Đừng xem thường chứng trầm cảm trong thai kỳ
(aFamily.vn) - Bạn lên chức mẹ, với nhiều người đây là khoảng thời gian đẹp nhất nhưng với nhiều người thời kỳ này khiến họ thực sự mệt mỏi, họ bị trầm cảm trong thai kỳ.
Bạn sắp được làm mẹ, hiện tại bạn đang mang bầu. Sau khi chia sẻ tin tốt lành đó cho mọi người, bạn được nhận vô số những lời chúc mừng. Có, bạn đang có vui mừng song bạn không hoàn toàn ngây ngất, hạnh phúc. Thậm chí bạn còn có cảm giác trống trải, cô đơn, tội lỗi, chán nản…
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Mang thai với nhiều người là cả một quá trình hạnh phúc, khiến họ suy nghĩ tích cực hơn, yêu đời hơn, tuy nhiên điều này không phải xảy đến với bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào.
Cứ 10 người thì có 1 người bị trầm cảm trong thai kỳ. Trầm cảm có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với một số chị em, biểu hiện mỗi người mỗi khác, chẳng vì một lý do cụ thể nào. Có nhiều người hơi một chút là khóc, họ luôn thấy mình ngốc nghếch, vô dụng và chán sống. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới mẹ bầu về mặt tình cảm, thể chất, trong cách cư xử mà nó còn khiến em bé trong bụng cũng bị ảnh hưởng.
(Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh trầm cảm trong thai kỳ:
Không có khả năng tập trung.
Khóc lóc, cơ thể suy nhược, tinh thần trì trệ, khẩu vị thay đổi, hay bị ám ảnh, cảm thấy lo âu, tuyệt vọng, hết hứng thú với đứa con trong bụng...
Khó ngủ, mất ngủ.
Cảm giác cuộc đời này chẳng còn điều gì thú vị nữa.
Thường xuyên buồn rầu - nỗi buồn dai dẳng, thường trực.
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm trong thai kỳ
Khi mang thai, không phủ nhận rằng nhiều chị em có được cảm giác hạnh phúc, song với chiếc bụng ngày một lớn, sự lên cân chóng mặt, sự mệt mỏi thường trực vì thiếu chất, những cơn chóng mặt, lo âu về sự xuất hiện sắp tới của thành viên mới… gây nên sự căng thẳng cho chị em trong thai kỳ.
Đặc biệt nếu cuộc sống của mẹ bầu gặp khó khăn thì khả năng bị trầm cảm trong thai kỳ càng cao.
Ví dụ, một nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm trong thai kỳ là bạn đang gặp khó khăn với những mối quan hệ xung quanh mình. Nếu bạn mâu thuẫn với gia đình, người thân, hoặc làm mẹ đơn thân, bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.
Các nguyên nhân khác: cuộc sống căng thẳng, chuyển nhà, khó khăn trong công việc, lo lắng về sự xuất hiện của thành viên mới, thu nhập thấp, có bầu không đúng lúc, ốm nghén nặng…
Trước bị sảy thai cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trầm cảm trong thai kỳ trong lần mang thai kế tiếp. Nghiên cứu cho thấy các biến chứng khi mang thai trước đó có liên quan trực tiếp đến trầm cảm trước khi sinh. Bà bầu sẽ liên tục có cảm giác bất an, lo lắng về sự an toàn của thai nhi lần này.
Cảm giác mệt mỏi luôn đeo đẳng chị em bị trầm cảm trong thai kỳ (Ảnh minh họa)
Cách giảm trầm cảm trong thai kỳ
Bạn nên chia sẻ những điều khó chịu với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn, chắc chắn họ sẽ có lời khuyên tốt nhất và hợp lý với bạn trong hoàn cảnh này.
Bên cạnh đó, bạn nên tỉnh táo gói gọn mớ cảm xúc hỗn độn này vào một chỗ, điều này rất quan trọng cho việc mẹ tròn con vuông sau này của bạn.
