Mẹ bầu Phú Thọ và khoảnh khắc đi đẻ "lúc đi hết mình lúc về hết hồn": Vào viện còn tung tăng, lát sau chồng dìu cũng không đi nổi
Để có được khoảnh khắc "mẹ tròn con vuông", chị em phụ nữ đã phải trải qua nhiều vất vả, đau đớn và cả sợ hãi.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chắc hẳn không ít mẹ bầu vẫn có những trải nghiệm sinh con bàng hoàng ngoài sức tưởng tượng. Chỉ khi đối diện với những cơn đau, nằm trên bàn đẻ cố rặn từng hơi để giúp con nhanh chóng chào đời khoẻ mạnh mới có thể cảm nhận hết được sự đau đớn, gian nan. Thế mới thấy người phụ nữ đã hy sinh nhiều đến nhường nào để làm tròn thiên chức vĩ đại của mình.
Trải qua một lần sinh nở, chị Kiều Oanh (22 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ) cho hay đến hiện tại chị vẫn chưa có ý định sinh tiếp con thứ hai.
Kết hôn được hơn một tháng thì chị Oanh biết tin mình có bầu. Suốt cả thai kỳ, ngoài việc hai lần bị cảm cúm thì chị Oanh rất khoẻ mạnh, đi lại, làm việc nhanh nhẹn như bình thường. Vì thế nên chị vẫn tự nhủ: "Chắc mình dễ đẻ giống mẹ mình rồi". Tuy nhiên, thực tế lại không hề giống như những gì chị Oanh nghĩ.
Đoạn clip hài hước khi đi đẻ đúng phong cách "lúc đi hết mình lúc đẻ hết hồn" của chị Oanh.
"Tối trước hôm đi đẻ mình vẫn còn ngồi uống nước buôn chuyện với bạn bè. Sáng hôm sau tự dưng thấy hơi đau bụng nên đi khám thì bác sĩ bảo mở hai phân rồi nhập viện luôn. Lúc ấy mình mới chỉ hơi đau nên ông xã đưa mình về nhà lấy đồ rồi tranh thủ ăn bát phở bò, đi gội đầu sạch sẽ, thơm tho.
Vào viện làm thủ tục, thay quần áo xong mình vẫn tung tăng đi lại vì chưa thấy đau nhiều. Sau đó bác sĩ bảo sang phòng đẻ kiểm tra, chọc ối, tiêm kích đẻ rồi cho nằm đo monitor.
Nằm nghe mấy chị bên cạnh đẻ kêu la ghê lắm, lúc đó mình vẫn nghĩ: "Sao đau bình thường mà mọi người kêu ghê thế", nhưng rồi đến lúc mình có cơn co, đau dữ dội không chịu được thì mới thấm thía. Mình xin bác sĩ cho xuống đi bộ cho nhanh mở nhưng bác sĩ yêu cầu nằm yên trên bàn đẻ không được quay ngược quay xuôi.
Mình cứ nằm đấy gào thét hơn 2 tiếng đồng hồ, muốn rặn mà bác sĩ kiểm tra vẫn mới mở 5-6 phân, nếu rặn thì em bé sẽ bị ngạt nên lại cố nín lại. Lúc sau mình thấy khó thở, người như không còn chút sức lực nào, sợ không chịu được nữa nên nhờ bác sĩ gọi người nhà vào. Ông xã mình thương vợ đau quá nên quyết định cho đi mổ luôn" - bà mẹ trẻ nhớ lại. Đồng thời chị Oanh tiết lộ mỗi lần nghĩ lại hành trình đi đẻ chị vẫn thấy sợ nên chưa có ý định đẻ tiếp.
Nhà neo người, bố mẹ hai bên đều ở xa nên chỉ có mình vợ chồng chị Oanh chăm nhau lúc sinh nở cũng khá vất vả. Sau mổ một hôm chị Oanh đã phải gượng dậy ngồi bế con dù vẫn còn rất đau. Cũng may trong lúc ở bệnh viện thì có hai bà mẹ của sản phụ giường bên cạnh giúp đỡ chị Oanh việc vệ sinh, bế em bé còn ông xã của chị chạy đi chạy lại làm việc nọ việc kia, lo thủ tục giấy tờ.
Vì sinh mổ nên mãi không thấy sữa về, sau sữa về thì lại bị tắc sữa, đau đớn đến mức giờ nghĩ lại chị vẫn còn run.
"Đến khi về nhà cũng chỉ có hai vợ chồng chăm nhau. Chồng mình rất thương vợ, thương con nên chăm hai mẹ con lắm nhưng lần đầu làm bố nên vẫn còn lóng ngóng, quấn tã cho con mà anh ấy quấn lung tung hết cả, con vừa khóc cái là bế vội con lên đung đưa.
Trộm vía là bé cũng ngoan nên việc chăm con không vất vả lắm. Bé cứ ăn ngoan rồi ngủ thôi, đêm dậy ăn 1, 2 lần rồi đi ngủ tiếp tới sáng" - chị Oanh kể.
Bà mẹ trẻ chia sẻ thêm, qua một lần sinh nở chị cảm thấy sức khoẻ của mình cũng không còn được như trước nữa, trái gió trở trời là chị bị đau đầu, đau người, cơ thể yếu ớt chứ không được khoẻ khoắn như xưa.
Nhưng may mắn là khi mang thai, chị Oanh không bị xuống sắc giống như nhiều mẹ bầu khác mà lại đẹp hơn, da dẻ mịn màng, hồng hào, tóc tai suông mượt, không gãy rụng. Bà mẹ 9x ăn uống đầy đủ nhưng không bị tăng cân quá nhiều. Cả thai kỳ chị Oanh tăng tổng cộng 10kg, hiện tại sau sinh 4 tháng, chị đã lấy lại vóc dáng như thời con gái.
Mặc dù phải trải qua nhiều đau đớn vất vả trong quá trình sinh nở và chăm sóc con nhỏ nhưng đối với chị Oanh, đánh đổi tất cả những điều đó để có được một đứa con đáng yêu, khoẻ mạnh chị thấy rất đáng và luôn hạnh phúc với những gì mình đang có.