Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: "Sót nhau, khâu cái gì mà khâu!"

Nhi Trần,
Chia sẻ

Chị Minh Tuyền đã trải qua quá trình vượt cạn cực kì đáng nhớ, không đau đớn nhiều nhưng đến phút cuối thì sự cố xảy ra.

Những câu chuyện đi đẻ của nhiều bà mẹ vẫn luôn để lại muôn vàn cảm xúc cho người nghe. Có những người mẹ sinh con vô cùng vất vả nhưng cũng có những người quá trình lại vượt cạn vô cùng dễ dàng và hài hước, dù cho bản thân người mẹ không hoàn toàn khỏe mạnh trong quá trình mang thai như câu chuyện của chị Minh Tuyền (32 tuổi, hiện đang sống tại Sài Gòn) dưới đây.

Tuy đã trải qua chuyện sinh nở cách đây gần ba năm nhưng đối với chị Tuyền đây vẫn luôn là một kỉ niệm không thể nào quên được. Quá trình mang thai của chị Tuyền diễn ra tương đối nhẹ nhàng, không nghén, ăn tốt. Thời khắc từ khi chuyển dạ đến khi nhập viện đã được chị ghi lại một cách vô cùng hài hước trong nhật ký đi đẻ của mình: "4h sáng 30/04/2016, đang say giấc thì cảm giác ẩm ướt khó chịu kéo mẹ Nấm ra khỏi giường, vào toilet đi vệ sinh thì thấy đáy quần có tí chất nhầy nhưng rất ít nên thay quần rồi vào ngủ tiếp. Chưa đẻ đâu, bụng ai thấy cũng bảo còn cao mà!

4h30p, lại thấy ướt át và cũng như lần trước mẹ Nấm lại vào toilet nhưng lần này là để tắm rửa, giặt quần áo bẩn vì mình biết có lẽ thời khắc em Nấm đòi ra cũng đã đến. Không một cơn đau, không cảm giác trì nặng, không vỡ ối, chỉ là tí chất nhầy và là linh cảm của người sắp được làm mẹ.

Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: Sót nhau, khâu cái gì mà khâu! - Ảnh 1.

Quá trình mang thai của chị Tuyền diễn ra tương đối nhẹ nhàng.

Nước chảy, tiếng lịch kịch làm bố Nấm thức giấc. Bố hỏi mẹ đang làm gì thế và mẹ chỉ đáp đúng vài từ: "Đi đẻ bố ơi", vậy là bố còn quýnh hơn cả mẹ, mắt nhắm mắt mở xỏ quần chạy như gà mắc tóc, đỡ mẹ xuống lầu, chạy lên chạy xuống lấy cái này lấy cái kia, cố gọi cho bà ngoại để cầu cứu vì bố biết bố đang rất lúng túng để xử lý tình huống này. Nhìn mặt bố lúc đó còn chưa tỉnh ngủ, cứ hỏi đi hỏi lại: "Mẹ có giỡn bố không đó?" vì mặt mẹ rất tỉnh, còn nói "Bố cứ từ từ thôi làm gì mà quýnh quáng vậy". Khi bố cố gọi taxi mà mãi họ không tới, mẹ còn nói thôi đợi sáng hẳn rồi đi thì chả trách sao bố lại cho là mẹ đang giỡn. Taxi cũng đến, bà ngoại cũng có mặt, nhìn mặt con gái đến bà ngoại cũng không tin nó sắp đi đẻ".

Nhớ lại thời khắc khi nằm trong phòng chờ sinh thấy nhiều mẹ khác đau đớn la hét khiến bản thân chị Tuyền cũng rất lo lắng không biết cơn đau đẻ sẽ diễn ra như thế nào và bản thân mình có chịu đựng được không? Nhưng rất may do nghe lời khuyên của bà ngoại từ trước và đã tham khảo trên mạng nên chị biết rằng la hét chỉ làm mất sức và đau hơn, nên chị chỉ tập trung hít thở là chính và thấy: "Quá trình đau đẻ trải qua khá nhẹ nhàng và thấy nó không ghê gớm như mình thấy các chị em trong phòng cùng sinh trải qua".

Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: Sót nhau, khâu cái gì mà khâu! - Ảnh 2.

Nấm khi sinh được 5 ngày tuổi và đang phơi nắng buổi sáng.

Cảm xúc lúc đó cũng được chị Tuyền chia sẻ trong nhật kí làm mẹ của mình như sau:

"14h chiều, mẹ Nấm bắt đầu có những cơn đau dữ dội, báo với bác sĩ để kiểm tra thì lúc này mới mở 1 phân. Mẹ Nấm biết mình sẽ còn chịu cơn đau này ít nhất thêm vài tiếng nữa. Theo kinh nghiệm 10 người con của bà ngoại thì "xe ti" sẽ giúp cổ tử cung mở nhanh hơn và thế là mẹ Nấm lâu lâu lại lén xe xe với hi vọng là nhanh nhanh lên chứ cũng đau lắm.

