Dạy con ngày Tết

Minh Minh,
Chia sẻ

Đúng là Tết là những ngày quan trọng, cần giữ hòa khí trong nhà. Nhưng đừng vì lo sợ mất hòa khí mà quên mất rằng dịp Tết cũng là dịp để dạy con nhiều điều có ích.

Nhà chị Huyền có hai con đã lớn, một trai một gái, cả hai đều đã vào Đại học. Dù là trong năm bận bịu việc học, bố mẹ có thể làm việc nhà cho con nhưng cứ đến Tết là vợ chồng chị lại “tổng động viên” cả hai con cùng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các thứ cần thiết và chuẩn bị đồ cúng lễ… Ngay từ nhỏ, anh chị đã rèn cho cả hai con tính bình đẳng, không phân biệt công việc kiểu như con gái thì phải làm hết việc nhà để con trai ngồi chơi, “chỉ tay năm ngón”…

“Vợ chồng mình không dạy con kiểu trọng nam khinh nữ, đã là con cái trong nhà thì việc gì cũng phải làm, có như vậy con cái mới trưởng thành người hòa đồng, biết việc... Nhất là dịp Tết, cả nhà phải cùng nhau quây quần, cùng nhau chuẩn bị đón Tết thì mới củng cố tình cảm gia đình, sợi dây tình cảm càng thêm bền chặt”, chị Nhung chia sẻ.
 

Gia đình anh Thành cũng rất chú trọng mấy ngày Tết. Chờ cho đến ngày các con được nghỉ học là anh tranh thủ đánh xe đưa cả nhà về quê một ngày, vừa là để đưa đồ lễ biếu về quê, vừa là để các con về để cùng chuẩn bị Tết với ông bà. Cái thói quen này được hình thành ngay từ khi các con còn nhỏ nên cho đến khi lớn chúng vẫn thích lắm.

“Ông bà già cả, nhiều việc nặng nhọc không làm được thì để lại để con cháu tranh thủ làm đỡ, vừa vui vẻ, vừa hạnh phúc, các con lại biết nhớ về cội nguồn hơn”, đó là theo quan điểm của anh Thành.

Và năm nào cũng vậy, mùng một, mùng hai Tết, cả nhà anh về quê ăn Tết với ông bà, mùng 3 mới trở ra Hà Nội để đi chúc Tết. Bây giờ, công việc có vẻ bộn bề hơn, các con cũng lớn, có nhiều mối quan hệ hơn thì nhà anh chỉ về ăn Tết mùng 1, mùng 2 thì đón Tết ở nhà để mời khách khứa, bạn bè.

Hay như gia đình anh Hồng cũng vậy. Ngày Tết, cả nhà anh quây quần sắm Tết, ăn uống và cùng nhau đi chúc Tết. Đến đâu người ta cũng xuýt xoa khen gia đình anh chị hạnh phúc, các con ngoan ngoãn. Nhìn các con tự giác giúp đỡ bố mẹ vợ chồng anh hài lòng lắm. Không những không cần nhắc nhở, mà con gái con trai anh chị còn gợi ý bố mẹ nên mua sắm những gì và chủ động bày biện bàn thờ giúp bố mẹ.

Ngày nay, nhiều người vin vào cái cớ công việc bận rộn mà cố tình bỏ qua khâu chuẩn bị cho Tết nhất, thậm chí nhiều nhà còn sắm sửa cho gọi là có, thời gian nghỉ chỉ để đi chơi. Trong khi đó, có nhiều gia đình lại coi đây là dịp để cả nhà quây quần, hoặc là để về quê sum họp với ông bà để củng cố thêm tình cảm gia đình.
 
 
Giới trẻ ngày nay cũng đa phẩn bị cuốn theo nhiều niềm vui cá nhân, các hoạt động xã hội mà quên mất một phần quan trọng trong những ngày Tết, đó là gia đình. Tuy nhuên, bên cạnh đó, vẫn có những bạn trẻ một phần do ý thức cá nhân, một phần do ảnh hưởng của bố mẹ mà cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là lại hướng tới gia đình mình.

Mai Lan (19 tuổi) đã không giấu nổi niềm vui sướng khi bày tỏ: “Sắp Tết rồi, em sắp được về với bố mẹ ở quê rồi. Đây là năm thứ 2 em học Đại học ở Hà Nội nhưng năm nào em cũng về quê ăn Tết với bố mẹ. Tết nhà em vui lắm, ông bà, bố mẹ lì xì cho em, không nhiều đâu nhưng là lộc may mắn nên em toàn để dành đến tận năm sau thôi…”.

Hay như một em trai vốn được coi là “cậu ấm” của một đại gia đình ở ngay giữa lòng Hà Nội, dù mọi ngày không phải động chân động tay, nhưng đến Tết bao giờ cậu cũng được giao nhiệm vụ trang trí và bày biện bàn thờ. “Cậu ấm” không những không tỏ ra khó chịu mà còn rất lấy làm vui vẻ: “Ngày Tết ngày nhất ai cũng phải có trách nhiệm chứ, nhất là với một cậu ấm đích tôn như mình thì trách nhiệm càng cao cả hơn. Với lại, mỗi lần bày biện bàn thờ ngày Tết, mình lại càng cảm thấy mình cần sống sao cho có hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà”.

Chia sẻ