Mệt mỏi vì con làm nũng
(aFamily.vn) - Con làm nũng khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất mệt mỏi, không biết nên dạy con mình như thế nào?
Chị Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể về người bạn thân của cô con gái bé bỏng nhà chị. Bé Mít (3 tuổi) đi đâu cũng ôm khư khư chú chuột Mickey mà cô bé được tặng nhân dịp sinh nhật.
Cứ hôm nào đi học mẫu giáo về là bé chạy tới ôm ngay Mickey để tâm sự, thôi thì đủ thứ chuyện, nào là hôm nay bé được phiếu bé ngoan, hôm nay lớp bé tổ chức tiệc đón sinh nhật bạn cùng lớp rất vui, nào là bé chỉ thích chơi với bạn này còn hít le bạn kia…
Ngày thì thế, đến đêm chị Phương cũng không biết nên cười hay mếu khi bé đêm nào cũng lọ mọ dậy chăm sóc cho Mickey, khi thì dậy đắp chăn, khi thì chỉnh lại tư thế nằm cho bạn, có đêm bố bé lỡ nằm đè lên tay Mickey, thế là bé hờn dỗi bố cả đêm không thèm ôm bố.
Anh chị thấy vậy cũng tự nhủ, thôi thì kệ, bé thích làm gì thì làm, nhưng không, bé chẳng để yên cho bố mẹ ngủ. Đêm bé kéo hết chăn của bố mẹ để đắp cho Mickey, bắt bố mẹ dậy quạt cho Mickey khỏi nóng, chỗ cho Mickey nằm cũng phải rộng rãi, thoáng mát, thế là bố mẹ được bé bố trí xuống đất nằm.
Những lần nào bị mẹ mắng, bé lại khóc ầm lên rồi chạy tới ôm Mickey kể lể sự tình...
Chị Phương thấy con đối xử quá lạ với chuột Mickey cũng cố tìm cách thay đổi tình hình, chị từng cố giấu Mickey đi và nói với bé rằng “đồ chơi đi mất rồi”, thế mà cả đêm bé âm ỉ khóc, có lúc còn đập đầu vào tường. Tội nghiệp con, chị lại lục đục đem Mickey lại cho con.
Con làm nũng khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất mệt mỏi, không biết nên dạy con mình như thế nào? (Ảnh minh họa)
Đến giờ chị Chuyên (Ba Đình, Hà Nội) mới thấm thía cái câu "khủng hoảng trẻ lên 3". Từ ngày bé Na 3 tuổi, ngày nào mà bé không khóc thì là chuyện quá lạ với nhà chị.
Trước bé Na rất ngoan nhưng càng ngày bé càng làm nũng, mè nheo bố mẹ trong mọi tình huống. Mẹ nhắc ăn nhanh lên: bé khóc, bố về muộn: bé khóc, đang ngủ, Na giật mình: cũng khóc...
Chị nhớ lại mà thấy xấu hổ khi tuần trước hai mẹ con chị đi siêu thị cùng gia đình một chị đồng nghiệp. Khi đưa con đi ngang qua tầng 5 chuyên bày bán đồ chơi thì bé Na giãy nảy đòi mẹ mua cho cái giường 2 tầng.
Chị không đồng ý, ngay lập tức bé nằm lăn lộn ăn vạ, khóc rồi cố tình ọe ra... nước bọt. Chị stress vô cùng, chị tâm sự: "Con càng lớn càng hư, nhiều khi chỉ muốn đánh mà đánh lại thương"...
Khắc phục tính xấu của con
Chị Thanh (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ trên diễn đàn gia đình về vấn đề này: "Trước đây, Tí nhà mình rất hư, thích gì là đòi bằng được, con làm nũng bố mẹ gần như là chuyện thường ngày ở huyện. Cả nhà mình thời điểm đó rất mệt mỏi. Thế nhưng, sau khi có chiêu trị lại, bé dần thay đổi và nghe lời hơn".
Chiêu của chị khá đơn giản đó là: "Những khi nào Ti bắt đầu rên rỉ, vợ chồng mình lại bắt chước rên rỉ ỉ ôi rồi khóc theo. Bé có vẻ bị đánh lạc hướng và cười phá lên vì 'mặt xấu' của bố mẹ. Vài lần thế là bé chẳng còn làm nũng cha mẹ nữa".
Trả lời vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho rằng: Ngoài việc chỉ cho bé thấy được hành vi nũng nịu, đòi hỏi, mè nheo của bé là không nên, cha mẹ nên khen ngợi những khi bé đưa ra một yêu cầu hợp lý.
Nhiều ông bố bà mẹ sai lầm vì sau khi nói "không" nhưng thấy con khóc dữ dội quá đành tặc lưỡi "Thôi được rồi, lần này thôi nhé". Hành động này càng chứng tỏ "bé đang đi đúng hướng, mè nheo khắc có quà". Sau vài lần làm nũng thành công, bé sẽ hình thành một tư tưởng rằng đó là cách đơn giản để có được điều mình mong muốn.
Chính tâm lý như thế này, cha mẹ đã ''ươm mầm'' cho con hư càng hư, khó bảo càng khó bảo.
Tuy nhiên, bậc phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao con làm nũng để có cách khắc phục tính xấu này ở con. Có nhiều bé muốn cha mẹ quan tâm nên làm nũng, vì thế không phải lúc nào làm nũng cũng là điều không nên.
Bạn hãy thường xuyên nói chuyện, chăm sóc con, bởi biết đâu thời gian vừa qua, bạn thờ ơ với con vì quá bận rộn. Bạn cần từ từ giải thích để bé hiểu, tránh mắng mỏ vì điều này càng khiến con khóc và sợ bố mẹ.
Ở tuổi này bé đã hiểu những câu chuyện đơn giản, bạn có thể dành thời gian trước khi đi ngủ để kể cho bé truyện ngụ ngôn về những tình huống tương tự để bé hiểu: đòi hỏi nào là nên, đòi hỏi nào là không nên.
Ông xã cứng rắn, muốn dạy cậu con trai có tính tự lập, không mè nheo.
Hoa hậu Hoàn vũ VN xót con nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận chồng đã làm đúng.