui sướng.

Chị Hương (Q.Tân Bình, TPHCM) tâm sự: “Mỗi khi Tết đến, thằng bé nhà tôi được nhận lì xì của mọi người, nó vui lắm. Nhưng để biến số tiền đó trở thành thiết thực và ý nghĩa, tôi đã cùng con lên kế hoạch chi tiêu. Tôi để con tự quyền quyết định mua những vật dụng cần thiết trong việc học tập, hay cuốn truyện mà con đang ao ước. Ngoài ra, tôi còn khuyên con nên dùng một phần số tiền đó để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật.

Một lần tôi cùng con đến thăm em bé bị bại não tại bệnh viện. Con trai tôi thấy vậy liền nói: “Mẹ ơi, bạn ấy thật đáng thương. Mẹ cho con lấy tiền lì xì để giúp bạn ấy nhé!”. Tôi vui lắm, vì con đã biết giúp đỡ người khác là một hành động đầy nhân đạo và thể hiện tình ỵêu thương, giúp đỡ con người. Từ những Tết năm sau, con trai tôi lại đòi mẹ đưa đến thăm các bạn có hoàn cảnh khó khăn để bé được tự tay trao cho bạn những món quà được mua từ tiền lì xì, tuy nhỏ bé nhưng chứa đầy tình thương”.

Chia sẻ