Mẹ hãy tránh 3 loại quần áo này khi mua cho trẻ nếu không muốn rước bệnh vào người
Đối với quần áo của trẻ nhỏ, an toàn phải là tiêu chí cần đặt lên hàng đầu.
Quần áo là một trong những vật dụng thiết yếu của trẻ nhỏ. Đối với những bậc cha mẹ yêu thích thời trang và thường xuyên trưng diện cho con thì vấn đề trang phục của bé càng được cha mẹ quan tâm.
Thế nhưng cha mẹ phải nhớ, đối với quần áo trẻ em, yếu tố an toàn, đảm bảo sức khỏe mới là quan trọng hàng đầu. Nếu cha mẹ chỉ quan tâm tới yếu tố thẩm mỹ mà bỏ qua các tiêu chí khác, nhiều khi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là rước về căn bệnh ung thư.
Khi mua quần áo cho con, cha mẹ cần đặc biệt tránh 3 loại quần áo sau đây:
1. Quần áo có nhiều chi tiết trang trí
Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của các bậc cha mẹ và trẻ nhỏ, quần áo cho bé thường được trang trí với nhiều chi tiết bắt mắt. Các chi tiết bằng kim loại, các hạt cườm, hạt châu... đính trên quần áo không hề an toàn với trẻ nhỏ. Nó có thể gây ra những hậu quả:
- Gây hóc dị vật ở trẻ nếu các chi tiết trang trí ấy rơi ra và chẳng may trẻ nhét vào tai, mũi hoặc nuốt vào bụng.
- Để tiết kiệm chi phí, các nhà sản xuất sẽ chế tạo các chi tiết ấy từ những vật liệu thiếu an toàn với sức khỏe. Ví dụ như các hạt châu, cườm được làm từ nhựa urea formaldehyde. Đây là một loại nhựa được tổng hợp từ urea và aldehyde formide. Trong đó urea là thành phần chế tạo phân bón, còn formaldehyde là một hóa chất độc hại với sức khỏe con người.
2. Quần áo có mùi khó chịu
Cha mẹ để ý sẽ thấy nhiều khi quần áo mới mua về của bé có mùi hăng nồng rất khó chịu. Đó chính là mùi của formaldehyde lưu lại trên quần áo trong quá trình sản xuất. Nhiều nhà sản xuất sử dụng chất formaldehyde để diệt khuẩn, nấm mốc trên vải trong quá trình dệt nhuộm. Để nhận biết hàm lượng formaldehyde có trong quần áo, vải vóc nhiều hay ít, cha mẹ có thể phát hiện thông qua khứu giác. Formaldehyde không có màu nhưng có mùi hắc, hăng khó ngửi.
Nếu mặc ngay quần áo mới chưa được giặt sạch, formaldehyde khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, mẩn ngứa với người mẫn cảm. Ở nồng độ thấp, formaldehyde có thể gây phồng rộp giác mạc, kích ứng mũi và họng, có khả năng gây chảy nước mắt, hắt hơi và ho. Với nồng độ cao chúng có thể gây cảm giác buồn nôn và khó thở. Nếu thường xuyên tiếp xúc với hóa chất này, thậm chí còn có thể gây bệnh ung thư cho người sử dụng.
3. Quần áo màu sắc sặc sỡ
Những quần áo có màu sắc rực rỡ thường khá được lòng các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ. Nhưng thực ra loại quần áo ấy lại không đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé vì chúng sử dụng rất nhiều thuốc nhuộm vải.
Thuốc nhuộm, hay còn gọi là phẩm nhuộm là tên gọi chung của các hợp chất hữu cơ mang màu (có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp), đa dạng về màu sắc cũng như chủng loại. Chúng có khả năng nhuộm màu hay gắn màu trực tiếp lên sản phẩm may mặc.
Dưới khía cạnh hóa học, các loại màu được chia ra thành nhóm như màu Azo, màu Anthrachinon, màu Metal complex và các nhóm khác. Đối với nhóm Azo, khi các hợp chất Azo này thâm nhập vào cơ thể, chúng có thể bị phân hủy trong hệ trao đổi chất của cơ thể và sản sinh ra chất aromatic amine.
Amine là một nhóm hợp chất hữu cơ gây hại cho da. Tiếp xúc lâu dài, amine có thể thẩm thấu dễ dàng qua da, gây dị ứng, kích ứng da, dẫn tới các bệnh về da như viêm da dị ứng… Nguy hiểm hơn, quy trình phân hủy Azo có thể xảy ra trong đường ruột, trong gan hoặc gây bệnh ung thư.