Không lăn lộn, không la hét, mẹ Nấm nằm yên vị trên giường và khi những cơn đau tới mẹ Nấm hít mạnh, thở sâu cứ thế cho cơn đau đi qua, lắm lúc còn ngủ quên và giật mình khi cơn đau lại tới. Cứ như vậy, hít thở, xe ti, mẹ Nấm trải qua hơn 2 tiếng đau đẻ không mất sức cho đến lúc cảm giác muốn rặn xuất hiện thì la làng cho bác sĩ biết "Bác sĩ ơi em muốn rặn".

4 phân rồi, chuẩn bị chuyển phòng sinh. Ôi! Cảm giác khó chịu khi muốn rặn tòi ra cái gì đó và cảm giác hồi hộp khi chuẩn bị được gặp con nó xen lẫn. Đi kèm đó là cảm giác lo lắng không biết mình có đủ sức để vượt cạn hay làm mẹ không. Mẹ Nấm bỗng nhiên hơi bấn loạn, mình sắp sinh thật rồi sao? Thật sự làm mẹ á? Con sẽ khỏe đúng không? Vô vàn câu hỏi chạy qua đầu làm mẹ Nấm nước mắt chực trào ra".

Các cơn đau của chị Tuyền diễn ra từ 2h chiều đến 4h30 thì chị được chuyển vào phòng đẻ và chỉ một tiếng sau chị đã hạ sinh bé Nấm thành công nặng 3kg.

Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: Sót nhau, khâu cái gì mà khâu! - Ảnh 3.

Bé Nấm được bố đem đi sưởi nắng.

"Vì ngày lễ nên chỉ ít bác sĩ trực mà trong phòng sinh còn vài ca nên bác sĩ cần thời gian để xử lý từng ca, nhưng đang trong cơn mắc rặn mà bác sĩ thì kêu không được rặn làm mẹ Nấm cảm giác muốn nổi nóng. Cố gắng lắm nhưng không thể kìm hãm được thế là mẹ Nấm cứ mặc sức hít thật sâu và rặn mặc cho y tá nhắc nhở. Thôi kệ, vào đến đây rồi, không xếp hàng chờ được, đẻ thì bác sĩ cũng phải đỡ thôi.

Y tá truyền cho bình thuốc gì đó rồi lại kiểm tra xem tử cung mở được bao nhiêu phân thì gọi bác sĩ ơi chuẩn bị đẻ, thế là hai y tá và một bác sĩ đến bên mẹ Nấm. Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng thì bác sĩ nói giờ khi nào bác sĩ nói rặn thì rặn nhé: hít sâu... dùng hết sức rặn đi, 3 rặn như thế thì 5h30 Nấm cất tiếng khóc chào đời. Ôi cha mẹ ơi... Cuối cùng cũng rặn được ra 1 cục 3kg... Mệt rã nhưng nhìn con hạnh phúc không gì tả được các mẹ ạ".

Sinh bé xong, các bác sĩ cắt dây rốn và cho bé da kề da với mẹ. Tưởng như việc sinh nở đã kết thúc một cách khá nhẹ nhàng, nhưng đúng lúc một bác sĩ cất giọng hỏi y tá: "Ca này sao rồi em?" và nhận được câu trả lời "Xong rồi bác sĩ, chờ khâu tầng sinh môn là kết thúc" thì chuyện "tày đình" đã xảy ra. Theo lời chị Tuyền, vị bác sĩ kia như một vị thần cứu vớt cuộc đời chị khi cất giọng khá gắt: "Sót nhau, khâu cái gì mà khâu!". Lúc này, thêm một liều thuốc được tiêm vào đùi chị Tuyền và thêm hơn 30 phút chị phải nằm trên bàn đẻ để bác sĩ lấy hết nhau bị sót ra ngoài. Chị Tuyền tâm sự: "Cảm giác kiệt sức, 2 chân mỏi rã rời làm mẹ Nấm muốn gục ngã trong cái trận chiến đó nhưng lại cố mở mắt, vuốt ve và nói chuyện với con để vượt qua cảm giác khủng khiếp lúc bấy giờ...".

Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: Sót nhau, khâu cái gì mà khâu! - Ảnh 4.

Bé Nấm khi được 1 tuổi vô cùng xinh xắn, đáng yêu.

Mẹ Sài Gòn tưởng vượt cạn suôn sẻ, đúng lúc khâu tầng sinh môn, bác sĩ quát lên: Sót nhau, khâu cái gì mà khâu! - Ảnh 5.

Hình ảnh đáng yêu của hai mẹ con chị Tuyền.

Từ lúc sinh bé xong chị Tuyền hồi phục rất nhanh và cũng không đau đớn gì nhiều: "Qua ngày hôm sau, bố Nấm đã đỡ mẹ đi vệ sinh được rồi và đến tối khi bà ngoại ngủ là tự gượng dậy vì sợ bà mệt cả ngày. Tính ra chỉ mất tầm 1,5 ngày là hồi phục, ngày 2 và 3 là tập đi loanh quanh trong bệnh viện không cần ai đỡ".

Bình thường, nhau thai sẽ được đẩy ra ngoài trong quá trình sinh con. Tuy nhiên hiện tượng sót nhau thai vẫn xảy ra do nhau thai không được đẩy hết hoặc hút hết ra ngoài. Sót nhau thai có thể để lại một số hậu quả như: viêm âm đạo, xuất huyết tử cung, dính buồng tử cung, viêm nội mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng...

Chia sẻ