Cuộc sống, công việc, thu nhập của bạn đang gặp khó khăn? Bạn hãy lấy bút và ghi ra từng việc một, bạn sẽ giải quyết từng thứ.
Nếu không thể giải quyết vấn đề đó trong một sớm một chiều, bạn hãy thư giãn, tự thưởng cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng để đọc một cuốn sách mới, được ăn sáng trên chính chiếc giường của mình, hoặc gặp gỡ với vài người bạn. Chăm sóc bản thân là một phần thiết yếu của việc chăm sóc em bé, bạn nên nhớ như vậy.
Thật tuyệt vời nếu bạn tham gia vào một số hoạt động thể thao, vận động cho thai kỳ. Lựa chọn những bài tập phù hợp sẽ giúp bạn giải phóng được năng lượng thừa, khiến tinh thần bạn thoải mái hơn. Tham gia lớp tập thể dục bơi lội, đi bộ, yoga là một ví dụ. Huấn luyện viên sẽ giúp bạn tìm những bài tập đơn giản phù hợp với sức khỏe của bạn.
Bạn hãy cởi mở, tâm sự, bộc bạch với người bạn đời. Rõ ràng, thời điểm này bạn cần được anh ấy hỗ trợ, che chở mà. Nếu bạn sẵn sàng là một single mom, bạn có thể nhờ cậy, tìm kiếm sự hỗ trợ ở những đối tượng khác.
Khi bạn đã thử tất cả các cách trên nhưng thấy tình hình về trầm cảm trong thai kỳ không đỡ, lần này bạn hãy tới và gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của mình. Tại đó họ sẽ giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhà tư vấn để giúp bạn giải tỏa nỗi niềm này.
Hoặc bạn có thể tìm tới bất kỳ ai có khả năng giúp bạn thấy thoải mái, tin tưởng, an toàn.
Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân mình (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu bạn nên lo lắng
Muốn tự tử: một cảm giác không chỉ ghé thăm bạn 1, 2 lần. Thật đáng sợ nếu cảm giác mất phương hướng một cách toàn diện như thế này bạn gặp đi gặp lại. Chắc hẳn lúc này bạn đang hoảng loạn thật sự.
Đừng chần chừ mà bạn nên tới ngay trung tâm y tế, tìm gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của mình.
Bạn chỉ cần đấu tranh cho tinh thần thoải mái, thực đơn ăn uống hợp lý, dành thời gian chăm sóc bản thân, ít nhiều tâm trạng bất ổn kia cũng sẽ tạm thời chấm dứt.
Tìm tới bác sĩ không phải là một điều gì quá ghê gớm, đáng ngại. Nhiều người mẹ nghĩ rằng điều này thật ngớ ngẩn, mình tỏ rõ là một người đàn bà yếu đuối.
Đó là suy nghĩ sai lầm, bạn đang mang bầu, thể chất và tâm lý của bạn lúc này thực sự mong manh, yếu đuối, bạn cần sự giúp đỡ từ một ai đó. Thêm vào đó, đây là một dấu hiệu cho thấy bạn là một người mẹ tốt, sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giữ cho em bé và bản thân mình được an toàn và khỏe mạnh.
Những cảm xúc mệt mỏi, chán nản trong thai kỳ bạn có thể được bác sĩ kê cho thuộc chống trần cảm. Tuy nhiên, thuốc luôn có 2 mặt, bạn không nên tự ý kê cho mình mà phải uống theo chỉ định của bác sĩ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có một mối liên hệ giữa trầm cảm trong thai kỳ và trầm cảm sau sinh, nhưng điều này không có nghĩa rằng nếu bạn đang chán nản trong thai kỳ, chắc chắn bạn sẽ bị trầm cảm sau khi sinh em bé.
Tóm lại, bạn hãy trân trọng bản thân và biết lắng nghe cơ thể mình lên tiếng.
Tập thể dục trong thai kỳ rất quan trọng, điều này có lợi ích tốt cho sức khỏe cũng như quá trình vượt cạn sau này của bà bầu.