Buồn lòng nhìn bà nội chăm cháu

Linh Đan,
Chia sẻ

Chỉ 1 tuần gửi gắm con cho bà, chị xót xa khi nhìn con đen nhẻm, gầy đét. Chị buồn lòng vô cùng khi nhìn bà nội chăm cháu.

Nhiều khi chị Yến tự trách mình không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con tốt, lại chẳng có chính kiến với chồng... khiến con khổ. 

Ngay từ khi có bầu bé Kiến, chị Yến đã bị công ty trịnh trọng cho vào danh sách “cần nghỉ ngơi”. Chị không trách họ vì kinh tế đang khó khăn, họ không thể chờ đợi một bà bầu ục ịch chậm chạp làm việc đi muộn về sớm, rồi 6 tháng nghỉ sinh sắp tới ai sẽ là người hoạch toán tiền cho công ty đây?

Chị nghĩ rằng: “Giờ nghỉ cũng tốt, tha hồ dưỡng thai, mình còn có chồng cơ mà. Thêm vào đó, sinh con xong mình sẽ nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Kiếm tiền lúc đó chưa muộn”. 

Hai vợ chồng chị tiêu dè sẻn hơn để tích cóp tiền sau này cho con, một mặt chị cũng nhận làm thêm mấy việc lặt vặt, tuy tiền không ổn định, không được nhiều nhưng “méo mó có hơn không”.

Hai vợ chồng ít tiêu ít, nhiều tiêu nhiều nhưng khi có con, tiêu ít tiêu nhiều không chỉ phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của hai vợ chồng chị nữa. 

Tiền bỉm: có thể cắt, “tè dầm thì thay”; tiền quần áo có thể giảm vì “tích cực xin cũng tốt”; nhưng tiền sữa, tiền ốm đau, tiền tiêm, tiền khám thì không thể nào cắt, không thể nào xin. 

Buồn lòng nhìn bà nội chăm cháu 1
Chỉ 1 tuần gửi gắm con cho bà, chị xót xa khi nhìn con đen nhẻm, gầy đét. Chị buồn lòng vô cùng khi nhìn bà nội chăm cháu (Ảnh minh họa)

Nhìn con lớn thôi thổi, chị hạnh phúc lắm và thầm cảm ơn con đã giúp mẹ. 

4 tháng trôi qua, chị nhấp nhổm tính xin việc để đỡ đần chồng, lương anh hiện không đủ để cả gia đình trông chờ vào. Nhưng con thì chị gửi cho ai đây? Người giúp việc thì gia đình chị không thể thuê vì ngoài tiền, nhà chị đang ở quá chật chội để có thêm người khác. 

Chị nhờ bà nội lên nhưng nhất quyết bà không lên vì “ruộng vườn còn đấy, lợn cá, chim chóc còn đấy, mẹ lên thì ai chăm?”.

Thế là chị lại hoãn việc đi làm, chị ở nhà, tạm thời trông con vì tính đi tính lại, thuê giúp việc là điều quá sức, việc gửi con vào trường tự mở chị chẳng thể yên tâm. 

Rồi khi Kiến được 11 tháng tuổi – thời điểm chị cần phải cai sữa cho con. Cùng thời điểm này, hồ sơ xin việc của chị đã có nơi phản hồi, nghe lời bố mẹ chồng, lời chồng động viên, chị cho con về quê gửi, nhờ ông bà chăm cháu. 

Chị nghĩ rằng: "Con về đó sẽ được tiếp xúc với môi trường trong lành, tốt cho sức khỏe hơn, được ông bà chăm có khi cẩn thận hơn, con bạo dạn hơn"...

Kiến nhà chị 11 tháng nhưng đã biết nhiều lắm, lân la vịn tường, vịn giường bám đi thoăn thoắt, ê a nói và cũng có lắm trò lắm rồi. 

Gửi con về quê nhờ ông bà chăm cháu, không ngày nào chị không nhớ tới con. 1 tuần đầu chị ăn không ngon ngủ không yên, cứ đau đáu chờ tới cuối tuần về thăm con. 

Cuối tuần về, chị xót xa vô cùng khi hình ảnh đầu tiên sau 1 tuần gặp con là con đang nằm lê la ngoài sân, nghịch đất nghịch cát, chân tay mồm miệng toàn đất. Thằng con trắng trẻo, tròn tròn của chị được thế bằng một thằng cu đen nhẻm, bẩn thỉu và gầy sọp đi.  

Chạy lại, đỡ con lên, ngó quanh chẳng thấy bà đâu, chị giận bà lắm, trách bà lắm. Một lúc sau chị thấy bà về, chị hỏi thì bà bảo: “Hồi xưa, bố thằng Kiến cũng bị vứt lăn lóc vẫn sống tốt đấy thôi”.

Nhìn bà cho cháu ăn, chị hốt hoảng khi biết ngày nào bà cũng cho cháu ăn cháo loãng. Chị biết mẹ chồng mình là người tiết kiệm nhưng chị không nghĩ bà lại tiết kiệm quá đà với cả cháu mình. Nhà có sẵn đàn gà nhưng bà chẳng chịu làm một bữa cho cháu ăn. 

Chị đi chợ mua thịt về thì bà tiếc ra mặt, mắng chị xơi xơi: “Mua làm gì, nhà thiếu giống gì mà mua chứ?”. 

Chị bảo mua để Kiến ăn chứ suốt ngày ăn cháo trắng thế này thì không đủ chất, bà lại bảo: “Ăn thịt nhiều mà tốt à?”.

Tối đó, chị nấu cháo thịt cho con ăn, nhìn con ăn ngon lành chị mừng lắm. Sáng hôm sau, chị ngỡ ngàng khi biết bà toàn ra chợ xin những quả chanh thối về tắm cho cháu, thảo nào da bé cứ đỏ gay lên như gà chọi. 

Ngó đến sữa cho con, 1 tuần 3 hộp sữa chị mang về từ trước vẫn còn nguyên. Chị hỏi thì bà bảo: “Có một lần mẹ pha nhưng nó ngủ xừ mất, mà ngủ lại ngon nhé. Thế nên mẹ nghĩ rằng chẳng cần sữa đâu, cứ cháo mà ăn thôi là lớn rồi. Từ rày hai đứa đừng mua sữa nữa, nó uống sữa mẹ từ bé thế là đủ rồi. Dài người còn hơn to thịt”.

Điều làm chị lăn tăn hơn cả là tật “nói bậy” của bà. Biết bà quen nếp ở quê nhưng cứ khi nào không đồng ý điều gì bà lại “văng”. Có lần chị giật mình khi nghe Kiến bảo “mé mày mé mày” – một từ quen thuộc trong câu nói của mẹ chồng mà chị thường nghe. 

1 tuần gửi con thôi, chị đã thấy không ổn. Chị gọi điện về bảo chồng: "Em đưa Kiến về đây, em chăm con anh nhé", chưa dứt lời, anh đã gạt đi bảo: “Em cứ lo hão, rảnh thì lo kiếm tiền đi chứ căn ke từng hành động lời nói như vậy thì chỉ có khổ thôi”.

Chán nản, dù khổ tâm lắm nhưng chị tự nhận mình chẳng có chính kiến để bảo vệ con. Chị đành tặc lưỡi: "Thôi thì vài tuần nữa về xem con thế nào vậy"...



Chị Lành và mẹ chồng mâu thuẫn trong cách chăm con, mặc dù chị có rất nhiều sữa nhưng 
bà nội cứ nằng nặc cho cháu ăn cháo để “đổi món và cứng cáp nhanh”.
Buồn lòng nhìn bà nội chăm cháu 2
Chia sẻ